Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Số lao động có trình độ cao và số chuyên gia còn ít; đào tạo chưa gắn với thực tế nhu cầu sử dụng, với vị trí việc làm; chưa phân rõ nhiệm vụ chức năng đào tạo của từng cơ sở đào tạo nên còn tồn tại sự chồng chéo trong các ngành nghề... Đây là những hạn chế, bất cập tồn tại trong việc đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Hậu Giang từ năm 2011 - 2013…

Hệ lụy do đào tạo thiếu quy hoạch - Ảnh 1
Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực ở Hậu Giang

Nỗi lo mất cân đối lao động

Theo thống kê mới đây của UBND tỉnh Hậu Giang, trong số 2.130 lượt cán bộ, công chức, viên chức và HS, SV được cử đi đào tạo chuyên môn thì Nghiên cứu sinh có 13 trường hợp, Thạc sĩ có 96 trường hợp; HS, SV các trình độ ĐH, CĐ, TC có 2.021 trường hợp.

Tỉnh cũng đã thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ có bằng sau ĐH cho 7 trường hợp và hỗ trợ có bằng cho 229 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố... Sở Nội vụ cũng đã bố trí được 18 SV tốt nghiệp ĐH hệ cử tuyển và 11 SV tốt nghiệp sau ĐH (trong đó có 5 trường hợp học ở nước ngoài, 6 trường hợp trong nước).

Về đào tạo nghề, tỉnh cũng đã đào tạo, bồi dưỡng được trên 20.130 lượt học viên gồm các trình độ như CĐ nghề, TC nghề, sơ cấp nghề, dạy nghề 3 tháng, dạy nghề dưới 3 tháng, dạy nghề thường xuyên, học viên là lao động nông thôn…

Theo UBND tỉnh, địa phương đã phân bổ kinh phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực từ năm 2011- 2013 là 118,661 triệu đồng. Trong đó năm 2011 là 40,041 triệu đồng; năm 2012 là 38,305 triệu đồng và năm 2013 khoảng 40,315 triệu đồng. Số kinh phí này từ ngân sách tỉnh và vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định về đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương từ 2011 – 2013 nhưng theo UBND tỉnh Hậu Giang vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng mất cân đối về lao động còn phổ biến; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chưa nhiều, nhưng phần lớn trong số những người đã qua đào tạo đều là học nghề hoặc học ĐH, CĐ; trong khi lực lượng công nhân kỹ thuật được đào tạo trình độ TC còn rất hạn chế.

Số lao động có trình độ cao và số chuyên gia còn ít, lại chỉ tập trung vào một số lĩnh vực (chủ yếu là y tế và giáo dục) và một số ngành như: Môi trường, Luật, Cử nhân hành chính... Đào tạo chưa gắn với sử dụng và nhu cầu thực tế của địa phương, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chưa phân rõ nhiệm vụ chức năng đào tạo của từng cơ sở đào tạo nên còn tồn tại sự chồng chéo trong các ngành nghề.

>> Chất lượng đào tạo dạy nghề thấp

Đào tạo chưa tập trung vào chuyên môn

Trao đổi về nguyên nhân những tồn tại, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang nhìn nhận: Trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực còn nặng về bằng cấp, chưa tập trung vào chuyên môn. Tình trạng thừa, thiếu trong việc sử dụng nguồn nhân lực còn phổ biến. Chưa xây dựng được định hướng tổng thể về nguồn nhân lực, cũng như chưa xác định được nhu cầu theo ngành nghề đào tạo… Vì vậy, nguồn nhân lực của tỉnh còn nhiều bất cập. Ngoài ra, việc đãi ngộ, đánh giá cán bộ, công chức chưa thật sự xuất phát từ năng lực công tác cũng đã làm giảm động lực học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong năm 2014, để việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực từng bước đạt kết quả cao hơn, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Tỉnh có kế hoạch tiếp tục đào tạo sau ĐH khoảng 200 học viên; trình độ ĐH, CĐ, TC khoảng 1.499 học viên trong và ngoài tỉnh; bồi dưỡng nghề lao động nông thôn cho khoảng 6.000 người....

Trước những mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới, ông Trần Thành Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: Công tác đào tạo cần phải có kế hoạch, quy hoạch cụ thể theo từng nhóm đối tượng, theo nhu cầu của địa phương và của từng ngành; đào tạo phải gắn với vị trí việc làm và bố trí sử dụng, nhất là công tác đào tạo sau ĐH; đồng thời phải quan tâm chất lượng đào tạo.

Do đó, ông Lập yêu cầu các sở, ban ngành liên quan cần có sự phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu trên các lĩnh vực như y tế, công tác giảng dạy phục vụ cho công tác dạy nghề, lực lượng khoa học và công nghệ phục vụ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Được biết, UBND tỉnh Hậu Giang đã có đề nghị Bộ GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tỉnh Hậu Giang trong việc tiếp cận với các chương trình đào tạo nguồn nhân lực từ các nguồn viện trợ của các dự án.

>> Những ngành mới hợp nhu cầu xã hội

Theo: GDTĐ