Kỳ thi quốc gia: Cuộc chơi bắt đầu nhưng chưa có luật chơi
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Tất cả các nguyên tắc, chủ trương về kỳ thi THPT quốc gia đều được các trường và các Sở GD - ĐT ủng hộ. Tuy nhiên, đến nay, các giải pháp kỹ thuật của kỳ thi như: Tổ chức thi, chấm thi… vẫn chưa có chi tiết cụ thể. Gần đây, Bộ GD - ĐT tổ chức 3 hội nghị triển khai phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại 3 miền: Bắc, Trung, Nam nhưng rốt cuộc địa phương và trường vẫn đang rất lúng túng. Bộ GD - ĐT nên công bố rõ ràng lộ trình đổi mới tuyển sinh chứ không thể chung chung như hiện nay.
Tôi xin dẫn chứng những điểm mà “cuộc chơi đã bắt đầu nhưng luật chơi không hề có”. Đơn cử, vừa qua, sau khi biết thông tin về kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường đã lên phương án tuyển sinh cho trường mình. Tuy nhiên, đột ngột Bộ GD - ĐT đưa ra quy định về khối thi vẫn giữ nguyên như mọi năm và quy định chi tiết các điều liên quan. Do đó, đã làm đề án tuyển sinh riêng của không ít trường bị xáo trộn.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Một trong những vấn đề “nóng” nhất hiện nay là thi theo cụm. Đến nay, các trường ĐH, địa phương chưa bề biết việc tổ chức cụm thi thế nào, sẽ có bao nhiêu cụm thi, học sinh nào đến cụm thi nào... Việc thi cử là phải có lộ trình rõ ràng chứ không phải mỗi năm có sự thay đổi như vậy. Ví dụ, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng từ năm 2001 - 2002. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD - ĐT đã quyết định không cho phép trường nào tuyển sinh riêng. Đề án buộc phải dừng lại và hơn chục năm qua, các trường thực hiện theo phương án “3 chung”; nay lại theo hướng tuyển sinh riêng thì các trường cũng phải có sự chuẩn bị.
Kỳ thi quốc gia 2015: Thầy, trò đều hoang mang, lúng túng
Phương án cho kỳ thi THPT đã được chốt từ đầu năm học 2014 - 2015. Giáo viên, học sinh sẽ có một năm học để chuẩn bị cho kỳ thi hoàn toàn đổi mới này. Với quỹ thời gian như vậy, những người trong cuộc - cả thầy và trò - đều phải chạy đua cật lực để học, ôn tập, và cả chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi, tuy nhiên điều đáng nói là những người “chạy” rất lúng túng vì không hiểu chạy đã “đúng đường hướng” chưa?
Học sinh sẽ chủ động... học lệch?
Trước phương án thi 4 môn, trong đó có 1 môn tự chọn, rất nhiều giáo viên (GV) lo ngại việc học sinh (HS) sẽ vô hình trung học lệch một cách chủ động ngay từ đầu năm. Cô giáo Nguyễn Thị Hải (THPT ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) chia sẻ: HS sẽ chủ động lựa chọn môn thi mà các em tự chọn, sẽ xem nhẹ các môn còn lại, gây tình trạng học lệch. GV giảng dạy những môn không thuộc diện được chọn của HS cũng sẽ gặp nhiều trở ngại khi trong một lớp có sự “trộn lẫn” các lựa chọn của HS cho kỳ thi. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ mùa thi trước, nhiều trường THPT đã "tách" HS có cùng môn thi vào "nhóm" để GV giảng dạy cho thuận lợi.
Bài toán chống học lệch, không phải không nằm ngoài sự tính toán của Bộ GDĐT. Tại phiên giải trình trước UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Kết quả tốt nghiệp THPT dựa trên nguyên tắc học gì thi đấy. Cụ thể, 50% lấy kết quả học lớp 12, còn 50% lấy kết quả thi 4 môn trong kỳ thi chung. Phương án này sẽ giải quyết bài toán học lệch, HS vẫn phải học và thi đầy đủ tất cả các môn học trong lớp 12 để làm cơ sở xét kết quả tốt nghiệp. Tuy nhiên, cách làm này, theo nhiều phụ huynh chỉ là cách làm đối phó và dễ nảy sinh tiêu cực trong nhà trường, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt.
Phụ huynh lo là chính
Đây là câu hỏi của phần lớn phụ huynh có con học lớp 12 và sẽ là lứa HS đầu tiên tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Mặc dù khi công bố phương án thi, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định là HS cứ yên tâm học tập bình thường theo chương trình, các chương trình học sẽ không biến động nhiều, song không ít phụ huynh lo lắng cho con mình trước cơ hội giành tấm vé vào ĐH. Chị Trần Thu Hoài (KĐT Xa La, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đọc đi đọc lại thông tin để biết chính xác là con tôi sẽ thi theo các môn thi chứ sẽ không thi theo bài thi tích hợp, thế nhưng Bộ GDĐT yêu cầu đề thi sẽ đổi mới theo hướng vận dụng kiến thức mở. Điều này quá mơ hồ khi mà học sinh bao nhiêu năm nay vẫn theo học theo cùng một chương trình, SGK. Liệu cách học này có đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi?”. Điều mà chị Hoài và nhiều phụ huynh khác quan tâm là ngay từ đầu năm, nhà trường cần nhanh chóng phổ biến những biến chuyển trong dạy và học để đáp ứng kỳ thi.
Về điều này, theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT), đề thi sẽ theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Cục này cũng khẳng định, trước mắt chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp. Cách giảng dạy sẽ theo định hướng trên để giáo viên có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình giảng dạy.
Video được xem nhiều: Kỹ năng phỏng vấn xin việc làm :
Theo: http://baotintuc.vn/giao-duc/ky-thi-quoc-gia-cuoc-choi-bat-dau-nhung-chua-co-luat-choi-20140928225258684.htm
http://laodong.com.vn/xa-hoi/ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-thay-tro-deu-hoang-mang-lung-tung-250894.bld