Gần đây, sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lâm Đồng lại gây tranh cãi bằng một văn bản về việc tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm. Theo đó, những học sinh phổ thông, GDTX tham gia học thêm tại những nơi chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ bị xem xét và đánh giá về mặt hạnh kiểm. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao học sinh lại phải lĩnh hậu quả chỉ vì hiếu học?

Học sinh nào dám hỏi “giấy phép” của thầy cô?

Văn bản của sở GD&ĐT Lâm Đồng công bố cuối tháng 10 khẳng định, qua theo dõi tình hình trong toàn tỉnh, việc tổ chức dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường vẫn còn nhiều tồn tại bất cập?

Trong văn bản do Phó Giám đốc sở GD&ĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi ký có ghi rõ: “Một bộ phận giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường chưa có giấy phép, một số trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường chưa đúng quy định; một số trung tâm luyện thi văn hóa vẫn tiếp tục tổ chức hoạt động khi chưa có giấy phép theo quy định mới và sử dụng giáo viên về kiểm tra bài không có trong hồ sơ tham gia giảng dạy, đã xuất hiện tình trạng giáo viên gợi ý, bắt ép học sinh tham gia học thêm,...

Hạ hạnh kiểm học sinh nếu học ở cơ sở dạy thêm tổ chức “chui”

Từ năm 2016 sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng sẽ cấp giấy phép đối với các cơ sở dạy thêm cấp THCS và THPT (ảnh minh họa).

Tới đây, sở GD&ĐT Lâm Đồng sẽ phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm học thêm trong và ngoài trường, xử lý nghiêm, đình chỉ và thu hồi giấy phép, thông báo về cơ quan đơn vị và địa phương đối với những sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong dạy thêm, học thêm.

Sở GD&ĐT Lâm Đồng cũng yêu cầu người học thêm chỉ được đăng ký học thêm tại những cơ sở hoặc cá nhân được cấp có thẩm quyền cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm. Những HS phổ thông, GDTX tham gia học thêm tại những nơi chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ bị xem xét và đánh giá về mặt hạnh kiểm, xử lý kỷ luật...”.

Văn bản này ngay lập tức gây xôn xao vì quy định khá kỳ lạ với học sinh. Trên thực tế, học sinh là đối tượng bị động trong toàn bộ câu chuyện “dạy thêm” và “học thêm”. Không xét đến các quy định, rõ ràng, học thêm là một trường hợp có thể xem là hiếu học.Trong hầu hết các trường hợp, học sinh chỉ học thêm khi cô giáo mở lớp, hiếm khi có trường hợp ngược lại.

Trao đổi với PV, trong khi chờ đón con học thêm tại một con hẻm gần trường Nguyễn Trường Tộ (Láng Hạ, Hà Nội) một phụ huynh cho biết: “Đầu năm, thấy con mang về giấy báo của ban đại diện cha mẹ HS hỏi ý kiến về việc tổ chức lớp học thêm tiếng Việt, Toán, vợ chồng tôi bàn bạc quyết định cho con đi học vì thấy cháu nói các bạn trong lớp đều học cả. Cô mở lớp thì chúng tôi cho cháu đi học chứ không bao giờ “lăn tăn” về việc cô giáo mở lớp có phép hay không. Cô giáo cũng là giáo viên dạy cháu ở trường nên chúng tôi tin tưởng”.

Một phụ huynh khác, chị Trần Thị Hường (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian con trai bắt đầu vào lớp 1. “Đó là quãng thời gian khó khăn của vợ chồng tôi”, chị Hường mở đầu câu chuyện. Theo chia sẻ của chị Hường, ngày con mới đi học, chị quan tâm sát sao việc học của con, nhưng sau một tháng đi học, con đưa sổ liên lạc về đều đặn. Cô giáo phê học kém, hay nói chuyện, đọc - viết chậm.

