Môn địa lý: Tận dụng Atlat, chú ý biểu đồ

Theo giáo viên Trần văn Quang (Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình, TP.HCM), vì mỗi câu chỉ có thời gian làm bài là 1 phút 15 giây, nên nếu làm câu Atlat (một đề có thể có từ 4-8 câu Atlat) mà không quen đọc, các em có thể mất nhiều thì giờ mà vẫn đọc sai.

Các câu Atlat ta làm sau cùng và làm cùng lúc để khỏi phải mở, đóng Atlat nhiều lần, mất thời gian.

Khác với môn lịch sử, môn địa lý có các tính toán về số liệu, nên các em cần nhớ công thức và mang theo máy tính, nếu không sẽ có khó khăn.

Để biết chắc biểu đồ phải vẽ ta cần nhớ 5 từ khóa (Cơ cấu, tỉ trọng, tăng trưởng, phát triển, biến động) và dựa vào số năm để đưa ra kết quả.

Lưu ý theo bảng hướng dẫn sau:

Hướng dẫn làm bài thi các môn khoa học xã hội

Ngoài ra, khi làm bài, câu dễ các em tô ngay, câu khó bỏ qua, quay lại sau và không nên để trống. Nếu không tìm ra đáp án ngay, các em có thể tham khảo Atlat rồi loại trừ dần phương án để chỉ còn 1 phương án.

Môn lịch sử: Làm chủ thời gian

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương), một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công trong khi thi là khả năng phân bố và làm chủ thời gian quy định.

Cách sử dụng hợp lý quỹ thời gian này có thể theo phương án sau: Dành 10 phút để phân tích đề (xác dịnh yêu cầu, phạm vi, và trọng tâm của các câu hỏi) và đánh dấu trên đề. Việc này không cần quá chi tiết để tránh mất thời gian, nhưng nên rõ khung ý lớn, xác định về những câu, những phần kiến thức hiểu, vận dụng, và phần kiến thức hiểu, vận dụng ở mức độ cao, những chi tiết bỏ qua hoặc cần minh họa.

Dành 35 phút để đánh dấu vào phiếu trả lời, 5 phút để đọc, xác định lại các trả lời khác. Đối với đề thi gồm nhiều câu hỏi như hiện nay, thí sinh cần trả lời thẳng vào từng câu hỏi.

Ngoài sự chuẩn bị về kiến thức, về phương pháp, muốn có kết quả cao trong kỳ thi cần chú ý đúng mức đến việc chuẩn bị về sức khỏe và tâm lý để đảm bảo trạng thái tốt. Nên có kế hoạch ôn luyện điều độ, khoa học, giải quyết hợp lý các nhu cầu học tập, nghỉ ngơi, giải trí để đảm bảo sức khỏe, tránh sự căng thẳng đầu óc. Hết sức tránh kiểu “học tủ”, “học vẹt” và khi vào phòng thi tuyệt đối không mang theo tài liệu để quay cóp.

Trong phòng thi, sự bình tỉnh,tự tin quyết định rất lớn đến kết quả làm bài. Các hiện tượng học tủ, phạm quy... sẽ gây tác động không nhỏ đến kỳ thi, tạo ra những cú sốc tâm lý rất tai hại mà hậu quả không thể lường hết được.

Hướng dẫn làm bài thi các môn khoa học xã hội

Môn Giáo dục công dân: Đọc kỹ câu hỏi, xử trí theo góc độ pháp luật

Giáo viên Nguyễn Phạm Phúc (Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hướng dẫn học sinh đọc kỹ câu hỏi. Đây là điều hết sức cần thiết, nhất là những câu hỏi mang tính phân hóa. Thường những câu hỏi phân hóa sẽ rơi vào trường hợp xử lý tình huống và giữa các đáp án thường không khác biệt nhau nhiều. Nếu chỉ đọc lướt qua, rất có thể học sinh phạm phải sai lầm không đáng có.

Nên tự tin ở chính mình, nếu những câu hỏi dạng nhận biết mà học sinh cảm thấy chắc chắn rồi thì các em nên quyết đoán. Ở mức độ xét tốt nghiệp thì thông thường những câu hỏi này không mang tính chất đánh đố học sinh nhiều, vì vậy các em không nên đặt nặng tâm lý thái quá, hãy dành thời gian để cho câu hỏi khác.

Với những câu hỏi tình huống nếu không biết cách xử trí thì các em hãy xử sự bằng góc độ đạo đức. Pháp luật có nền tảng từ đạo đức, nhiều người làm đúng theo pháp luật không phải vì họ thực sự am hiểu pháp luật mà là vì hành vị của họ phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Hãy đặt mình vào vị trí của người bị hại, thông thường phương án phù hợp là phương án phù hợp với số đông xã hội đồng tình.

Đừng bỏ sót bất kỳ câu hỏi nào. Nên dùng phương pháp loại trừ. Nên đọc nhiều thông tin trên sách báo để hỗ trợ kiến thức pháp luật còn thiếu hỏng.

Điều quan trọng nhất là giữ cho tinh thần thoải xuyên suốt quá trình làm bài. Chỉ khi tâm trí nhẹ nhàng các em mới đạt được độ nhạy bén tốt nhất khi làm bài thi trắc nghiệm. Đừng tự đặt cho mình áp lực quá cao, vì đôi khi, ảnh hưởng từ áp lực tâm lý lên kết quả bài làm là không hề nhỏ.

Theo thanhnien.vn