Ông Nguyễn Đình Chung, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt (TP Rạch Giá, Kiên Giang), cho biết ông đã nhận được thông báo của sở GD&ĐT tỉnh này với nội dung phải bàn giao công việc cho người kế nhiệm trước 16/9.

Điều làm thầy giáo này băn khoăn nhất là sở yêu cầu ông Chung phải đến Phòng THPT nhận nhiệm vụ trước 19/9, rồi mới được xem xét đơn xin nghỉ việc.

"Tôi không muốn làm Phó phòng THPT của sở nên đã trả quyết định. Tôi không lên sở, cho tôi chức cao hơn cũng không làm vì tâm huyết với trường", ông Chung nói.

Nhận nhiệm vụ mới được xem xét đơn xin nghỉ việc

Trước việc bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, nêu nguyên nhân điều ông Chung về sở giữ chức phó phòng, chờ trưởng phòng về hưu sẽ thay thế, vị hiệu trưởng vừa xin nghỉ việc nói rằng đến khi trưởng phòng THPT nghỉ hưu, ông chỉ còn hơn 3 năm làm việc nên không thể đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức vụ mà bà giám đốc sở nói.

"Bà nói vậy chứ làm sao bổ nhiệm được khi tôi còn hơn 3 năm là nghỉ hưu. Bây giờ điều lên làm phó hay trưởng phòng, tôi cũng nghỉ, bởi không thích", thầy giáo có 25 năm trong ngành giáo dục chia sẻ.

Hiệu trưởng xin nghỉ việc vì không muốn về sở GDĐT tỉnh Kiên Giang - Ảnh 1

Theo ông Chung, lãnh đạo sở khi nghe cấp dưới từ chối nhận nhiệm vụ mới thì phải giải thích, phân tích vì sao lại chuyển công tác vào lúc này. Để từ đó, ông Chung làm cơ sở tham khảo ý kiến gia đình, bạn bè xem có nên về sở hay không.

"Bà ấy không tìm hiểu tâm tư, không cho tôi làm ở trường nữa thì tôi nghỉ", ông Chung tỏ thái độ kiên quyết.

Khác với trình bày của thầy Chung, nữ giám đốc sở khẳng định tại cuộc họp Đảng ủy và với Phòng tổ chức, bà có nói việc điều động ông Chung về sở để chuẩn bị thay thế vị trí trưởng phòng sắp nghỉ hưu. Điều này có ghi trong biên bản tại sở và khi triển khai quyết định điều động đối với ông Chung, lãnh đạo Phòng tổ chức của sở cũng nhắc lại điều này.

"Sau khi triển khai quyết định, thầy Chung khóa cửa phòng, bỏ việc từ hôm đó đến nay, Chi bộ cũng không họp, nghỉ cũng không xin nghỉ phép. Thầy phải bàn giao dứt điểm cho đơn vị người ta hoạt động. Thầy phải về đây nhận nhiệm vụ mới, trong quá trình đó mới xem xét giải quyết cho thầy theo đúng pháp luật", bà Giang nói.

Buộc nhà trường tuyển học sinh chỉ đạt 8 điểm?

Ông Nguyễn Đình Chung cho biết năm học 2017-2018, trường THPT Võ Văn Kiệt ở Rạch Giá có điểm tuyển sinh lớp 6 và 10 là 22,5 điểm. Trường tổ chức kỳ thi còn sở chấm bài và xét điểm chuẩn.

Sau đó, lãnh đạo sở chỉ đạo nhà trường phải tuyển bổ sung thêm 70 học sinh lớp 10 và 68 học sinh lớp 6 với điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn mà sở đề ra.

Trong số đó, một trường hợp điểm thi đầu vào sau khi nhân đôi 3 môn là 8 điểm. Ông Chung không đồng ý nhận do học lực của học sinh này quá kém và đề nghị học tạm một năm ở trường khác, sau khi học lực tạm ổn thì nhà trường sẽ nhận vào học. Thế nhưng, cũng theo ông Chung, lãnh đạo sở buộc nhà trường phải nhận học sinh này vào học.

Nói về trường hợp trên, bà Giang cho rằng đây là việc "đặc thù". Nam sinh 8 điểm được chọn có cha, mẹ là phóng viên đài truyền hình, trong đó người mẹ gắn bó với chuyên mục giáo dục 20 năm.

"Làm cũng không đúng đâu, nhưng không liên quan việc điều chuyển thầy Chung. Mẹ cháu 8 điểm đang mang bệnh hiểm nghèo, gia đình có đứa con duy nhất. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, lên cấp 3, mẹ cháu nằm bệnh viện ở TP.HCM nên tụi tôi mới họp, đưa vô trường này thì xét đặc cách", lãnh đạo sở giải thích.

Cũng theo bà Giang, khi xét đặc cách cho học sinh 8 điểm, tập thể luôn công khai minh bạch, giới thiệu cho Ban giám hiệu trường xem xét cân nhắc giải quyết để giúp đỡ. Đặc biệt là trong hơn 1.000 học sinh trường THPT Võ Văn Kiệt, duy nhất em này gia đình phải viết cam kết, nếu năm nay cháu học không tốt, không ngoan thì sẽ không được học trường này.

"Ăn cây nào cũng rào cây nấy, cái đó là nhân văn. Tôi nghĩ rằng đó không đúng pháp luật nhưng nhân văn. Không ai đi phân bì với một em như thế vì cái gì cũng có đặc thù của nó. Mẹ cháu lội biển, lội đảo, làm nhiều chương trình từ thiện cho giáo dục", Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang nói.

Theo zing.vn