Học trường quốc tế - Ảnh 1

* Giữa trăm dòng nước

Ông HDT, giám đốc một công ty ở Biên Hòa, sau khi quyết định cho 2 đứa con vào học lớp 10 ở trường quốc tế Á Châu và lớp 9 trường quốc tế Việt Úc, giờ đây than vãn: "Chi phí cao quá, thời gian di chuyển của các cháu nhiều quá. Hai đứa học 2 trường ở 2 nơi khác nhau: đứa học ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), đứa học ở đường 3/2 (quận 10), mỗi ngày đi về Biên Hòa mất 3 - 4 giờ ngồi trên xe đưa rước".

Nhưng nhiều doanh nhân đang chọn trường cho con thì còn có băn khoăn khác. Chị Thủy, một doanh nhân ở quận 3, sau một tuần tìm hiểu, đã "phát hoảng" vì TP.Hồ Chí Minh có nhiều trường quốc tế quá. Nào là Việt - Úc, Á Châu, Úc Châu...; đã có dân lập quốc tế, rồi còn Trung học quốc tế, rồi quốc tế Mỹ. Tìm hiểu kỹ hơn nữa, nhiều trường tên na ná nhau nhưng chẳng có quan hệ ruột rà gì. Hệ thống trường dân lập Việt-Úc (VAS) chiêu sinh từ mầm non đến THPT hoàn toàn chẳng liên quan với trường quốc tế Việt-Úc (Saigon International College trường của Sở GD - ĐT liên kết với bang Tây Úc). Nhiều trường quảng cáo giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng giáo viên lại là người Việt dạy theo chương trình của Bộ GD - ĐT.

Ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, trường quốc tế Singapore (SIS) tọa lạc tại Khu Liên hợp The Canary Bình Dương có lẽ là trường đầu tiên chính thức đi vào hoạt động, kể từ năm học 2009 - 2010. Trong năm học đầu tiên trường nhận học sinh từ mẫu giáo đến lớp 6, các năm học trở về sau sẽ nhận học sinh từ mẫu giáo đến trung học phổ thông.

Với quy mô 2 hecta và tổng vốn hơn nửa triệu đôla Mỹ, SIS bao gồm 3 dãy nhà 3 tầng phục vụ tối đa 500 học sinh theo chương trình giáo dục quốc tế từ mẫu giáo đến tiểu học. Giáo trình giảng dạy kết hợp giữa hệ thống giáo dục Singapore và Úc, trong đó các môn học chính (Toán, tiếng Anh, Khoa học) theo chương trình giáo dục Singapore và các môn phụ tập trung phát triển tính sáng tạo cho học sinh được chọn lọc theo chương trình giáo dục Úc.

Vì quá mới nên chất lượng chưa thể đánh giá, nhưng học phí của trường này "mềm" hơn một chút so với mặt bằng chung của các trường ở TP.Hồ Chí Minh.

Chỉ cần vào các trang web của những trường quốc tế ở 2 thành phố lớn nhất Việt Nam có thể thấy được mức đóng học phí đến chóng mặt. Học phí dành cho học sinh Việt Nam ở một số trường quốc tế Hà Nội một năm cao hơn chi phí cho một sinh viên theo học 4 năm ở các trường đại học trong nước: Mẫu giáo là 3.300USD/năm chưa kể ăn uống và phí ghi danh 940 USD, phí ô tô đưa đón 550USD/năm. Bậc tiểu học là 3.400USD/năm, THCS, THPT 4.000 - 5.000USD/năm, tiền ăn trưa tại trường 30.000 đồng/bữa.
Cá biệt, có trường học phí còn lên tới 10.000USD. Trường mầm non KinderWorld của Singapore (ở Hà Nội) có hai chương trình song song: học chương trình quốc tế học phí là 6.000USD/năm, trong khi mức học phí của chương trình Việt Nam là hơn 2.800USD... Phí tuyển sinh vào trường quốc tế LHQ Hà Nội: 1.000 USD (nếu không được tuyển, nhà trường chỉ hoàn lại 75% phí). Chi nhánh của trường này chính là trường quốc tế Singapore ở Bình Dương.


* Đâu là chuẩn quốc tế?

Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh: Hiện tại trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có ba loại trường được gọi là "trường quốc tế". Loại thứ nhất: Trường do nguồn đầu tư nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn theo chương trình và tiêu chuẩn nước ngoài, mục đích phục vụ con em chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam. Các trường này đang có khuynh hướng mở rộng để thu hút học sinh Việt Nam vào học, hình thức như du học tại chỗ. Loại thứ hai: Trường do người Việt Nam đầu tư dạy cho người Việt Nam với chương trình của Bộ GD-ĐT; các trường này có khuynh hướng tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế. Loại thứ ba: Trường được đầu tư từ nguồn vốn liên kết giữa Việt Nam và nước ngoài. Cũng có mục đích phục vụ học sinh Việt Nam, như hình thức du học tại chỗ. Loại 1 được coi là quốc tế gốc 100% chỉ có vài trường, giảng dạy hoàn toàn theo phương pháp nước ngoài, giáo viên hầu hết cũng là người nước ngoài và có bằng cấp quốc tế nên học phí thường rất cao so với thu nhập bình thường của các gia đình Việt. Một số trường khác của các sứ quán nước ngoài như Trường Colette của Pháp, học phí rẻ hơn nhưng rất hạn chế số lượng và chủ yếu chỉ dạy cho công dân nước họ. Loại 2, 3 còn lại (chiếm đa số) là trường có tính chất quốc tế, buổi sáng dạy theo chương trình của Bộ; buổi chiều dạy tăng cường tiếng Anh ở một số bộ môn (riêng ngoại ngữ dạy theo chứng chỉ chất lượng của nước ngoài, thi theo bằng của Anh, Mỹ, Úc.

