Dự án giáo dục ODA tại Việt Nam

Theo báo cáo của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về kết quả giám sát chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (ODA) với giáo dục, giai đoạn 2004-2014 cho thấy, trong giai đoạn này Việt Nam đã thu hút được khá nhiều dự án ODA với tổng số vốn ký kết đạt xấp xỉ 2,2 tỉ đô la Mỹ (số liệu theo Bộ Kế hoạch Đầu tư).

Trong đó vốn vay chiếm khoảng 71,9%, vốn không hoàn lại chiếm 14,5% và 13,6% vốn đối ứng.

Hầu hết dự án ODA giáo dục có vấn đềẢnh minh họa: Xuân Trung

Trong giai đoạn này Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện 26 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm 10 dự án viện trợ không hoàn lại và 16 dự án vay ưu đãi, với tổng kinh phí được phê duyệt là gần 2 tỉ đô la Mỹ, trong đó có trên 1,3 tỉ đô la vốn vay, hơn 300 triệu đô la vốn viện trợ và hơn 200 (làm tròn) triệu đô la vốn đối ứng.

Trong số 26 dự án đã được phê duyệt triển khai, có 14 dự án đã kết thúc và 12 dự án đang triển khai, trong đó dự án có thời gian triển khai dài nhất là đến năm 2019.

Theo báo cáo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lí 12 dự án ODA thuộc lĩnh vực dạy nghề, gồm 6 dự án sử dụng nguồn vốn không hoàn lại và 6 dự án sử dụng vốn vay với tổng mức đầu tư ước tính là hơn 232 triệu đô la Mỹ, trong đó viện trợ không hoàn lại khoảng hơn 13 triệu đô la và vốn đối ứng là hơn 57 triệu đô la Mỹ.

Theo nhận định, số lượng dự án và tỉ lệ vốn ODA huy động trong lĩnh vực giáo dục còn khiêm tốn, chỉ khoảng 80 dự án cho cả giai đoạn 2004-2014 với tổng số vốn kí kết chiếm khoảng 3,5% tổng số vốn ODA của cả nước.

Cũng theo báo cáo, tiến độ thực hiện các dự án ODA cho giáo dục mặc dù đều có kế hoạch, lộ trình, phân kì thực hiện cụ thể nhưng tiến độ triển khai của hầu hết các dự án đều rất chậm trễ, nhất là trong giai đoạn đầu khởi động, dẫn đến gia hạn thực hiện.

Một số dự án đầu tư lớn còn bị chậm tiến độ đáng kể như xây dựng trường đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, Dự án xây dựng đại học Việt – Đức, Dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt – Hàn.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do phạm vi triển khai các dự án rộng, nhất là đối với dự án giáo dục phổ thông, và được thực hiện chủ yếu tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn trong khi năng lực thực hiện, cơ sở thụ hưởng còn hạn chế dẫn đến chậm trễ trong triển khai dự án.

Quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến việc phê duyệt dự án, tiếp nhận viện trợ, điều chỉnh dự án và gia hạn dự án còn phức tạp, việc này thường phải trải qua nhiều giai đoạn, liên quan tới nhiều cơ quan tham gia…

Do mất nhiều thời gian nên khi được phê duyệt đưa vào thực hiện thì mố số nội dung của dự án đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế, nhất là đối với dự án hỗ trợ thiết bị công nghệ.

Một số quy định về thủ tục, định mực chi phí và quản lí tài chính giữa các nhà tài trợ và phía Việt Nam còn có nhiều khác biệt nên cần thời gian để đàm phán, thống nhất.

Bên cạnh đó, năng lực hạn chế và nhận thức chưa đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của một số chủ đầu tư, cơ quan chủ quan chủ quản dự án thành phần cũng góp phần làm chậm trễ tiến độ triển khai các hoạt động của toàn bộ dự án.

Giải pháp

Từ những hạn chế trên, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lí, sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, cần xây dựng chiến lược thu hút, quản lí và sử dụng vốn ODA gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế.

Sử dụng vốn ODA tập trung cho các mục tiêu ưu tiên của ngành giáo dục cũng như của từng cấp học, bậc học, tránh đầu tư tràn lan gây tốn kém.

Thứ nữa, cần nghiên cứu điều chỉnh quy định nhằm tạo sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan đến tất cả các khâu trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án, hài hòa hóa quy trình và thủ tục giữa Việt Nam với các nhà đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, đấu thầu…

Một biện pháp nữa là cần phải công khai minh bạch và chia sẻ thông tin về ODA. Tăng cường năng lực cán bộ quản lí dự án, đặc biệt là cấp địa phương theo hướng chuyên nghiệp và bền vững…

Theo báo cáo của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhờ có nguồn vốn đầu tư bổ sung từ các dự án ODA, cơ hội tiếp cận giáo dục của các đối tượng học sinh vùng sâu, vùng xa và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được mở rộng.

Cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất kĩ thuật, các hoạt động nhằm đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục của đơn vị thụ hưởng dự án cũng được chú trọng đẩy mạnh.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh tại các khu vực được thụ hưởng có chuyển biến rõ nét. Tỉ lệ học sinh yếu kém, bỏ học giảm đáng kể, phong trào giáo dục ngoài giờ lên lớp được đẩy mạnh, kết quả về xóa mù chữ, phổ cập tiểu học và THCS được củng cố và duy trì.

Theo Giáo dục Việt Nam, nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hau-het-du-an-ODA-giao-duc-covan-de-post162103.gd