Ông Định nói mô hình học hai buổi một ngày trường áp dụng là không sai, đúng chủ trương của Bộ Giáo dục. Hiện, tỉnh có năm trường đã đăng ký mô hình này và thu được kết quả tốt. "Sự việc là do trường chưa làm tốt khâu tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Mô hình này sẽ hạn chế tối đa việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường", ông Định nói.

Hôm 10/10, nhóm học sinh lớp 12 ở trường đã ký đơn tập thể phản đối mô hình trên bởi họ cho rằng cách làm này gây áp lực, làm mất thời gian, thêm học phí. Đơn còn trình bày, tuy trường tăng tiết dạy học nhưng không tăng về chất lượng, trường bắt học sinh phải đăng ký phụ đạo hai buổi một ngày "là thiếu tôn trọng học sinh khi nhiều em không muốn đi học kiểu này".

Học sinh khối 12 Gia Lai ký đơn tập thể phản đối trường dạy hai buổi một ngày

Dung (học sinh lớp 12) cho rằng buổi sáng đã học năm tiết chính khóa mà buổi chiều lại đi học thêm thì quá nặng. "Việc học thêm trên trường làm cho em rất mệt mỏi hôm sau", nữ sinh chia sẻ. Tương tự, Vy - một nữ sinh khác cho biết không có nguyện vọng lên đại học nên em chỉ tập trung học để thi THPT quốc gia. "Em cũng không cần đi học thêm, muốn dành thời gian rảnh rỗi để giúp đỡ cha mẹ", Vy nói.

Bác bỏ điều này, ông Ngô Văn Lễ (Hiệu trưởng THPT Lê Lợi) cho rằng trường đã lấy ý kiến phụ huynh và thông báo cho học sinh. Năm nay chương trình thi tốt nghiệp kèm theo gồm kiến thức của lớp 11 nên khá nặng, vậy việc tăng tiết học là nhằm bỗ trợ học sinh.

Theo chương trình này, ngoài buổi chính khóa, mỗi tuần nhà trường sẽ dạy tăng thêm năm buổi đối với các môn thi tốt nghiệp, mỗi buổi phụ đạo có hai tiết. Học sinh chỉ đóng 240.000 đồng mỗi tháng, em nào nghèo được giảm một nửa.

"So với việc học thêm bên ngoài thì số tiền này rất thấp. Dịp hè, trường đã vất vả xây dựng chương trình này, nhưng hiện có nhiều em phản ứng như vậy nên tôi rất buồn", hiệu trưởng chia sẻ. Cuối tuần này, trường sẽ họp với hội phụ huynh để thống nhất phương án tiếp tục hay dừng chương trình học hai buổi mỗi ngày.

Theo VnExpress