Học trường quốc tế - Ảnh 2

* Đắt liệu có xắt ra miếng?

Ưu điểm của các trường trên là một lớp học ít, học nhẹ nhàng, không học thêm. HS được học đầy đủ các môn năng khiếu (nhạc, họa...), vi tính, ngoại ngữ.

Vì phải trả học phí cao gấp nhiều lần so với trường công nên HS học trường quốc tế được "cưng như trứng mỏng". Anh Quốc Hưng, có con học ở TH dân lập Quốc tế, quận 1, kể: "Xe vừa đậu trước cổng trường là đã thấy cô giáo tươi cười dắt con mình vào lớp. Bữa nào đường kẹt xe, đi trễ một chút là nhà trường điện thoại cho PHHS hỏi thăm vì sao HS nghỉ học. Nếu không hài lòng với giáo viên, PHHS có thể phản ánh trực tiếp mà không sợ con bị "đì".

Học trường quốc tế điều kiện tiếng Anh, tiếng Pháp tốt nhưng môi trường hòa đồng ở trường vừa là ưu điểm vừa là... hạn chế vì sự ganh đua học tập không cao. Chị Mai Hương kể: "Con tôi rất thích không khí sinh hoạt tại trường. Tuy nhiên, các môn tiếng Việt, tập làm văn, chính tả, làm toán chưa được xuất sắc như HS trường công".

Nhiều trường quảng cáo dạy chương trình quốc tế nhưng thực chất là chương trình Việt Nam cộng thêm vài môn học học bằng tiếng Anh.

Sự ngộ nhận về các trường mang tên quốc tế bắt nguồn từ việc có nhiều dạng trường quốc tế được mở ra và từ "quốc tế" cũng được sử dụng khá dễ dãi. Nếu gọi tên chính xác, HS của trường được học buổi sáng theo chương trình Bộ GD - ĐT Việt Nam, buổi chiều học chương trình tăng cường tiếng Anh, học các môn tự nhiên theo chương trình Hoa Kỳ, Canada, Úc (đã được rút gọn cho phù hợp với trình độ Anh ngữ của HS Việt Nam)... chỉ là những trường tăng cường tiếng Anh.

Có một điều ít bậc cha mẹ lưu ý: Trường quốc tế giảng dạy bằng chương trình nước ngoài không liên thông được với trường công vì mục tiêu các em nhắm đến là đi du học nước ngoài. Chính vì vậy mà nếu nguồn tài chính "nửa đường gãy gánh" thì các em khó có cơ hội trở lại các trường công, bởi hệ bằng cấp, chương trình học của các trường quốc tế hoàn toàn khác với chương trình Việt Nam.

Một giáo viên đang dạy cho một trường quốc tế cho biết, không ít các trường quốc tế nương theo học sinh thái quá, vô tình cổ vũ cho thói lười biếng, ỷ lại của học sinh, vốn là các cậu ấm cô chiêu. Nhiều phụ huynh đồng tình với nhận định trên và khẳng định, cho dù con họ được sự tự tin, khả năng sáng tạo và kỹ năng sống nhưng gia đình vẫn phải tham gia tích cực vào quá trình hoàn thiện nhân cách để trẻ không phát triển lệch lạc.

Học phí chóng mặt không phải là điều làm nhiều bậc cha mẹ bối rối mà cái chính là nếu lỡ cho con theo trường quốc tế thì phải theo đến "bến". Mà "dòng nước" này dài đến 12 năm. Chỉ cần một sự cố nào xảy ra, con em họ có nguy cơ thất học vì khó quay về với hệ công lập, dân lập trong nước do không phù hợp.

Trong bối cảnh trường "quốc tế" tràn lan và chất lượng không đồng đều, PHHS vẫn chịu cảnh "may nhờ, rủi chịu" nếu gặp phải những trường dân lập có tên quốc tế nhưng chất lượng thua "quốc nội" hạng trung bình.
Các chuyên gia giáo dục đưa ra nhiều lời khuyên cho các bậc cha mẹ. Tựu trung vẫn là tìm hiểu thật kỹ. Bởi vì hầu hết trường mang tên "quốc tế" đều không có nghĩa là bằng cấp được công nhận ở nhiều nước trên thế giới, dù các trường thường quảng cáo có liên thông với các trường tiểu học, trung học, đại học ở Mỹ, Anh, Úc, nhưng thực chất học sinh phải đạt đủ tín chỉ bắt buộc mới có điều kiện dự thi để lấy bằng cấp quốc tế.
Và một vấn đề quan trọng, cần cân nhắc khả năng tài chính và phải tìm hiểu kỹ điều kiện cơ sở vật chất: phòng học, phòng bộ môn, thực hành, thư viện... của trường đó. Đặc biệt, cần tìm hiểu kỹ nguồn giáo viên: họ được đào tạo ở đâu, có đủ năng lực và kinh nghiệm để dạy và truyền đạt cho trẻ theo đúng chương trình đã giới thiệu với PHHS không?
Theo: báo đồng nai