Thích làm tiến sĩ để oai
PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia nhận xét trước con số có tới 50% GS, TS tập trung tại khu vực quản lý nhà nước.
Theo công bố mới đây, trong số gần 11.000 giáo sư, PGS, chỉ có khoảng 4.440 GS, PGS đang làm công tác giảng dạy (chiếm hơn 40%). Số lượng tiến sĩ làm công tác giảng dạy cũng chiếm chưa đến 50% (gần 24.000 tiến sĩ thì có 16.514 đang làm công tác giảng dạy). Theo ông Sơn, đây là cơ sở để trả lời cho những băn khoăn, thắc mắc của dư luận bấy lâu nay rằng: vì sao Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á? Ông nói thẳng là vì GS, TS làm nghiên cứu thì ít, mà làm các chức vụ trong bộ máy hành chính thì nhiều.
Vị chuyên gia thẳng thắn, Việt Nam là một trong số ít những nước có số lượng GS, TS tham gia vào bộ máy quản lý nhiều nhất thế giới. Dù vậy, trong các chiến lược phát triển cán bộ công chức của các thành phố, địa phương vẫn không ngừng đặt ra mục tiêu phải "sĩ hóa công chức" với tỉ lệ 100% cán bộ là tiến sĩ.
"Đây là hiện tượng lạ thường và chỉ có ở Việt Nam. Trong khi đó, cán bộ quản lý nhà nước là những lĩnh vực không nhất thiết phải cần tới bằng tiến sĩ. Những người làm chuyên môn giỏi mà đi vào quản lý sẽ bị yếu vì khó tập trung. Họ được đào tạo để làm chuyên môn, không phải là người học khoa học quản lý và có kinh nghiệm quản lý.
Tôi cho rằng, người làm quản lý ngoài đòi hỏi về trình độ, kỹ năng còn cần tới kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp quản lý khoa học chứ không phải chỉ ngồi đọc sách, nghe báo đài là làm được quản lý. Hay một bác sĩ suốt ngày cầm dao, kéo, ôm phòng mổ muốn làm quản lý là quản lý được ngay", ông Sơn nói.
Nhiều dư địa cho tiêu cực
Vẫn theo ông Sơn, bằng cấp không chứng minh một người làm chuyên môn giỏi, đào tạo tiến sĩ cũng không có nghĩa là để người tiến sĩ đó "ra lò" sẽ làm một nhà quản lý. Vì vậy, dù đặt ra mục tiêu "sĩ hóa" công chức, cán bộ thì nỗ lực trên cũng không đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ quản lý.
Dẫn lại hàng loạt những sự việc gần đây như Phó chủ tịch phường đi ăn bún, xin giấy chứng tử phường Văn Miếu... PGS Võ Kim Sơn nhấn mạnh: "Việc đặt chỉ tiêu về bằng cấp chỉ là một biểu hiện của "hội chứng sính bằng cấp", khiến cho quy trình bổ nhiệm được đơn giản hóa và có nhiều dư địa cho tiêu cực.
Có nhiều người muốn trang bị bằng thạc sĩ, tiến sĩ để thăng tiến, vào vị trì này vị trí kia nên mới có câu chuyện chạy xong được bằng cấp thì chạy tới chức tước. Vì vậy mà cán bộ làm tiến sĩ thì nhiều nhưng chất lượng cán bộ lại có xu hướng tụt lùi".
Nếu ngồi vào chiếc "ghế" quá rộng...
Từ nhìn nhận trên, PGS.TS Võ Kim Sơn khẳng định lại để có một đội ngũ cán bộ có năng lực thực sự, đáp ứng tốt yêu cầu công việc không nhất thiết phải là tiến sĩ, thạc sĩ.
Ông cho rằng, một đội ngũ cán bộ có năng lực thực sự, đáp ứng tốt yêu cầu công việc thì công tác bổ nhiệm phải được xem xét thật khách quan, công bằng.
Theo ông, việc này dựa trên những đánh giá về yêu cầu kiến thức thích ứng với công việc cụ thể, mức độ thành thạo tối thiểu để làm công việc. Phải khẳng định năng lực của họ thực sự xứng đáng với cái "ghế" họ sẽ ngồi, nếu đặt một người có năng lực không phù hợp ngồi vào một chiếc "ghế" không phù hợp sẽ gây ra những hệ lụy.
"Nâng cao chất lượng công chức thì phải nâng cao được năng lực, kiến thức của cán bộ công chức để đảm nhiệm tốt công việc chuyên môn của họ. Một người làm quản lý thì phải thật giỏi về quản lý, một người làm chuyên môn phải thật giỏi về chuyên môn.
Tôi cho rằng, rất khó có thể cân đong đo đếm được kiến thức cũng như năng lực thực tế của một người nếu chỉ nhìn sơ qua bằng cấp. Trong trường hợp này, bằng cấp không có nghĩa là sẽ giỏi chuyên môn, bằng cấp cao nhưng chuyên môn không phù hợp cũng vô nghĩa", PGS, TS Võ Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo Đất Việt