Lúc cô lại phê nhận thức kém. Đi đón con về, bố cháu cáu gắt vì con thường phải ở lại lớp vì chép bài chưa xong. Hai vợ chồng tôi quyết tâm kèm cặp con. Sau 3 tháng, không phải tự hào, con tôi phản xạ trước các câu hỏi rất nhanh, viết, đọc tốt. “Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm vẫn “gợi ý” với tôi là nên cho con đi học vì cháu kém so với các bạn trong lớp. Tôi nhất quyết giữ quan điểm chỉ học ở trường còn để thời gian cho con nghỉ ngơi. Nhưng thực sự khi nghe con về bảo, ở lớp cô hay quát con, hay cáu khi con hỏi cô. Cháu còn bảo không muốn đến lớp thành ra hai vợ chồng lại cho con đi học. Tôi thực sự ngán ngẩm cảnh nhiều cháu cùng lớp con sau một ngày ở trường lại phải “lóc cóc” đến nhà cô học tiếp mấy tiếng đồng hồ nữa”, chị Hường “trần tình” trước quyết định thuận theo số đông cho con đi học thêm tại nhà cô.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Nên quản giáo viên chứ không nên hạ hạnh kiểm học sinh.

Trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, khách quan mà nói, quy định trên là động thái cứng rắn nhằm quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, học sinh là đối tượng vị thành niên, chưa hiểu biết rõ pháp luật, cần có thời gian tuyên truyền, không nên dùng những quyết định hành chính để can thiệp. Hơn nữa, học sinh không phải là đối tượng phải quản lý mà chính là các giáo viên. Họ có mở lớp, học sinh mới đến học. Muốn siết việc học thêm phải làm chặt từ khâu quản lý giáo viên, đóng cửa các cơ sở dạy thêm “chui”, chứ can thiệp vào hạnh kiểm hay kỷ luật học sinh là không nên.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam: Quy định này là không đúng và rất buồn cười.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú thẳng thắn nói: “Quy định này là không đúng và rất buồn cười. Các trường hợp có nhu cầu học thêm là các trường hợp học sinh thật sự yếu và phải do nhà trường tổ chức. Trường có khả năng tổ chức đến đâu thì trường phải làm, phải được quản lý. Quy định hồ sơ cấp phép trong đó, phụ huynh học sinh phải viết đơn, ai cũng hiểu là “hình thức”. Trường lớp không phải bé như con kiến, nó nằm chình ình ra đó mà các cấp chính quyền vẫn để nó tồn tại, sao lại bắt học sinh “chịu”?. Điều này cũng không giải quyết được gốc của vấn đề dạy thêm, học thêm”.

Yêu cầu, điều kiện mở lớp dạy thêm của sở GD&ĐT Lâm Đồng

Đối với người dạy thêm: Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục, có đủ sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt... được thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp (đối với giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng); được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).

Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; ở xa những nơi phát sinh các hơi khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn; ở xa các trục đường giao thông lớn... Phòng học đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên; được thông gió và đủ độ chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, phòng bệnh. Kích thước bàn, ghế học sinh và bố trí bàn, ghế học sinh trong phòng học đảm bảo các yêu cầu. Bảng học được chống lóa; kích thước, màu sắc... Có công trình vệ sinh và có nơi chứa rác thải hợp vệ sinh. Số lượng học sinh tham gia học thêm ở các lớp THPT không quá 30 học sinh/lớp; các lớp THCS không quá 35 học sinh /lớp.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung Học, bộ GD&ĐT: Sẽ xem xét kiểm tra có đúng thế không.

Trước quy định được nhiều người dân quan tâm của sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, PV báo ĐS&PL đã liên lạc với ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, bộ GD&ĐT để biết quan điểm của Vụ xung quanh văn bản về việc tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm trong đó quy định đối với người học thêm: “Những học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên tham gia học thêm tại những cơ sở hoặc cá nhân chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ bị xem xét và đánh giá về mặt hạnh kiểm, xử lý kỷ luật theo quy định”. Ông Chuẩn cho biết: “Tôi sẽ xem xét và hỏi lại sở GD&ĐT Lâm Đồng có quy định như vậy thật không mới có ý kiến chính thức”.

Theo ĐSPL, nguồn:http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/ha-hanh-kiem-hoc-sinh-neu-hoc-o-co-so-day-them-to-chuc-chui-a117825.html