Hiếm trường đại học thi riêng
Các trường ĐH đang cấp tập hoàn thiện đề án tuyển sinh nộp về Bộ GD-ĐT trước ngày 15.10. Ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay chưa có thêm trường nào mạnh dạn tuyên bố sẽ tổ chức một kỳ thi riêng độc lập.
Dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia
Trong bản dự thảo đề án tuyển sinh sửa đổi vừa được ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra để lấy ý kiến đóng góp, ĐH này đề xuất xét tuyển trên 5 yếu tố: kết quả kỳ thi quốc gia, học bạ THPT, điểm môn nhiệm ý, điểm ưu tiên theo quy chế, điểm hoạt động ngoại khóa hoặc giải thưởng khác.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH này, chủ trương chung sẽ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi quốc gia và điểm học bạ THPT năm 2015. Các tiêu chí xét tuyển còn lại, ĐH Quốc gia chắc chắn sẽ thực hiện nhưng không phải năm nay, mà sẽ tiếp tục thảo luận về lộ trình và cách thức triển khai. Tuy nhiên, đến thời điểm này ĐH Quốc gia vẫn chưa chốt lại đề án vì còn bàn tính thêm về trọng số điểm thi dựa vào 2 kết quả trên.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế cho biết trường sẽ bổ sung phần xét tuyển với các thí sinh học tập từ các trường nước ngoài. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM xét tuyển thí sinh dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia, bổ sung thêm khối thi D1 cho tất cả các ngành bên cạnh khối thi cũ. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển các môn văn hóa, thi bổ sung môn năng khiếu với các khối thi truyền thống.
Từ kế hoạch tổ chức thi riêng 2 môn toán và Anh văn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng chuyển sang xét tuyển kết quả kỳ thi quốc gia và có khả năng bổ sung thêm khối D1 cho tất cả các ngành. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dự kiến xét tuyển kết quả kỳ thi quốc gia với các khối thi cũ. Năm 2015, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển. Dự kiến đến năm 2017 kết hợp xét tuyển giữa kết quả kỳ thi quốc gia với bài thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.
Thêm bài thi kiểm tra
Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, trường đã chọn được phương án tuyển sinh cuối cùng. Theo đó, tổng điểm xét tuyển gồm 20% điểm trung bình 3 môn thuộc khối xét tuyển ở 6 học kỳ bậc THPT; 60% tổng điểm được tính trên kết quả kỳ thi quốc gia THPT theo khối thi như trước đây, trong đó nhân hệ số môn toán (khối A và A1), môn sử (khối C), môn ngoại ngữ (D1, D3, D6); 20% điểm số còn lại dựa vào kỳ thi riêng của trường. Về phương thức thực hiện, trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký trên mạng sau khi thí sinh có điểm kỳ thi quốc gia. Căn cứ trên số lượng thí sinh đăng ký cụ thể, kết hợp với điểm số học bạ và kỳ thi quốc gia, trường sẽ tiến hành sơ tuyển trước khi tổ chức thi riêng để tuyển đủ chỉ tiêu.
GS-TS Quỳ nhấn mạnh: “Với đặc thù của trường đào tạo luật nên trường đang cân nhắc cách thức bài thi riêng, có thể 70% câu hỏi ở dạng bài trắc nghiệm và 30% tự luận. Ngoài ra, trường cũng mong muốn phỏng vấn trực tiếp từng thí sinh nhưng còn chờ các khoa góp ý thêm trước khi chính thức trình lên Bộ”. Dự kiến Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng sẽ có một bài thi kiểm tra năng lực sau khi lấy điểm từ kỳ thi chung.
Xét theo tổ hợp môn
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đề xuất sơ tuyển thí sinh dựa vào kết quả học bạ 5 học kỳ đầu THPT trước khi xét tuyển chính thức dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia. Bên cạnh các khối thi truyền thống, trường cũng bổ sung tổ hợp môn thi mới cho ngành hóa (cụ thể là toán, hóa, Anh văn); ngành quản lý công nghiệp (toán, văn, Anh văn; toán, hóa, Anh văn); ngành kiến trúc (thêm khối V1: toán, văn, vẽ). Theo tiến sĩ Lê Đình Thông, Trưởng phòng Đào tạo, trường sẽ yêu cầu thí sinh viết một bài luận trình bày lý do chọn ngành khi làm hồ sơ vào trường, nhưng chưa thực hiện ngay trong năm nay.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ tiến hành xét tuyển thí sinh từ kết quả học bạ THPT và kết quả kỳ thi quốc gia. Theo đó, bậc ĐH dành 60% chỉ tiêu xét từ kết quả kỳ thi quốc gia theo các khối thi truyền thống; 20% từ kết quả kỳ thi quốc gia theo tổ hợp môn toán, văn, tiếng Anh; 20% từ kết quả học bạ THPT. Giải thích về việc xét 20% thí sinh theo tổ hợp môn, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh, cho biết về bản chất, đây cũng là các môn từ khối D1 trước đó. Tuy nhiên trường có một số ngành như điện tử, cơ khí... các năm trước không tuyển khối D1 nhưng năm nay tuyển.
Trong khi đó, Trường ĐH Hoa Sen dự kiến xét tuyển các ngành theo môn thi. Trừ ngành mỹ thuật ứng dụng, các ngành còn lại trường sẽ sử dụng kết quả các môn/bài thi của kỳ thi quốc gia để làm cơ sở xét tuyển. Chẳng hạn, với ngành toán ứng dụng, trường xét bắt buộc 2 môn toán và tiếng Anh, môn thứ 3 lựa chọn trong các môn văn, lý, hóa hoặc sinh học.
Hơn 50 trường hoàn thành đề án tuyển sinh riêng
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đến ngày 3/10, Bộ GD&ĐT đã nhận được hơn 50 đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ và bắt đầu công bố các đề án này để lấy ý kiến xã hội trong thời gian một tháng.
Bộ cũng cho biết, sau đó sẽ tổng hợp ý kiến và đề nghị các trường chỉnh sửa, hoàn thiện rồi chính thức công bố đề án. Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2015 các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường theo các nguyên tắc: Xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện những năm vừa qua để xét tuyển. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ sẽ có phương án tuyển sinh riêng gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 15/10/2014.
Video được xem nhiều: Khoá tiếng anh cho người mất căn bản:
Theo Báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141005/hiem-truong-dai-hoc-thi-rieng.aspx