>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, đề thi đại học

Văng tục chửi thề, bạo lực, vô lễ…là những hành vi xấu thể hiện cách ứng xử lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Bực dọc một chuyện bất kỳ: Chửi. Bị điểm kém: Chửi. Không thích đứa bạn ngồi cùng bàn: Chửi. Không đến được buổi hẹn với bạn bè: Chửi. Thậm chí là chửi yêu để bày tỏ tình cảm. Các cô cậu học trò còn tung hẳn “cẩm nang” chửi cho bài bản... Đó là một thực tế trong giới trẻ hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không biết từ bao giờ, giới trẻ đã quen thay những câu khẳng định, câu hỏi của mình bằng loại ngôn ngữ “văng tứ tung”. Thậm chí còn bị coi là quê, nếu không mở đầu câu chuyện bằng một câu chửi thề.

Chuyện học sinh chửi bậy thời nay đã trở thành bình thường.

Hiếm khi đứng trước cổng trường cấp 3 nào (kể cả trường chuyên, trường điểm) mà không thấy bóng dáng vài áo trắng văng “phụ khoa” tứ tung.

Không chỉ nói tục, các bạn trẻ này còn chửi bới ủm tỏi nhau. Những từ như: trâu, chó, heo,...được tận dụng tối đa. Thậm chí nhiều học sinh, sinh viên còn gọi thầy, cô giáo đứng lớp dạy họ là “lão” ấy, “mụ” nọ...

Chửi tục ngay trong bài viết văn
Chửi tục ngay trong bài viết văn

Không chỉ học sinh, mà đến cả cầu thủ, diễn viên, thậm chí cho đến cả giới trí thức…cũng bị nhiễm, họ đều có thể sẵn sàng văng những từ thô lỗ hoặc đơn giản nhất là các câu chửi thề nơi cửa miệng.

Thậm chí, trên diễn đàn mạng xã hội còn xuất hiện cả những "băng nhóm" được thành lập với cái tên "Hội những người thích nói tục", "Hội những người chửi bậy tứ tung nhưng tôn sùng thánh thiện", "cẩm nang chửi bậy",...với lượng thành viên lên đến hàng ngàn người.

Cảnh báo tình trạng văng tục chửi bậy trong giới trẻ ngày càng tăng

Nhiều người cho rằng, nói tục cũng là cách thể hiện với mọi người là tôi rất dân dã, hòa đồng và không lạc lõng giữa số đông. Cũng có người nói, hình như người ta nói bậy, nói tục cũng là một sự giải thoát, xả stress, là một sự phủ định xã hội hiện tại.

Cảnh báo tình trạng văng tục chửi bậy trong giới trẻ ngày càng tăng

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản bác, coi đó là vô văn hóa, là thiếu giáo dục.

Bạn trẻ Phương Anh, sinh viên đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM thẳng thắn chia sẻ: "Bạn bè đi chơi cùng nhóm với nhau, chúng nó cứ văng tục mà mình lại cứ nói năng nghiêm túc thì thể nào cũng bị chửi và bị chê là nhà quê. Đành văng vài câu, riết rồi thành quen lúc nào không hay.

Tuy nhiên, nói tục trước mặt người lớn tuổi, thầy cô giáo, bố mẹ là một hành vi rất xấu thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bậc sinh thành và những người dạy dỗ mình. Theo mình, những hành vi lệch chuẩn đó được đăng tải nhan nhản trên mạng tác động đến văn hóa ứng xử của một bộ phận giới trẻ. Mỗi một người cần phải tự nhìn nhận lại chính bản thân mình để có những hành vi đẹp, có văn hóa”.

Chẳng riêng gì giới trẻ ở các thành phố, thị xã mà ở nông thôn, miền núi một bộ phận nhỏ các bạn trẻ cũng học đòi thông qua những ngôn từ quá khó nghe. Họ nói tục, chửi bậy không đại trà như ở thành phố nhưng cũng đáng báo động, bởi dần dần các bạn trẻ sẽ “học” nhau và kết cục là sẽ cho ra đời một thế hệ trẻ “thiếu văn hóa” trong cách nói năng giao tiếp.

Điều cốt lõi để khắc phục tình trạng trên là cách giáo dục trong những gia đình chưa ổn. Khi nhiều bậc cha mẹ còn lơ là trong việc quản lý, giáo dục con em mình từ lời ăn, tiếng nói, cách giao tiếp với mọi người sao cho từ tốn, luôn thể hiện là người có văn hóa...

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), đã có sự nhầm tưởng về giá trị trong suy nghĩ của con người ngày nay. Nhiều người quan niệm bỗ bã, bặm trợn mới chứng tỏ là người "ăn sóng nói gió", biết làm chủ tình thế, là người dân dã, suy nghĩ mạnh mẽ, đồng thời thể hiện sự chịu chơi. Trên thực tế, việc nói tục, chửi bậy chưa bị lên án đủ mức là bởi chúng ta quá quan tâm, đề cao những vấn đề vĩ mô, chú trọng rèn luyện lý tưởng, lẽ sống mà không thấy rằng, lẽ ra, trước tiên, cần phải bắt đầu từ việc uốn nắn hành vi nhỏ nhặt như lời ăn tiếng nói, thói quen ứng xử của từng cá nhân.

Theo Báo Dân Việt