Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep

Lần đầu tiên, Sở GD-ĐT Hà Nội công khai phương án tuyển sinh của từng quận, huyện, thị xã trên website của sở, đồng thời đề nghị công khai tại các quận, huyện, thị xã để dân biết, giám sát.
Trong kế hoạch tuyển sinh được công khai, các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội thông tin chi tiết về chỉ tiêu tuyển sinh, việc phân tuyến tuyển sinh và thời gian tuyển sinh của các bậc học...

>> Ngừa quá tải,Thực Nghiệm đổi lịch tuyển sinh vào lớp 1

Các “điểm nóng” được phân tuyến sinh

Các trường phải tuân thủ đúng quy định về thời gian tuyển sinh từ ngày 1 đến 15-7 đối với học sinh đúng tuyến. Sau ngày 15-7 sẽ tuyển trái tuyến nếu còn chỉ tiêu. Các quận huyện phải đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh và nhà trường không được phép thu bất cứ khoản tiền nào trong quá trình tuyển sinh.
Một số trường tiểu học tại Hà Nội có truyền thống quá tải do số học sinh đúng tuyến vượt ngưỡng chỉ tiêu, lại phải cõng thêm nhiều học sinh có nhu cầu học trái tuyến. Q.Đống Đa là địa bàn phải giải quyết nhiều “điểm nóng” như vậy. Trường Nam Thành Công có 656 trẻ 6 tuổi nhưng chỉ tiêu chỉ có 600 học sinh lớp 1. Trường tiểu học Văn Chương có trên 400 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh cho lớp 1 chỉ có 270 học sinh. Trường Thịnh Quang có 396 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 nhưng chỉ tiêu là 300...

Tuyển sinh lớp 1 còn nhiều căng thẳng

Q.Thanh Xuân có 10/11 trường có số trẻ vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1. Điển hình là Trường tiểu học Đặng Trần Côn A chỉ tiêu 360 nhưng số trẻ trên địa bàn tới gần 600, Trường tiểu học Thanh Xuân Trung có 432 trẻ vào lớp 1 nhưng chỉ tiêu chỉ có 200...

Tuy vậy, trên thực tế có những phường đông học sinh trong độ tuổi đi học nhưng trường tại phường lại không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó có những trường khác như Tiểu học Kim Liên, Tiểu học Trung Tự, Tiểu học Bế Văn Đàn (Q.Đống Đa), THCS Đống Đa, THCS Nguyễn Trường Tộ (Q.Đống Đa), THCS Giảng Võ, THCS Thăng Long... có số học sinh đúng tuyến thấp hơn chỉ tiêu, nhưng năm nào cũng gây sốt vì số học sinh trái tuyến tập trung quá đông.

Trong phương án phân tuyến của các quận nội thành, một số khu vực trong cùng một phường có các trường “điểm” đã được xé lẻ điều chuyển học sinh vào các trường lân cận.

P.Láng Hạ (Q.Đống Đa), nơi có Trường tiểu học Nam Thành Công, có hai khu đã được tách ra để trẻ 6 tuổi chuyển sang nhập học tại Trường tiểu học Thái Thịnh. Tương tự, có tới trên 20 tổ của P.Trung Tự (Q.Đống Đa) phải chuyển số trẻ 6 tuổi sang học tại Trường tiểu học Khương Thượng để giảm tải cho Trường tiểu học Trung Tự. Trên địa bàn P.Giảng Võ (Q.Ba Đình), 50% số trẻ phải chuyển sang học tại Trường tiểu học Ngọc Khánh. P.Cống Vị (Q.Ba Đình) cũng có một số khu vực dân cư phải chuyển trẻ 6 tuổi sang học Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, vì Trường tiểu học Hoàng Diệu không thể đáp ứng hết số trẻ của phường này. Q.Thanh Xuân có 5/11 trường tiểu học công lập phải tổ chức phân tuyến chuyển bớt học sinh trên địa bàn các phường cho các trường khác nhau để tránh quá tải. Q.Cầu Giấy cũng có ba trường tiểu học phải phân tuyến học sinh sang phường lân cận là Yên Hòa và Trung Hòa, Mai Dịch...

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc quá tải đối với bậc tiểu học, THCS chỉ cục bộ ở một số nơi, nên giải pháp phân tuyến hợp lý sẽ có thể giải quyết được tình trạng này. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo việc phân tuyến phải đảm bảo mục tiêu giảm trái tuyến, giảm sĩ số học sinh/lớp và giảm số lớp của các trường có quy mô đông học sinh.

Kênh tuyển sinh : Nguồn tin tuổi trẻ