Hầu hết thí sinh điểm trên sàn đã đăng ký xét tuyển thành công

Tỷ lệ thí sinh có điểm trên sàn nộp ĐKXT cao nhất so với mọi năm

Thống kê cho thấy, có hơn 28% số thí sinh đã lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Nếu tính cả số lượng thí sinh nộp qua bưu điện mà các trường chưa kịp nhập vào hệ thống thì hầu như tất cả thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn đều đã đăng ký hết. Có thể nói, năm nay tỷ lệ thí sinh có điểm trên mức điểm sàn nộp đăng ký xét tuyển cao nhất so với mọi năm.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Năm nay là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển trực tuyến nên có nhiều thuận lợi. Chỉ cần máy tính nối mạng là thí sinh có thể ở nhà thực hiện đăng ký xét tuyển.

Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị kỹ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đơn giản hóa phần mềm nên trong những ngày qua hệ thống hoạt động suôn sẻ, không xảy ra trục trặc kỹ thuật nào. Việc đăng ký trực tuyến kết thúc vào cuối ngày 11/8.

Đến 18 giờ chiều 11/8 đã có 390.000 thí sinh đăng ký vào hệ thống của Bộ GD&ĐT. So với chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2016 là 317.000 thì số lượng thí sinh đăng ký hiện tại đã vượt chỉ tiêu của các trường.

Tất nhiên, không phải tất cả các ngành đều có đủ thí sinh, dù một số ngành dư nhiều nhưng cũng có những ngành còn thiếu chỉ tiêu. Các đợt xét tuyển bổ sung sẽ giúp thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 có cơ hội đăng ký xét tuyển vào các ngành/trường còn thiếu chỉ tiêu.

Không chủ quan trong ngày cuối

Hôm nay (12/8), các trường phải nhận hồ sơ của tất cả thí sinh đến nộp trực tiếp.

Những thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện, thời gian hợp lệ của hồ sơ được tính theo dấu bưu điện.

Mặc dù theo thống kê cho đến thời điểm này số thí sinh chưa đăng ký còn rất ít, hầu hết thí sinh trên điểm sàn đã đăng ký hết. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD&ĐT cũng không chủ quan, vẫn phải nhắc các trường có tính cạnh tranh cao và nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp chuẩn bị phương án xử lý khi số lượng thí sinh đến đăng ký tăng đột biến.

Trong ngày cuối cùng, các trường phải nhận hồ sơ của tất cả thí sinh đến nộp trực tiếp, không được để thí sinh nào đến trường mà không nộp được. Đối với những thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì trong ngày 12/8 các em chỉ cần đến bưu điện gần nhất làm thủ tục gửi phiếu đăng ký xét tuyển bằng thư chuyển phát nhanh. Thời gian hợp lệ của hồ sơ được tính theo dấu bưu điện.

Những trường hợp hồ sơ đến chậm sau khi trường đã xét tuyển thì trường xét bổ sung những thí sinh này. Tất cả phiếu đăng ký xét tuyển đến muộn nhưng có dấu bưu điện từ ngày 12/8 trở về trước đều có giá trị xét tuyển, thí sinh không phải bận tâm lo lắng.

“Năm nay thí sinh đã ý thức rất kỹ việc chọn ngành, chọn trường. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia các em đã có 10 ngày để nghiên cứu ngành/trường mình yêu thích. Các em có kết quả xét tuyển năm ngoái để tham khảo.

Bộ cũng yêu cầu các trường không được công bố dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường để tránh gây tâm lý hoang mang đối với thí sinh. Vì thế các em không có lý do gì phải chờ đến giờ chót mới nộp đăng ký xét tuyển. Do lưu lượng thí sinh rải đều trong 12 ngày nhận đăng ký xét tuyển, không tập trung tại một thời điểm nào nên mọi việc diễn ra rất thuận lợi và suôn sẻ” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định.

Lưu ý đặc biệt với thí sinh

Trước những đổi mới trong quy chế tuyển sinh năm 2016, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đặc biệt lưu ý thí sinh: Khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1, những thí sinh trúng tuyển phải nộp giấy báo kết quả thi trong thời hạn qui định (hạn chót là hết ngày 19-8) để khẳng định nhập học. Đây là điều rất quan trọng mà các em phải lưu ý.

