Học cả ngày - Giải pháp nâng chất lượng giáo dục vùng khó

Bữa ăn trưa của các em học sinh đã được cải thiện rất nhiều nhờ những hỗ trợ từ Chương trình SEQAP Bữa ăn trưa của các em học sinh đã được cải thiện rất nhiều nhờ những hỗ trợ từ Chương trình SEQAP
“Pao ơi đi học thôi! Nhanh lên”. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng nói chuyện râm ran và ríu rít như đàn chim non của đám học trò Trường Tiểu học Tả Ngài Chồ (Mường Khương, Lào Cai) mỗi sớm mai đánh thức cả núi rừng.

Câu chuyện về trường lớp, thầy cô, về sự háo hức mong được vui chơi cùng các bạn trọn một ngày… của các em khiến quãng đường đến trường như ngắn lại…

Háo hức mỗi ngày đến trường


 

Nhiều phụ huynh còn tâm sự với tôi rằng, “chỉ vì muốn con mình đi học mà người ta phải bỏ tiền, bỏ sức, vậy mình phải cho con đi học thôi, không ở nhà đâu. Đi học còn được biết cái chữ, được no cái bụng và ấm cái người… Những hỗ trợ từ Chương trình SEQAP đã có những tác động nhất định đến nhận thức của đồng bào dân tộc và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường

Thầy Trần Ngọc Tiến 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Vược

 

Mưa xuân khiến cho mọi ngả đường đến Trường tiểu học Tả Ngài Chồ trở nên trơn trượt. Ấy vậy mà từ sáng sớm từng tốp học sinh vẫn khoác áo mưa đến trường đầy đủ, đúng giờ. Những em bé lớp 1, lớp 2 thì được bố mẹ đưa đi, còn những em lớn thì “cuốc bộ” đến trường, không một em nào nghỉ học.

Cô Nguyễn Thị Minh Thoa – Hiệu trưởng - hồ hởi nói với chúng tôi: “Kể từ khi học sinh được học cả ngày, tỷ lệ chuyên cần của trường, lớp luôn đạt từ 98% đến 100%. 

Đặc biệt, nếu như nhiều trường vùng cao việc duy trì sỹ số sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán luôn là vấn đề nan giải, thế nhưng với trường chúng tôi thì bài toán đó đã không còn lo ngại như trước, bởi tỷ lệ học sinh đến trường đạt 100% ngay từ tuần đầu tiên đi học sau kỳ nghỉ Tết.”

Theo cô Thoa, có được kết quả trên là nhờ những hỗ trợ của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) dành cho học sinh. 

Khi biết tin nhà trường sẽ được chọn là 1 trong 40 trường tiểu học của Lào Cai tham gia Chương trình này, cán bộ, giáo viên chúng tôi ai nấy đều phấn khởi, vui mừng”.

Tham gia SEQAP, học sinh được học cả ngày, được hỗ trợ cơm trưa và được học tập trong phòng học đa năng, được tiếp cận những trang thiết bị máy móc hiện đại như: máy tính, máy chiếu, máy quay phim, bàn ghế đúng chuẩn... 

Ngoài ra, học sinh được hỗ trợ áo ấm, những em đi học chuyên cần, có thành tích học tập tốt được khen thưởng, động viên kịp thời cuối mỗi học kì. 

“Vì thế có thể nói, SEQAP đã mang đến một luồng gió mới cho học sinh dân tộc vùng cao và nâng bước chân các em đến trường; Đặc biệt là đã khắc phục được tình trạng bỏ học, trốn học của học sinh sinh dân tộc như trước đây” – Cô Thoa chia sẻ.

Song điều mà các thầy cô giáo ở Lào Cai tâm đắc nhất đó là, chính nhờ những nguồn quỹ Giáo dục nhà trường, quỹ Phúc lợi dành cho học sinh mà Chương trình SEQAP mang lại là giải pháp thiết thực nhất và có tính khả thi nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, để các em học sinh cơm đủ ăn, áo đủ mặc, yên tâm tập trung cho việc học.

