Nụ hôn và lời động viên của bố
Ông Hồ Đắc Mạnh, bố Chương cho biết, dù không ra Hà Nội để cổ vũ nhưng sáng diễn ra cuộc thi, hai vợ chồng đã nghỉ làm để đến điểm cầu Trường THPT Quốc học Huế theo dõi cuộc thi. “Chiến thắng của Chương có công lớn của thầy cô trường Quốc học và các anh chị đi trước luôn ở bên đồng hành suốt một quá trình dài”, giọng run run chưa hết xúc động, ông Mạnh chia sẻ.
Ông Mạnh kể, nhà ở xã Phú Bài, cách trường khoảng 13km, từ khi học cấp II, Chương luôn dậy từ 5 giờ sáng ôn bài, ăn sáng rồi mới đón xe buýt đến trường. Nhà xa, lịch học kín mít nhưng Chương chịu khó đi về, không một lời kêu ca, hay thể hiện sự mệt mỏi.
Mẹ là giáo viên Trường tiểu học số 2 Phú Bài, bố quản lý một doanh nghiệp nhưng Chương thể hiện sự tự lập từ nhỏ. Năm học lớp 11, Chương vừa tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh, vừa dành thời gian ôn thi Đường lên đỉnh Olympia với sự trợ giúp của nhóm anh chị cựu học sinh trường THPT Quốc học Huế và thầy cô giáo trong trường. “Cháu ham học đến mức nhiều khi bố mẹ phải canh giờ để kéo ra khỏi bàn nếu không trời sáng mà con vẫn chưa được ngủ”, ông Mạnh kể.
Chương kể, trước kỳ thi, bố hỏi, có cần bố mẹ đi cùng không nhưng em từ chối. Khi bố hôn tạm biệt và có luận giải một điều trùng lặp thú vị để động viên: “Con sinh tháng 3/1999, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được tổ chức lần đầu tiên cũng vào tháng 3/1999. Đây là nhân duyên”.
Ghi danh ngoạn mục
Tại cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” diễn ra ngày 21/8, Chương có 3 đối thủ nặng ký đều là học sinh các trường THPT chuyên nổi tiếng gồm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam; THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) và học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk). Trước cuộc thi, nhiều người dự đoán, Lê Duy Bách, lớp 12 chuyên Hóa trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam sẽ làm nên chuyện bởi ở các kỳ thi quý, Bách thể hiện sự nhanh nhạy, tự tin vượt trội.
Trong khi đó, Chương bước vào vòng chung kết với điểm số từ cuộc thi quý thấp nhất trong 4 nhà leo núi (270 điểm) và là thí sinh chưa từng giải đáp được từ khóa ở phần “Vượt chướng ngại vật” ở các kỳ thi quý.
Vậy nhưng, ngay từ những phút đầu tiên của chương trình, chàng trai xứ Huế đã khiến đối thủ mất bình tĩnh khi trả lời xuất sắc 11/12 câu dành 110 điểm ở phần thi “Khởi động”. Nhanh chóng qua vòng “Vượt chướng ngại vật”, chỉ sau hai từ gợi ý là núi và rê, và các phần thi “Tăng tốc” và “Về đích”, Chương đã về đích ngoạn mục với số điểm 340, vượt xa các đối thủ để giành phần thưởng trị giá 35.000 USD. Thí sinh Lâm Vũ Tuấn (Nam Định) về Nhì với số điểm 255. Hai thí sinh Lê Duy Bách (Hà Nội) và Phan Tiến Tùng (Đắk Lắk) đồng giải Ba lần lượt khi có số điểm 160 và 110. Phút đăng quang, Chương bật khóc trong vòng vây của báo chí, thầy cô và anh trai. Đầu cầu Trường THPT chuyên Quốc học Huế cũng vỡ òa trong những tràng pháo tay ăn mừng chiến thắng.
May mắn giành học bổng của chương trình du học ở Australia, Chương cho biết trong thời gian tới sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa luyện tiếng Anh để khi du học em có thể tự tin giao tiếp. “Học xong ngành Kỹ thuật em sẽ về nước làm việc tại quê hương bởi theo em quê hương là nhà, làm giàu cho quê hương chính là làm giàu cho bản thân, gia đình”.
Chứng kiến sự về đích hoàn hảo của Thanh Chương, thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng THPT Quốc học Huế, nghẹn lời vì vui sướng: “Hồ Đắc Thanh Chương quá xuất sắc. Đây thực sự là một vinh dự lớn không chỉ cho tập thể thầy và trò trường Quốc học Huế, mà còn cho cả tỉnh TT-Huế. Đây sẽ là món quà ý nghĩa của Quốc học Huế trước thềm kỷ niệm tròn 120 năm thành lập”.
Sinh năm 1999, Hồ Đắc Thanh Chương khiến bạn bè ngưỡng mộ khi trong hai năm sở hữu chuỗi thành tích: Giành giải Nhất môn Toán cấp tỉnh, giải Nhất giải Toán qua máy tính cầm tay Casio; Huy chương Đồng chung kết cuộc thi Chinh phục do VTV6 tổ chức
Giáo dục
Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/hoc-xong-em-se-ve-nuoc-lam-viec-1041232.tpo