>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, đề thi đại học

Tuyển sinh 2014: Ngành Kinh tế vẫn HOT?

Dù mới chỉ bắt đầu giai đoạn làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014, việc lựa chọn ngành nghề nào đang là mối bận tâm của nhiều thí sinh và gia đình. Dù mới chỉ bắt đầu giai đoạn làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014, việc lựa chọn ngành nghề nào đang là mối bận tâm của nhiều thí sinh và gia đình. Theo ghi nhận, nhiều thí sinh vẫn lao vào các ngành nghề “hot” như: Kinh tế, thương mại... Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, càng ngành “hot”, càng dễ thất nghiệp.

Học ngành hot càng dễ thất nghiệp

Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014 sắp tới, ngành “hot” của khối Kinh tế vẫn là sự lựa chọn của nhiều thí sinh. (Trong ảnh: Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 tại ĐH Bách khoa Hà Nội, hôm 9/3). Ảnh: Q.Anh

Ngành kinh tế vẫn “hot”

Chỉ mới đang giai đoạn “nghiên cứu” ngành, nghề và trường thi của các thí sinh sắp dự thi ĐH, CĐ năm 2014, nhưng có thể thấy xu hướng lựa chọn ngành thi của thí sinh năm nay được chi phối bởi thu nhập, cơ hội việc làm khi ra trường. Đối với những thí sinh có học lực khá, giỏi chọn giải pháp “an toàn” nhất vẫn là thi vào các khối trường quân đội, công an.

Minh chứng rõ nhất là tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 vừa được tổ chức tại ĐH Bách khoa Hà Nội với gần 2 vạn thí sinh tham dự. Các trường thuộc các ngành công an, quân đội, kinh tế, thương mại “áp đảo” khi được nhiều thí sinh quan tâm. Thí sinh cũng quan tâm đến những ngành đạo tạo chất lượng cao, các chương trình liên kết đào tạo của các trường ĐH trong nước với nước ngoài…

Chọn thi vào khoa Kinh tế của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh Nguyễn Thị Hương (Trường THPT Nguyễn Trãi, Thái Bình) cho biết: “Bản thân em cảm thấy mình là người năng động, có học lực tốt nên em mạnh dạn đăng ký thi vào khối ngành kinh tế. Em thấy cũng rất nhiều bạn lựa chọn các ngành khối kinh tế như: Tài chính, Thương mại… để dự thi năm nay”.

Thí sinh Nguyễn Thị Oanh (THPT Công Nghiệp B, Hòa Bình) chia sẻ: “Năm nay, em đăng ký dự thi vào ĐH Thương mại. Ở môi trường kinh doanh, em sẽ phát huy được sở trường của mình. Dù đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhưng tương lai em nghĩ đây vẫn là nghề được yêu chuộng, có thu nhập tốt và môi trường làm việc rất năng động so với các ngành nghề khác. Có khi lúc em ra trường, nền kinh tế lại được vực dậy thì chúng em tha hồ có đất sống”.

Dễ thất nghiệp

Lý giải hiện tượng thí sinh dự thi vào các trường ngành công an mỗi năm một đông, một cán bộ của Phòng Kế hoạch tuyển sinh (Cục Đào tạo, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an) cho biết: “Thí sinh chọn vào các trường công an ngoài chuyện yêu thích thì trong quá trình học tập các em được miễn học phí, được cấp phát tư trang… Khi ra trường, các em thuộc biên chế làm việc trong ngành công an. Năm nay, Bộ Công an cũng “nới lỏng” những tiêu chí xét tuyển, nên số thí sinh tham gia xét tuyển và đăng ký dự thi dự kiến sẽ tăng hơn năm trước”.

Đó là lợi thế khi vào các trường công an, quân đội. Thế nhưng, với các thí sinh vẫn lựa chọn một số ngành “hot” thuộc khối kinh tế, sẽ rất đáng lo ngại bởi khối ngành này đang dư thừa nguồn nhân lực, có nguy cơ thất nghiệp cao khi ra trường. TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) nhận xét: “Thí sinh hiện nay vẫn còn lựa chọn nghề theo cảm tính, phong trào. Nếu thí sinh dựa vào xu hướng hồ sơ ngành “hot” mà lựa chọn nghề thì đó là một sai lầm. Nên lựa chọn ngành nghề theo sở trường, năng lực và đam mê, nếu không các em chỉ mãi chạy theo nghề nghiệp”.

Chỉ ra một thực tế hiện nay học sinh đổ dồn vào khối ngành kinh tế, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, hiện tượng này diễn ra từ nhiều năm nay. Nó xuất phát từ nhu cầu của xã hội những năm vừa qua. Bên cạnh đó, nhận thức của thí sinh là học kinh tế thì sau này ra trường sẽ có những công việc thu nhập tốt. Đó là một sự hiểu lầm đáng tiếc. Thí sinh thích là do cảm tính, theo tâm lý số đông muốn vào ngành kinh tế cho “sang”. Các trường ĐH, CĐ chạy theo nhu cầu của học sinh mà mở đào tạo ngành kinh tế tràn lan.

Điều này cũng cho thấy công tác tuyên truyền hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông hiện nay thực hiện chưa chu đáo, học sinh chưa có ý thức cho ngành nghề của mình. “Cách hướng nghiệp hiện nay ở trường phổ thông chỉ “gói gọn” trong quyển hướng dẫn tuyển sinh, nội dung rất chung chung. Cần hướng dẫn các em chọn nghề theo năng lực, sở trường và dự báo nguồn nhân lực. Nếu sinh viên làm không đúng ngành nghề khi ra trường, lại phải theo học nghề khác thì rất lãng phí thời gian và tiền bạc. Xã hội dư thừa nhân lực, trong khi nhiều ngành nghề khác rất cần mà không có”, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.

>   Thí sinh chọn khối ngành kinh tế, tài chính, luật: Việc làm trong tầm tay

Nguồn : giadinh.net