Ngày 6/11/2014 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1157/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội lớn) trên cơ sở tổ chức lại Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (VIPUA).
Việc ra đời Hiệp hội lớn đã đáp ứng lòng mong mỏi của các hội viên thuộc VIPUA, ở Hiệp hội lớn các hội viên sẽ có nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ nhau trong hoạt động giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, hợp tác quốc tế; bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình; tư vấn, phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến phát triển giáo dục đại học nước nhà.
Cũng từ đây, những mong ước của các hội viên có đơn ra nhập Hiệp hội lớn đều kỳ vọng một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đối với trường công lập và ngoài công lập.
|
Kỳ vọng khi tham gia Hiệp hội lớn, các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ chung sức đưa giáo dục đại học phát triển lên tầm cao mới. |
GS. Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng tin tưởng, khi các trường ra nhập Hiệp hội lớn thì nên hỗ trợ nhau, mỗi trường một ít để trước mắt tổ chức một Đại hội lớn thành công. Qua đây, GS. Nghị cũng bày tỏ, khi các trường (ngoài công lập và công lập) vào Hiệp hội lớn thì đều giống nhau về quyền lợi, nghĩa vụ. Vào Hiệp hội lớn để bàn những chuyện cho ngành giáo dục, cho sứ mạng của đất nước, từ đó sẽ đặt ra những vấn đề quan trọng.
Theo quan điểm của GS. Nghị, với Hiệp hội lớn như vậy, trước hết cần tận dụng chất xám của nhau giữa trường này và trường khác, đặc biệt là trao đổi về chương trình giữa trường này, trường khác, những trường ở các vùng khác nhau nhưng cùng đạo tạo một ngành thì có thể trao đổi những kinh nghiệm cho nhau.
GS. Trần Hữu Nghị cũng mong muốn, có thể các trường “đàn anh”, trường trọng điểm trao đổi thêm về giáo trình cho nhau sẽ mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, khi đã là Hiệp hội lớn, bản thân Hiệp hội sẽ tự đánh giá thông qua một đơn vị kiểm định chất lượng của Hiệp hội, bởi ở đây tập hợp được nhiều lực lượng có thể đánh giá khách quan, công bằng.
“Dù là trường công lập hay ngoài công lập thì bản thân các trường cũng đều làm cách nào để có thể cạnh tranh với khu vực, trước hết phải có chất lượng nhưng cũng không có suy nghĩ cạnh tranh trong nước, quan điểm của tôi không hề có đối kháng giữa các trường trong Hiệp hội với nhau, mà hãy tìm con đường đi hợp lý nhất, thỏa đáng nhất, chúng ta hoàn toàn có thể đem lại lợi ích cho quốc gia” GS. Nghị tin tưởng.
Cũng theo lãnh đạo Trường Đại học DL Hải Phòng, với những con người giỏi, với những giáo sư đầu ngành của các trường trong Hiệp hội lớn sẽ đóng góp cho Bộ GD&ĐT rất nhiều ý tưởng, điều này chỉ có lợi cho đất nước, cho nền giáo dục.
Cũng theo quan điểm của GS. Trần Hữu Nghị, khi các trường tham gia Hiệp hội lớn, việc trao đổi sinh viên với nhau, chương trình với nhau và có thể sinh viên thực tập đi cùng nhau giữa các trường để trao đổi kinh nghiệm. Và thậm chí những bài học thất bại của trường này thì trường khác nhìn vào đó có thể tránh.
“Có Hiệp hội, sức mạnh của Hiệp hội, chất xám của Hiệp hội và đóng góp của Hiệp hội rất lớn cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là thực hiện tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục. Ở Hiệp hội lớn không lo ngại về công lập hay ngoài công lập, cuộc đấu tranh đó không đáng thực sự quan tâm, mọi mặt công bằng xã hội đều có thể thực hiện ở trong này” GS. Nghị bày tỏ.
PGS. Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh thì mong muốn, ở Hiệp hội lớn hãy phát huy vai trò của mình để làm sao xây dựng một nền giáo dục đại học phát triển, đáp ứng đúng chủ trương xã hội hóa và có xét đến yếu tố công bằng.
PGS. Hùng viện dẫn, bao năm qua trường Đại học công lập được nhà nước bao cấp nhiều, trong khi trường ngoài công lập thiệt thòi nhiều thứ, nếu thực hiện chủ trương xã hội hóa mà vẫn duy trì điều này thì chưa đúng với chủ trương. Hiện, đang có khoảng hơn 300 trường có đơn xin ra nhập Hiệp hội lớn (gồm cả trường công lập và ngoài công lập), theo quan điểm của PGS. Hùng thì quan trọng nhất vẫn là tiêu chí của Hiệp hội như thế nào, tiếng nói của Hiệp hội phải đủ mạnh.
“Theo tôi, tương lai phải xã hội hóa, đúng cơ chế là như vậy, các nước trên thế giới đều làm vậy, thậm chí sinh viên công lập phải trả tiền như sinh viên ngoài công lập, bởi cả hai đều là công dân, sứ mạng đều đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước” PGS. Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Cũng theo lãnh đạo Trường Đại học Lương Thế Vinh, câu hỏi đặt ra khi các trường tham gia vào Hiệp hội lớn thì có sự cạnh tranh nhau hay không? Điều này các trường phải tự khẳng định đẳng cấp, trường phải tìm mọi cách để đào tạo tốt. Tuy nhiên, nhà nước cũng cần có cơ chế đặc biệt cho các trường để cân đối lại ngân sách, nếu xét về tương lai các trường cần đi theo mô hình phi lợi nhuận.
“Mong muốn những tỉnh, những người nghèo không có điều kiện về thủ đô theo học thì các trường vùng cần có được sinh viên. Vấn đề liên quan tới cơ chế, Hiệp hội phải đề xuất, trong lãnh đạo Hiệp hội lớn phải có trường công để có thêm tiếng nói. Nếu có sự đoàn kết giữa các trường thì Hiệp hội sẽ phát triển, Hiệp hội cần thúc đẩy các thành viên phát triển, và phát triển bình đẳng, đúng với vai trò của Hiệp hội” PGS. Nguyễn Văn Hùng mong muốn.
Theo tác giả Xuân Trung, Báo giáo dục Việt Nam, tin gốc: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hiep-hoi-lon-mai-nha-chung-khong-phan-biet-congtu-post152433.gd