Điều kiện sơ tuyển vào Học viện Tòa án 2019 đối với thí sinh nữ cần có chiều cao từ 1m55 trở lên, cân nặng từ 45kg đến 60kg. Theo đó, nếu cân nặng dưới 45kg hay trên 60kg đều không đáp ứng tiêu chuẩn sơ tuyển vào trường.
> Điểm chuẩn Học viện Tòa án 2018 chính xác
> Tuyển sinh 2019: Ngành Công An dự kiến dành 1.600 chỉ tiêu
Quy định sơ tuyển vào Học viện Tòa án năm 2019
- Về chiều cao và cân nặng đối với nữ cao từ 1m55 trở lên, cân nặng từ 45kg đến 60kg;
- Đối với nam cao từ 1m60 trở lên, cân nặng từ 48kg đến 80kg.
Các thí sinh sơ tuyển vào Học viện Tòa án, không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính; độ tuổi không quá 22 tuổi; là đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Đảng viên, phẩm chất đạo đức tốt, lịch sử chính trị rõ ràng.
Đặc biệt, cha, mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ/chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án (trừ vi phạm hình sự lĩnh vực giao thông).
Được biết, năm 2019, Học viện Tòa án dự kiến tuyển sinh tối đa 360 chỉ tiêu ngành Luật trên toàn quốc. Học viện chỉ tuyển những thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 hoặc nguyện vọng 2.
Thí sinh đã tham gia sơ tuyển tại Tòa án nhân dân nơi có hộ khẩu thường trú thì không được tham gia sơ tuyển tại Học viện Tòa án.
Sinh viên nữ Học viện Tòa án có cân nặng từ 45-60kg
Quy định về thời gian nộp hồ sơ
Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ cho TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ngày 25/3/2019 đến hết ngày 20/4/2019.
Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ cho Học viện Tòa án từ ngày 05/5/2019 đến ngày 15/5/2019
Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 hoặc thông qua hình thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Không tuyển thí sinh nữ trên 60kg, Học viện Tòa án nói gì?
Theo đại diện Học viện Tòa án, quy định về tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng với thí sinh có nguyện vọng vào trường nhằm đảm bảo việc thực hiện công việc ở vị trí đặc thù trong tương lai tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ngày 14-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS. Lê Hữu Du - Trưởng phòng Phòng Đào tạo và Khảo thí Học viện Tòa án - khẳng định tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường đã được học viện áp dụng mấy năm qua, từ khi bắt đầu tuyển sinh bậc đại học.
Tiêu chuẩn về sức khỏe cùng các tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức nằm trong điều kiện sơ tuyển. Việc sơ tuyển này tương tự trong tuyển sinh các ngành đặc thù khác như kiểm sát, công an, quân đội.
Lý do nào khiến học viện lại đặt ra giới hạn tuyển thí sinh nữ cao từ 1,55 m, nặng từ 45-60kg, nam cao từ 1,6m và nặng từ 48-80kg?
Theo ông Du, khác với các phán quyết, quyết định hành chính của các cơ quan khác, thì trong công việc của một thẩm phán, khi tuyên một bản án luôn là "Nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…".
Vì vậy các tiêu chuẩn sức khỏe được đặt ra ở đây "không có sự phân biệt" mà nhằm đảm bảo việc thực hiện công việc đặc biệt này tốt hơn, hiệu quả hơn.
"Thực tế đây là một nghề rất áp lực, đòi hỏi phải có sự hài hòa về khả năng chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức, chính trị, tiêu chuẩn sức khỏe, thể trạng đặc thù mới có thể đáp ứng được công việc. Nếu không sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ" - ông Du nhấn mạnh.
Năm 2019, Học viện Tòa án đã mở rộng giới hạn cân nặng cho thí sinh nam, từ quy định cân nặng 48-75 kg áp dụng năm 2018 trở về trước thành quy định cân nặng 48-80 kg, nhưng tại sao với thí sinh nữ tiêu chuẩn này vẫn không thay đổi (45-60kg)?
TS Du cho biết thực tế với nam sinh việc mở rộng giới hạn cân nặng như vậy cùng với chiều cao tương xứng thì vẫn đảm bảo mức độ hài hòa của cơ thể.
Chính các địa phương khi xuất phát từ thực tiễn đã phản ánh về điều này, nên học viện thay đổi tiêu chuẩn. Còn với thí sinh nữ, địa phương chưa phát hiện bất ổn nào về quy định đã có, chưa có kiến nghị gì nên tiêu chuẩn vẫn được giữ nguyên.
Riêng về quy định thí sinh muốn xét tuyển vào trường bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng 1 hoặc 2 (nếu đăng ký vào trường từ nguyện vọng 3 trở lên là không hợp lệ), đại diện Học viện Tòa án cho biết đã áp dụng từ đề án tuyển sinh năm 2018.
"Đặc thù của Học viện Tòa án là tuyển sinh và đào tạo phục vụ nhu cầu nhân lực của ngành. Do đó thực sự cần những người có đam mê, quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp. Như vậy, các em mới có đóng góp, cống hiến tốt nhất cho ngành và cho xã hội" - ông Du nói.
Bằng thực tiễn làm công tác tuyển sinh nhiều năm, ông Du nhận thấy những thí sinh đăng ký nguyện vọng có thứ tự ưu tiên càng ở phía sau mức độ gắn bó, sự đam mê, tình yêu và tâm huyết dành cho nghề càng hạn chế.
Những trường hợp này, theo đó, có khi học năm thứ nhất, thứ hai đã xin bảo lưu kết quả, chuyển trường.
Trong khi đó, chỉ tiêu đào tạo của học viện không nhiều. Khi vào trường, thí sinh lại nhận được sự hỗ trợ rất lớn của trường, của ngành. Vì vậy, nếu thí sinh không đam mê, dù trúng tuyển vào học nhưng lại bỏ dở giữa chừng rất lãng phí.
Tổng hợp từ Báo Dân Trí và Tuổi Trẻ