Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, có hơn 360.000 thí sinh (TS) trúng tuyển vào các trường ĐH nhưng chỉ có hơn 260.000 người xác nhận nhập học. Điều này có nghĩa, tới 100.000 TS đã không chọn học trường đã trúng tuyển.
Không có nhu cầu vẫn đăng ký xét tuyển ĐH
"Trường đã gọi điện cho khoảng 70 TS trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường nhưng các em trả lời là không có nhu cầu đi học và giải thích khi đăng ký dự thi THPT thì trường khuyến khích đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH nào đó chứ thực tế thì không có nhu cầu", ông Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết.
Việc các trường THPT khuyến khích học sinh đăng ký xét tuyển ĐH dù các em đã có lựa chọn khác đã được nhiều trường ĐH xác nhận khi nỗ lực tìm hiểu nguồn cơn của việc TS trúng tuyển mà không tới nhập học. Khác với năm 2016, năm nay, TS đăng ký xét tuyển ĐH cùng với đăng ký dự thi THPT quốc gia ngay tại trường THPT nên đây cũng là lý do chính khiến lượng TS đăng ký xét tuyển ĐH năm nay tăng cao hơn so với năm 2016 tới 5% dù tổng số TS dự thi ít hơn.
Tuy nhiên, việc khuyến khích học sinh đăng ký xét tuyển ĐH của các trường phổ thông là hiện tượng mới xuất hiện do cách đăng ký xét tuyển năm 2017 và không trả lời được một cách đầy đủ cho câu hỏi TS đã đi đâu. Bởi lẽ, năm 2016 cũng có tới hơn 100.000 TS không đăng ký vào trường ĐH nào dù đủ điều kiện.
Đại học không còn là lựa chọn duy nhất
Lý giải về con số này, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng nhìn vào con số 100.000 TS trúng tuyển nhưng không nhập học mà nói rằng TS không đi học ĐH thì chưa hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, đây chỉ là con số thống kê TS xét tuyển ĐH bằng phương thức sử dụng kết quả thi chứ chưa tính số TS xét tuyển ĐH bằng học bạ. Bên cạnh đó, đây cũng mới chỉ là TS đăng ký xét tuyển ĐH chứ chưa tính đến những TS lựa chọn học CĐ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nay không còn do Bộ GD-ĐT quản lý nữa.
Còn ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), thì cho rằng có thể nguyên nhân nằm ở chỗ năm nay TS được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên khi trúng tuyển ở các nguyện vọng không yêu thích, TS đã không đi học.
Đây cũng là một minh chứng cho thấy TS hiện không còn phải vào ĐH bằng mọi giá. Điều này được phản ánh rất rõ qua thực tế tuyển sinh năm nay. Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, học ĐH hiện không còn là lựa chọn duy nhất của học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông. Học sinh giờ đây có nhiều con đường khác nhau, có thể đi du học, vào học tại các trường CĐ, trung cấp để học nghề, thậm chí khởi nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động.
Thực tế cho thấy, trong khi các trường ĐH băn khoăn việc TS trúng tuyển nhưng không nhập học thì nhiều trường CĐ lại đang nhận được hồ sơ của những TS có điểm thi THPT cao.
Chỉ tiêu vẫn tăng đều từng năm
Trong khi tổng số lượng TS phổ thông hằng năm có xu hướng giảm dần, sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai cũng đang thay đổi rất rõ thì cho tới nay, cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường gần như không thay đổi và vẫn tăng đều qua từng năm.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2015, tổng số chỉ tiêu ĐH và CĐ là 500.000 (trong đó 350.000 ĐH và 150.000 CĐ). Tới năm 2016, Bộ ban hành Thông tư 32 quy định về việc xác định chỉ tiêu đối với các cơ sở GD ĐH, theo đó, các trường sẽ công bố chỉ tiêu tối đa căn cứ trên năng lực đào tạo của mình. Trong kỳ tuyển sinh năm 2016, tổng chỉ tiêu ĐH các trường công bố là 420.000 (trong đó 320.000 chỉ tiêu xét bằng kết quả thi, 100.000 chỉ tiêu xét học bạ). Tới năm 2017, tổng số chỉ tiêu tăng lên 445.626 (gồm 352.174 kết quả thi và 93.452 học bạ).
Ông Nguyễn Thanh Chương cho rằng các trường ĐH chưa dám chủ động cắt giảm chỉ tiêu vì quy định hiện nay của Bộ là căn cứ vào năng lực đào tạo. "Bảo trường chủ động giảm chỉ tiêu cũng rất khó vì nếu làm như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, sẽ thừa giảng viên", ông Chương nói.
Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong 3 năm trở lại đây, tổng chỉ tiêu của trường không thay đổi. Sự thay đổi chỉ là "sự điều tiết tự nhiên" thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành trong trường.
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), việc xác định chỉ tiêu dựa trên số giảng viên và diện tích đất của trường là không hợp lý, bởi lẽ chỉ tiêu đào tạo của mỗi trường cần căn cứ trên nhu cầu thực tế dựa trên quy hoạch nhân lực và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 - 10 năm. Trong khi đó, các trường vẫn đang mở ngành tràn lan mà không tính tới nhu cầu thực tế, gây lãng phí đối với việc đào tạo nguồn nhân lực khi sinh viên ra trường không có việc làm.
Ông Lê Viết Khuyến thì cho rằng hiện hệ thống ĐH và CĐ sư phạm do Bộ GD-ĐT quản lý còn hệ thống CĐ thì thuộc Bộ LĐ-TB-XH quản lý. ĐH thả sức tuyển gây nên sự rối loạn. Trong khi ở các nước trên thế giới, ĐH và CĐ luôn là một khối. Cũng theo ông Khuyến, trong khi trên thế giới, ở các trường ĐH lớn thì trọng tâm đào tạo là sau ĐH còn ở VN, các trường ĐH lại chỉ đào tạo ĐH là nhiều, thậm chí vét cả CĐ và trung cấp.
Còn theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, đang còn những đường "tiểu ngạch" khác mà TS có thể học ĐH ngoài hệ chính quy nhưng không được thống kê. Có khi những đường đó cũng ngang ngửa, thậm chí nhiều hơn các chỉ tiêu ĐH chính quy.
"Để hạn chế, Bộ GD-ĐT nên yêu cầu bắt buộc các trường công khai minh bạch tỷ lệ sinh viên có việc làm. Từ đó, lấy kết quả tỷ lệ có việc làm để quyết định chỉ tiêu", ông Khuyến đề nghị.
Theo Thanh niên