Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi dai hoc

Hồ sơ thi đại học khu vực phía nam: Giảm các ngành kinh tế

Ngày 7-5, tại TP Hồ Chí Minh, các sở giáo dục và đào tạo khu vực phía Nam đã bàn giao hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi đại học, cao đẳng cho các trường. Theo ghi nhận, năm nay, lượng hồ sơ nộp vào các trường khối kinh tế giảm. Thí sinh có xu hướng chọn các trường gần nhà.

Giảm hồ sơ vào khối kinh tế

Một trong những điểm bật của kỳ thi ĐH, CĐ năm nay là HS đăng ký vào các khối ngành kinh tế giảm. Ông Lê Duy Dân, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang nhận xét, năm nay, số lượng đăng ký vào các nhóm ngành sư phạm - kỹ thuật có chiều hướng tăng, các nhóm ngành kinh tế giảm.

Tại Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng, trong khi HS khối ngành sư phạm tăng, HS nộp vào các trường ĐH Ngân hàng, Tài chính đã giảm 30%, ĐH Kinh tế đã giảm 50% so với năm trước. Thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Phước cho thấy, HS vào các trường kinh tế, tài chính giảm đến 30%. Ông Đặng Hùng Sơn, Phòng giáo dục thường xuyên - giáo dục chuyên nghiệp Bình Phước cho biết: “Có thể do các em biết được ngành kinh tế khó tìm việc và các em tự điều chỉnh mà chọn những ngành khác thiết thực hơn. Đây là một tín hiệu tốt, có thể là kết quả của các trường trong quá trình tư vấn mùa thi vừa qua”.

Hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường khối Kinh tế giảm mạnh | Diem thi dai hoc

Hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường khối Kinh tế giảm mạnh | Diem thi dai hoc

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh, Cơ quan Đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đa số hồ sơ nộp tại cơ quan đăng ký vào các nhóm ngành như nông lâm, sư phạm, kỹ thuật…. nhiều hơn các năm trước. Các nhóm ngành như kinh tế, ngoại thương, marketing có xu hướng giảm.

Riêng các sở giáo dục - đào tạo Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Định, Thừa Thiên - Huế sẽ gửi hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ đến các trường qua đường bưu điện.

Điểm qua số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường khối Kinh tế

Ý kiến chung của các tỉnh: Học sinh đã cân nhắc, tự biết năng lực của mình để chọn trường nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Ngoài ra, lệ phí dự thi cao nên thí sinh cũng không tung hồ sơ khắp nơi.

Khối các trường kinh tế có lượng hồ sơ giảm mạnh. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có 11.600 hồ sơ giảm so với 17.000 hồ sơ năm ngoái. Trường ĐH Tài chính-Marketing giảm hơn 11.000 hồ sơ. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM giảm khoảng 7.000 hồ sơ so với năm trước… Tại Tiền Giang, hồ sơ thi vào khối ngành kinh tế giảm 40%. TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, phân tích: “Yếu tố khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng buộc nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng tái cơ cấu, giảm nhu cầu tuyển dụng về nhân sự phần nào cũng có tác động đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh”.

Trong hơn 148.000 hồ sơ của TP.HCM thì học sinh đăng ký dự thi nhiều nhất vào Trường ĐH Sài Gòn, kế đến là các trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Mở… TS Lưu Đức Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: “Các trường ĐH Y Dược, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên… vốn có điểm trúng tuyển cao, chỉ dành cho học sinh rất giỏi nên lượng hồ sơ không nhiều bằng các trường đào tạo đa ngành”.

Tại Bình Thuận, TS Trần Lương Công Khanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh, cho biết: Học sinh của tỉnh tập trung vào các trường đào tạo đa ngành nhiều hơn, có lẽ vì điểm trúng tuyển thấp nên phù hợp năng lực học sinh. “Trong khi đó, trường có nhiều hồ sơ là ĐH Sư phạm TP.HCM (hơn 2.200 hồ sơ), ĐH Nông Lâm TP.HCM (hơn 2.000 hồ sơ). Học sinh chọn sư phạm là điều bất ngờ”.

Tại Tiền Giang, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Lê Duy Dân cho biết: “Hồ sơ thi vào các ngành công nghiệp thực phẩm sư phạm, tài nguyên và môi trường, nông lâm tại TP.HCM tăng đáng kể”.

Ngoài chọn trường đa ngành, năm nay học sinh cũng chọn thi các trường tại địa phương. Sở GD&ĐT TP Cần Thơ nhận được 74% tổng số hồ sơ dự thi đăng ký vào Trường ĐH Cần Thơ. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, cho biết: “Học trường gần nhà đỡ tốn kém chi phí học tập, sinh hoạt và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, lại dễ trúng tuyển hơn”. Ở Đắk Lắk, Lâm Đồng và An Giang tình hình cũng tương tự.

Thí sinh có xu hướng chọn học tại các trường gần nhà

Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay đơn vị nhận được 25.600 hồ sơ (HS), giảm 400 HS so với năm 2012.
Đặc biệt, bậc cao đẳng (CĐ) chỉ khoảng 4.000 HS, giảm đến 60% so với năm trước.

Tương tự, tại nhiều địa phương, lượng HS giảm nhẹ so với năm trước: Sở Giáo dục - Đào tạo Cần Thơ tiếp nhận 16.269 hồ sơ, giảm 1.000 HS; Bình Thuận giảm 1.000 HS; Vĩnh Long nhận 15.800 giảm 1.200; Đác Lắc giảm hơn 2.000 HS.

Bên cạnh đó, ở một số sở giáo dục và đào tạo như: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang, lượng HS tăng so với năm 2012, trong đó TP Hồ Chí Minh nhận được 148.293 hồ sơ, tăng 2.500 HS.

Theo thống kê của các sở giáo dục - đào tạo , lượng HS nộp vào các trường đại học địa phương, đại học vùng được thí sinh chọn nhiều.

Bà Dương Thị Thanh Nga, Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Dương đánh giá: “Năm nay thí sinh có nhiều sự lựa chọn hơn, nên các em có xu hướng đăng ký trường gần nhà. Chúng tôi đã tiếp nhận 15.125 HS, đăng ký vào Đại học Thủ Dầu Một chiếm 1/3”.

Theo Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủ Dầu Một Ngô Hồng Điệp, năm nay trường nhận được hơn 10.400 HS, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Đây là lượng HS lớn nhất trong ba năm trường tổ chức thi.

Tương tự, HS nộp tại Sở Giáo dục - Đào tạo Trà Vinh, có 30% đăng ký dự thi vào ĐH Trà Vinh và 30% đăng ký dự thi vào ĐH Cần Thơ. Khoảng 82% HS nộp tại Hậu Giang và 60% nộp tại Sóc Trăng đăng ký dự thi vào ĐH Cần Thơ.

Tổng hơp: Tiền Phong, tuoi tre