Theo lộ trình 2021-2025, thi tốt nghiệp THPT hướng tới thi trên máy tính. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tăng cường ứng dụng CNTT trong các kỳ thi riêng để tuyển sinh...
Bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, phát biểu tại hội nghị sáng 12-12
Bộ GD-ĐT vẫn cần giữ vai trò chỉ đạo dù kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về các địa phương, và vai trò tổ chức lọc ảo, cố gắng để kỳ thi có tính phân loại tốt. Chỉ có thế các trường mới yên tâm sử dụng kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia.
GS Nguyễn Hữu Tú (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội)
Đó là một trong những nội dung được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị giáo dục đại học 2020 để nhìn lại kết quả năm 2019-2020 và đề xuất định hướng 2021-2025 do bộ này tổ chức sáng 12-12.
Hội nghị theo hình thức trực tuyến giữa Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đại học cả nước với năm nội dung chính, bao gồm: công tác tuyển sinh, tự chủ đại học và hội đồng trường, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học.
Thành lập trung tâm khảo thí độc lập
Tại hội nghị, về công tác tuyển sinh, đại diện các trường đại học phát biểu đều mong muốn giữ ổn định phương án tuyển sinh trong vòng 4-5 năm tới và giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT như là một căn cứ để xét tuyển đại học. Còn lại các trường sẽ thực hiện quyền tự chủ trong việc xét tuyển bằng những phương thức khác.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ GD-ĐT vẫn phải là "người cầm cái" khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về cho các địa phương... Việc này để các trường có thể tiếp tục tin tưởng sử dụng phương án tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết trong giai đoạn 2021-2025, công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định như năm 2020 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các trường. Bộ GD-ĐT đã giao Cục Quản lý chất lượng nghiên cứu thành lập các trung tâm khảo thí độc lập để các trường đại học sử dụng kết quả này xét tuyển đại học; có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm như nhiều trường đại học trên thế giới.
Các trung tâm này được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính, thi nhiều lần trong năm. Theo lộ trình 2021-2025, thi tốt nghiệp THPT cũng hướng tới thi trên máy tính. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tăng cường ứng dụng CNTT trong những kỳ thi riêng để tuyển sinh... Bộ GD-ĐT giao Cục Quản lý chất lượng xây dựng các tiêu chí cho trung tâm khảo thí độc lập, ngân hàng câu hỏi, chuẩn hóa đề thi để thi tốt nghiệp THPT sẽ thi trên máy tính.
GS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - giám đốc Đại học Đà Nẵng - đề nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2021 cũng như công bố lộ trình để các trường THPT ổn định cách dạy, thí sinh chủ động ôn thi.
Một phần trong định hướng tuyển sinh 2021-2025 của Bộ GD-ĐT
Tập trung chuyển đổi số
Một trong những nội dung được bàn thảo nhiều là chuyển đổi số tại các trường đại học và tập trung chuyển đổi số vào năm 2021 vì đây là năm chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đang thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu giáo dục đại học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: "Cơ sở dữ liệu này nhằm giúp các trường đại học công khai minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, còn cơ quan quản lý thì có thể căn cứ vào đó để quản lý và thiết kế chính sách". Sau dịch COVID-19, các trường đại học đều đẩy mạnh số hóa. Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá vẫn là mạnh ai người nấy làm, khi có trường làm tốt và có trường vẫn loay hoay.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết trường đã áp dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" đối với chuyển đổi số. Trường cho giảng viên đi tập huấn chuyển đổi số, khi về ai thiết kế bài giảng online đều được thưởng tiền. Đến năm 2020 thì 100% giảng viên trường dùng hình thức giảng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến và những ai không thích ứng với cách này sẽ bị cắt lao động tiên tiến.
Liên kết để tận dụng nguồn lực số Ngoài ra, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM triển khai 116 khóa học "đúng nghĩa sư phạm số" và đã có thể bán được những bài học này cho các trường khác. Để giúp đỡ những giảng viên chưa thích ứng được với công nghệ, trường cho phép các giảng viên tuyển trợ lý và khuyến khích sinh viên giỏi công nghệ giúp thầy cô chuyển đổi số. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đang khuyến khích các trường liên kết để tận dụng nguồn lực số của nhau thay vì mạnh ai người nấy thực hiện... |
> Đăng ký thi THPT trên Cổng dịch vụ công quốc gia
> Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến mở ngành báo chí
Theo Tuổi Trẻ