Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chiều qua 11-8, sau khi kết thúc thời hạn ĐKXT trực tuyến, nhiều trường ĐH đã có dự báo điểm chuẩn 2016 cụ thể hơn. Khảo sát sơ bộ cho thấy mức điểm của thí sinh năm nay không cao bằng năm ngoái, nên điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều.
Phía Nam: điểm chuẩn xấp xỉ năm ngoái
Theo TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), đến nay trường đã nhận được hơn 6.000 hồ sơ ĐKXT.
“Tổng chỉ tiêu của trường năm nay khoảng 4.000. Thống kê sơ bộ cho thấy tất cả các ngành đều đã có số hồ sơ vượt chỉ tiêu cần tuyển. Dự báo điểm chuẩn của trường xấp xỉ mức điểm năm ngoái, hầu hết các ngành sẽ có điểm chuẩn bằng hoặc thấp hơn một chút. Nhưng cũng có ngành điểm sẽ cao hơn năm trước vì những ngày cuối của đợt xét tuyển số hồ sơ có điểm cao (từ 23 điểm trở lên) khá nhiều” - ông Thông cho biết.
Hôm qua 11-8, lượng hồ sơ ĐKXT nộp về Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) giảm so với trước đó. Nhà trường đã nhận khoảng 5.500 hồ sơ.
“Tổng chỉ tiêu của trường năm nay hơn 3.100. Nhiều khả năng điểm chuẩn của trường sẽ thấp hơn năm ngoái 0,5-1 điểm (tùy ngành)” - PGS.TS Trần Lê Quan, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, dự báo.
PGS.TS Đồng Văn Hướng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết trường đã nhận được hơn 5.000 hồ sơ ĐKXT, vượt xa con số 2.750 chỉ tiêu của trường năm nay.
“Nhiều khả năng điểm chuẩn của trường sẽ cao hơn năm trước từ 1-1,5 điểm, tùy ngành. Tuy nhiên, các ngành về hàng hải, điều khiển tàu biển... là những ngành khó tuyển nên điểm chuẩn sẽ thấp hơn” - ông Hướng cho biết.
Đến nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nhận được hơn 11.000 hồ sơ ĐKXT (4.500 chỉ tiêu).
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện tất cả các ngành của trường đều có số hồ sơ vượt chỉ tiêu cần tuyển. Các ngành ở hệ đào tạo chất lượng cao cũng đã đủ chỉ tiêu, nhưng điểm chuẩn dự kiến sẽ là 19 nên những thí sinh có điểm thi THPT quốc gia cao hơn mức điểm trên vẫn còn cơ hội vào các ngành ở hệ này. Điểm chuẩn các ngành của trường sẽ thấp hơn năm ngoái từ 0,5-1 điểm đối với hệ đại trà, còn hệ đào tạo chất lượng cao điểm chuẩn sẽ thấp hơn 1-2 điểm. Trưa 13-8 chúng tôi sẽ chạy chương trình xét tuyển để xác định điểm chuẩn chính thức”.
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã nhận được khoảng 8.000 hồ sơ (5.200 chỉ tiêu), tuy nhiên số hồ sơ nộp vào không đều giữa các ngành.
“Phổ điểm của thí sinh tập trung mức 18-23 điểm. Những ngành còn cơ hội cho thí sinh: bản đồ học, lâm nghiệp, công nghệ chế biến lâm sản, phát triển nông thôn... và năm chương trình chất lượng cao” - TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo nhà trường, chia sẻ.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã nhận được hơn 7.000 hồ sơ ĐKXT. Tổng chỉ tiêu của trường năm nay khoảng 5.000.
“Dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ hạ nhẹ so với năm rồi (có thể thấp hơn 1 điểm). Năm nay trường có bốn nhóm xét tuyển với ba tổ hợp xét tuyển nên sẽ có bốn nhóm điểm chuẩn khác nhau” - ThS Nguyễn Văn Đương, phó trưởng phòng quản lý đào tạo nhà trường, cho hay.
Phía Bắc: bội thu hồ sơ
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tính đến ngày 11-8 đã nhận hơn 4.000 hồ sơ ĐKXT, gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016.