3 tác động cơ bản từ Chương trình SEQAP

Học cả ngày - Giải pháp nâng chất lượng giáo dục vùng khó - Ảnh 2

Chất lượng giáo dục của Trường tiểu học Tả Ngài Chồ đã được nâng lên rõ rệt kể từ khi tham gia Chương trình SEQAP 

Tại trường tiểu học Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai), thầy Trần Ngọc Tiến – Hiệu trưởng - cho hay: Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhận thức của bà con còn hạn chế nên việc học của con em chưa được cha mẹ quan tâm đúng mức.

Tuy nhiên, kể từ khi nhà trường được chọn tham gia SEQAP thì đã có một sự thay đổi lớn về chất lượng giáo dục. Đến trường, các em không chỉ được tăng thêm thời gian học kiến thức và rèn luyện, mà còn được Chương trình hỗ trợ ăn trưa với mức 15.000đ/học sinh và được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực khác...

Song, theo thầy Tiến điều quan trọng là kể từ khi tham gia Chương trình, nhận thức của bà con dân tộc đã được nâng lên, họ đã quan tâm đến việc học hành của con cái nhiều hơn. 

Nhiều ông bố, bà mẹ đã đến tận trường hỏi vì sao con họ đi cả ngày, làm những gì ở trường, sáng học đến lúc nào, chiều học đến bao giờ? Học thế gia đình có mất tiền không?...

Và câu trả lời không chỉ đến từ các thầy cô, chính mỗi học sinh của nhà trường đều kể cho cha mẹ nghe những điều mới lạ khi được học cả ngày ở trường, được sinh hoạt tập thể, được gần gũi, giao lưu, chia sẻ với bạn bè được quan tâm chăm sóc cả về thể chất và tinh thần...

“Vì thế những cán bộ, giáo viên vùng cao như chúng tôi thường nói với nhau rằng, SEQAP đã mang đến 3 tác động cơ bản cho chất lượng giáo dục vùng khó. 

Thứ nhất là tác động đến nhận thức của phụ huynh về sự học hành của con trẻ; thứ hai là tác động đến tỷ lệ chuyên cần của học sinh và thứ ba là tác động đến chất lượng giáo dục nhà trường” – thầy Tiến chia sẻ.

Cầu nối với công tác xã hội hóa giáo dục

Qua tìm hiểu được biết, hiện toàn tỉnh Lào Cai có 40 trường tiểu học thuộc các vùng đặc biệt khó khăn được tham gia SEQAP. Điều đáng nói là, kể từ khi tham gia chương trình này thì tỷ lệ chuyên cần của học sinh được nâng lên rõ rệt. 

Theo cô Trần Thị Minh Thu – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai), học sinh đã được hưởng lợi rất nhiều từ các hỗ trợ , tác động mà Chương trình SEQAP mang lại.

Mặt khác, từ tác động của Chương trình mà công tác xã hội hoá giáo dục của các nhà trường ngày càng phát triển tốt hơn như sự tham gia đóng góp của phụ huynh mà bữa ăn trưa của các em tại trường được đảm bảo chất lượng về dinh dưỡng và góp phần nâng cao sức khoẻ cho học sinh. 

Các em được ăn nghỉ có giờ giấc, có thêm thời lượng ở trường để được vui chơi, để tiếp tục các buổi học tiếp theo. Đây chính là nguồn động viên thiết thực, khích lệ để các em vui thích đi học, thích đến trường hơn. 

Từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần đối với học sinh vùng khó. Từ kinh nghiệm triển khai SEQAP, hiện Lào Cai đã thực hiện dạy học cả ngày với phương án tối thiểu là T33 (học 8 buổi/tuần) trên tất cả 238 trường tiểu học của toàn tỉnh cùng với sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương đối với các em học sinh.

“Như vậy, có thể nói, SEQAP còn là cầu nối giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm nhằm mang lợi ích thiết thực các em học sinh dân tộc”- bà Thu phấn khởi nhận định.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)