>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Có thể nói, những quan điểm đổi mới trong tuyển sinh TCCN thời gian qua đã tạo được lực hút đáng kể học sinh theo học TCCN. Thêm nữa, việc quy định, không hạn chế việc các học sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào học TCCN ở nhiều trường khác nhau sẽ càng tăng cơ hội được theo học đúng ngành nghề ưa thích, phù hợp với định hướng của gia đình và các em.
Vấn đề đặt ra ở đây là quy mô và sự đa dạng ngành nghề đã đáp ứng tốt nhu cầu của người học, nhưng chất lượng có đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp và người học hay không.
Các trường TCCN cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo
Một thời gian dài, trong số nhiều trường nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học thì cũng có không ít trường chất lượng dường như bị xem nhẹ. Cũng như vậy, việc nhiều học sinh chưa hiểu hết về liên thông trong đào tạo TCCN lên CD, ĐH, chính là do các nhà trường chưa hiểu, hay nói cho rõ hơn là không muốn hiểu vì cho rằng “siết” liên thông dẫn đến khó tuyển sinh cho trường mình. Hơn ai hết, chính các trường cần phải có trách nhiệm giúp học sinh hiểu rằng “siết” liên thông là để đảm bảo chất lượng đào tạo TCCN, và để bậc học này không bị mang tiếng.
Không đổ lỗi cho việc Bộ GD&ĐT “siết” liên thông và cũng không đồng tình với lo lắng của nhiều trường TCCN khi cho rằng, mở nhiều trường ĐH, CĐ, các trường ĐH, CĐ cũng tham gia tuyển sinh TCCN khiến các trường TCCN không còn nguồn tuyển. Cho dù nhìn thấy mùa tuyển sinh năm 2013 này sẽ gặp không ít khó khăn do cạnh tranh người học giữa các trường, do nền kinh tế chưa hồi phục, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ông Phạm Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, cho rằng: Tôi chỉ thừa nhận việc khó khăn trong tuyển sinh là do ảnh hưởng của nền kinh tế, chứ không phải là chủ trương chính sách của Bộ GD&ĐT.
Cạnh tranh trong đào tạo là điều không thể tránh khỏi, không thể đổ lỗi rằng trường này nhiều chỉ tiêu, hay CĐ lấy hết chỉ tiêu của trung cấp... Cốt lõi của vấn đề ở đây là các trường TCCN muốn tuyển sinh được thì tự mình phải làm nên sức hấp dẫn cho mình, không có cách nào khác chính là chất lượng đào tạo.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của giáo dục chuyên nghiệp, tuy rằng còn nhiều khó khăn nhưng cũng có không thiếu cơ hội. Điều quan trọng là nhà trường và người học cần phải tìm được tiếng nói chung. Các trường không có cách gì khác là phải tạo dựng thương hiệu để có sức hút với người học, với doanh nghiệp. Còn người học, hơn ai hết cần phải tự nhận biết mình nên học gì, ở đâu cho có tay nghề để đi làm chứ đừng nên sa đà vào việc tìm đường vòng để lên những bậc học cao hơn.
Điểm mới trong tuyển sinh TCCN
Năm 2013 này Bộ GD&ĐT cho phép các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, tỉnh tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo TCCN.
Sau khi nhập học, HS sẽ học cùng lúc chương trình trung cấp và giáo dục thường xuyên cấp THPT để sau khi hoàn thiện, có thể tham dự kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT và TCCN để lấy 2 văn bằng.
Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ học theo chương trình cơ bản của phổ thông, một số nội dung sẽ được lược bớt cho vừa sức của người học. Theo đó, có 7 môn bắt buộc là toán, lý, hóa, văn, sinh, lịch sử, địa lý.
Bên cạnh đó HS học thêm các môn tự chọn tùy điều kiện của mỗi trung tâm như Anh văn, tin học và giáo dục công dân.
Theo Dĩ Hạ, GDTĐ