Trường ĐH Ngoại thương - trường có mức điểm nhận hồ sơ ĐKXT cao nhất so với mặt bằng chung các trường trong mùa tuyển sinh năm nay - cho biết đến chiều 11-8 đã nhận được 2.419 hồ sơ ĐKXT trực tiếp và gửi qua đường bưu điện.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, nếu tính chung cả bốn nguyện vọng thí sinh được đăng ký theo quy định xét tuyển của nhóm GX, trường này đã nhận được 8.800 hồ sơ ĐKXT.
Nhưng tương tự như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh đăng ký tập trung vào một số ngành của trường, nhiều nhất là công nghệ thông tin, kế toán..., trong khi nhiều ngành khác đang có số lượng ĐKXT khiêm tốn.
“Trường đặc biệt lo tỉ lệ ảo. Ngoài đăng ký vào các trường trong nhóm GX, thí sinh vẫn có thể đăng ký thêm các trường khác. Vì vậy, trường sẽ phải rất cân nhắc khi xây dựng phương án điểm trúng tuyển để sát với thực tế. Do tỉ lệ ảo sẽ cao, trường dự đoán sẽ phải tiếp tục xét tuyển bổ sung trong đợt sau” - ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Nguyễn Đào Tùng, trưởng ban đào tạo Học viện Tài chính, cho biết đến ngày 11-8, học viện đã nhận được khoảng 4.000 hồ sơ (2.600 chỉ tiêu đợt 1). Dự kiến ngành cao điểm theo truyền thống các năm là kế toán sẽ có mức điểm chuẩn không thấp hơn 23,5 điểm, nhưng lại có ngành điểm chuẩn có thể thấp hơn 3-4 điểm.
Ông Tùng khuyến cáo: thí sinh dưới 20 điểm vẫn có cơ hội trúng tuyển vào trường nếu biết cách lựa chọn ngành hợp lý.
Nguyên tắc xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường là ưu tiên lấy hết nguyện vọng 1, nếu còn chỉ tiêu mới lấy nguyện vọng 2. Vì vậy, rất có thể thí sinh chỉ 18 điểm cũng có thể trúng tuyển khi đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành có điểm chuẩn thấp.
“Nguyên tắc xét tuyển này giúp nhà trường tuyển được thí sinh thật sự có nguyện vọng vào ngành học mà các em yêu thích” - ông Tùng lý giải.
Nhóm GX: hơn 65.000 hồ sơ ĐKXTCác trường trong nhóm xét tuyển chung khu vực Hà Nội - nhóm GX - đã nhận được hơn 65.000 hồ sơ ĐKXT, cao gấp 1,5 lần tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 12 trường này. Đây là số lượng đăng ký trực tiếp và qua đường bưu điện, chưa tính số đăng ký online. Trong đó, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận được số lượng hồ sơ ĐKXT kỷ lục: hơn 13.000 hồ sơ, còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận được 11.500 hồ sơ. “Trong khi một số ngành nóng của trường có số lượng ĐKXT cao gấp 4-5 lần chỉ tiêu và dự báo điểm chuẩn sẽ cao thì trường vẫn có những ngành nhận được ít hồ sơ, chưa đủ so với chỉ tiêu cần tuyển. Vì thế dự báo trường sẽ xét tuyển bổ sung cho một số ngành” - ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết. |
13.000 hồ sơ đăng ký nhưng chỉ có 6.550 chỉ tiêu!PGS.TS Nguyễn Đức Minh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết tính đến chiều 11-8, nhà trường đã nhận được hơn 13.000 hồ sơ. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 6.550 (trong đó có 1.000 chỉ tiêu hệ ĐH chất lượng cao). Hiện các ngành có ít hồ sơ so với chỉ tiêu: hệ thống thông tin, tài chính doanh nghiệp, luật quốc tế, khoa học môi trường, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ kỹ thuật máy tính, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường. Tính đến chiều qua, những ngành này dự kiến điểm chuẩn dự báo sẽ từ 15,25-16,5 điểm (tùy ngành) nguyện vọng thứ nhất hệ đại trà, nguyện vọng thứ hai từ 15,75-20 điểm (tùy ngành). Trong khi các ngành còn lại đều đã vượt chỉ tiêu và điểm chuẩn dự báo từ 16,75-21 điểm (tùy ngành). |
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160812/ho-so-nhieu-nhung-diem-khong-cao/1153435.html