Phụ huynh có con học tại Trường THPT thực hành Cao Nguyên (trực thuộc Trường ĐH Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phản ảnh năm học 2017-2018 trường thông báo các khoản thu quá cao.
Đáng chú ý, trong các khoản thu này có... chăm sóc hoa, cây cảnh, vườn trường và tiền duy tu bảo dưỡng hệ thống máy chiếu.
"Con đang học nên không dám nói"
Thông báo của trường gửi đến phụ huynh gồm các khoản thu hộ và thu xã hội hóa. Có sáu khoản thu hộ (đối với học sinh khối 12) với tổng số tiền gần 1,4 triệu đồng/học sinh.
Trường cũng đưa ra 9 khoản thu (lớp 12) xã hội hóa với tổng số tiền 1,8 triệu đồng/học sinh. Với học sinh lớp 10, 11 tổng các khoản thu hộ là 1,348 triệu đồng và thu xã hội hóa là 1,3 triệu đồng (khối 10) và 1,75 triệu đồng (khối 11).
Một phụ huynh cho rằng trường nói thu hộ hội phụ huynh (có ba khoản thu) với tổng số tiền 700.000 đồng/học sinh/năm nhưng "chúng tôi đâu có được thống nhất".
"Hơn nữa mức thu như thế quá cao, lại cào bằng đối với những phụ huynh có điều kiện khó khăn. Ngoài ra các khoản tu sửa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, giảng đường, máy chiếu cũng lên tới 700.000 đồng/em/năm", phụ huynh này nói.
Một phụ huynh khác cũng băn khoăn: "Vào khoảng tháng 5, 6 hằng năm, học sinh lớp 12 phải đóng khoảng 1,7 triệu đồng/em để ôn thi, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia dù nhiều học sinh không có nhu cầu. Mức đóng góp cao như vậy với nhiều phụ huynh là rất khó khăn. Nhưng do có con đang theo học nên không dám nói...".
"Thấy không phù hợp cứ chuyển trường"
Đem những thắc mắc của phụ huynh về các khoản đóng góp đầu năm đến gặp ông Triệu Văn Thịnh - hiệu trưởng Trường THPT thực hành Cao Nguyên, ông nói: "Đóng góp hả, cái này anh lên gặp thầy Vui (Nguyễn Tấn Vui, hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên - PV) đi. Thầy Vui phê duyệt rồi".
Khi phóng viên nói phụ huynh cho rằng các khoản quá cao, ông Thịnh nói: "Thôi, báo chí đi làm việc khác hay hơn nhiều. Chúng tôi đã giải thích kỹ lắm rồi mà, cần gì giải thích nữa. Giải thích kỹ cho phụ huynh rồi chúng tôi mới dám công khai hoàn toàn văn bản ra chứ. Nếu không chúng tôi công khai làm gì? Văn bản tôi ký, thầy Vui ký bên cạnh, hội phụ huynh ký".
Ông hiệu trưởng cũng nói thêm: "Trong văn bản chúng tôi nói rõ mỗi năm chỉ được ngân sách cấp 1,3 tỉ đồng thôi. Phụ huynh nào không đồng ý thì khỏi học, nói họ thế nhé. Chúng tôi có ép vào đây học đâu.
Đây là thi tuyển mà. Phụ huynh thắc mắc cứ lên gặp tôi. Bác (tức phụ huynh - PV) thấy không phù hợp cứ chuyển trường, không sao hết. Chúng tôi có yêu cầu học đây đâu".
Năm nay Trường THPT thực hành Cao Nguyên có sĩ số 975 học sinh cả ba cấp học. Trong "nội dung phổ biến đầu năm học 2017-2018", trường nêu rõ: "Hiện nay, mỗi năm Bộ GD-ĐT chỉ cấp ngân sách cho Trường THPT thực hành Cao Nguyên 1,3 tỉ đồng.
Trong khi đó, Trường ĐH Tây Nguyên đang từng bước tự chủ về kinh phí, vì vậy rất khó để bao cấp toàn bộ hoạt động của Trường Cao Nguyên. Để duy trì hoạt động và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục như mục tiêu đã đề ra, trường phải tăng cường huy động từ công tác xã hội hóa".
Văn bản này cũng nêu trong quá trình xã hội hóa sẽ miễn giảm cho học sinh nghèo, con gia đình chính sách...
Học sinh khó khăn có thể xin miễn giảm Ông Nguyễn Tấn Vui, hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết ông có xác nhận vào các văn bản kêu gọi đóng góp của Trường THPT thực hành Cao Nguyên. "Nhưng đó là đồng ý về mặt chủ trương. Trường phải họp hội phụ huynh các lớp, trường để thống nhất tất cả các khoản thu - chi như thế nào. Việc tổ chức các cuộc họp ra sao tôi không biết nhưng thấy trường có gửi biên bản thống nhất lên" - ông Vui nói. Theo ông Vui, Trường THPT thực hành Cao Nguyên là trường công lập nhưng không được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp kinh phí chi thường xuyên hằng năm mà chỉ được Bộ GD-ĐT chi 1,3 tỉ đồng/năm. "Số tiền này còn chưa đủ trả tiền lương cho hơn 30 cán bộ, công nhân viên của trường nên ĐH Tây Nguyên phải bù thêm. Ngoài ra các khoản thu nhập khác giáo viên cũng được nhận như các giảng viên Trường ĐH Tây Nguyên. Các khoản sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất... đều lấy kinh phí từ ĐH Tây Nguyên để bù. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, trường phải vận động hội phụ huynh chung tay để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng trên tinh thần tự nguyện. Học sinh gia đình khó khăn có thể xin miễn giảm" - ông Vui nói. |
Theo Tuổi trẻ