Đối với những thí sinh không trúng tuyển đợt 1 cần chuẩn bị nộp đăng ký xét tuyển đợt bổ sung. Các em vẫn còn nhiều cơ hội trúng tuyển trong các đợt bổ sung. Cùng một ngành học nhưng các trường khác nhau có điểm chuẩn vào ngành cũng khác nhau. Tùy theo kết quả thi của mình, thí sinh nộp đăng ký xét tuyển vào trường/ngành có điểm chuẩn phù hợp. Trong các đợt bổ sung, tính cạnh tranh không lớn nên khả năng trúng tuyển cao hơn đợt 1.

Với các trường, Thứ trưởng gửi gắm: Nguồn tuyển dư dôi 27% nên các trường không lo thiếu thí sinh. Vì vậy, với trường có các ngành đợt 1 chưa tuyển đủ thì cũng không có gì đáng lo ngại. Các trường công bố cụ thể các ngành sẽ xét tuyển bổ sung, số chỉ tiêu cần tuyển để thí sinh biết và nộp đăng ký xét tuyển. Hãy chuẩn bị kỹ công tác truyền thông để thí sinh biết, đăng ký.

Trường có thể hạ điểm chuẩn

Hôm nay (12/8) sẽ kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong những ngày vừa qua, Bộ GD&ĐT đã cử các tổ công tác đến làm việc trực tiếp với một số trường có đông thí sinh để kiểm tra tình hình chuẩn bị điều kiện kỹ thuật cho việc xét tuyển tốt. Đến tối nay, các trường sẽ tải dữ liệu về để làm thủ tục xét tuyển.

Nếu hoàn tất sớm nhất việc xét tuyển, các trường có thể công bố kết quả trong ngày 13/8. Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường chạy thử phần mềm xét tuyển với cơ sở dữ liệu giả định để khi có dữ liệu chính thức có thể chạy ngay. Đối với những trường nhận đăng ký xét tuyển trực tiếp, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường chuẩn bị phương án xử lý nhanh hồ sơ thí sinh khi có khả năng xảy ra ùn tắc vào ngày cuối cùng của đợt 1.

“Điều quan trọng Bộ lưu ý các trường năm nay là không được tuyển vượt quá chỉ tiêu đã công bố.

Trong cơ sở dữ liệu các trường sẽ tải về tối 12/8 Bộ cung cấp cho các trường đầy đủ thông tin thí sinh đã đăng ký vào trường/ngành của đợt xét tuyển. Trên cơ sở dữ liệu đó, các trường có thể phán đoán được thí sinh có học ở trường mình không.

Năm nay Bộ cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Vì vậy nếu đợt đầu tuyển không đủ chỉ tiêu thì đợt sau có thể hạ điểm chuẩn để tuyển tiếp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Các trường cũng không phải chờ đến khi thí sinh nhập học mới biết được số lượng thí sinh chính thức vào học trường mình mà chỉ 5 ngày sau khi công bố kết quả nếu thí sinh không nộp giấy báo kết quả thi thì xem như không nhập học và trường tuyển bổ sung. Với những qui định linh hoạt như vậy thì không có lý do gì trường tuyển vượt chỉ tiêu đã công bố” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý.

Đường dây nóng thực sự phát huy công dụng

Rút kinh nghiệm của năm 2015, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị rất chu đáo hệ thống thông tin phục vụ cho công tác thi và tuyển sinh. Bộ và các trường đều công bố đường dây nóng để thí sinh và phụ huynh liên hệ khi cần phản ảnh hay thắc mắc điều gì cần giải đáp.

Qua các kênh thông tin báo chí và phản ảnh qua đường dây nóng Bộ đã nắm được các vướng mắc và xử lý kịp thời. Ví dụ như khi nghe phản ảnh thí sinh gặp khó khăn trong nộp lệ phí xét tuyển, Bộ đã ngay lập tức yêu cầu các trường tạm thời không thu lệ phí khi thí sinh nộp đăng ký xét tuyển mà thu khi thí sinh đến nhập học.

Một số trường còn miễn lệ phí đối với thí sinh vùng khó khăn, vùng chịu thiệt hại do hạn hán hay sự cố môi trường. Nhờ vậy thí sinh cảm thấy rất thoải mái và không có vướng mắc gì khi đăng ký xét tuyển.

 

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hau-het-thi-sinh-diem-tren-san-da-dang-ky-xet-tuyen-thanh-cong-2162924-v.html