Bộ quyết từng năm thế này là không ổn

Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện phương án một kỳ thi THPT quốc gia có lẽ là một việc làm thận trọng. Đồng thời Bộ cũng dựa trên kết quả khả quan của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Về tuyển sinh ĐH, cơ bản cũng ổn, trừ một số trường phải gọi bổ sung do thiếu thí sinh vì ảo. Điều này cũng khó tránh nếu tổ chức thi chung. Tóm lại, cơ bản có thể nói, kỳ thi năm nay diễn ra an toàn nên Bộ tiếp tục hình thức thi chung vào năm tới. Tôi nghĩ đây là một việc làm thận trọng của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, Bộ vẫn nên công bố lộ trình đổi mới thi cử để học sinh, xã hội chuẩn bị. Ví dụ, phương án thi chung này còn kéo dài lâu không hay tương lai sẽ còn thay đổi?

Ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc mới nhậm chức là sẽ giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT, còn tuyển sinh ĐH giao cho các trường tự quyết. Nhưng đến nay, ý của Bộ trưởng lại là một kỳ thi chung. Vì vậy, theo tôi bộ cần công bố lộ trình. Còn nếu Bộ cứ quyết từng năm như thế này, tôi cho là không ổn.

Ông đánh giá thế nào về những dự định sẽ được điều chỉnh trong kỳ thi năm 2017 của Bộ GD&ĐT?

“Nếu bây giờ Bộ ra đề thi tổng hợp sẽ ảnh hưởng đến học sinh. Vì từ lớp 10, các em đã định hướng thi khối ngành nào, và có những môn học nào. Giờ thêm một số môn không nằm trong kế hoạch ôn nên các em không những không ôn kịp mà  thậm chí các em sẽ hoang mang vì chỉ còn 9 tháng nữa thôi”

GS Nguyễn Minh Thuyết

Kỳ thi năm tới, theo như lý giải của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có hai điểm mới. Thứ nhất giao việc tổ chức thi chủ yếu cho các Sở GD&ĐT, tức chỉ có một loại cụm thi, Bộ tiếp tục ra đề, chỉ đạo thi, không còn hai loại cụm thi như năm 2016. Tôi cho rằng chủ trương này hợp lý. Vì với kỳ thi chung như thế nên giao cho các sở làm. Thực tế, những em dự thi ở cụm thi do các Sở GD&ĐT tổ chức vẫn xét tuyển vào các trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng bình thường.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc sử dụng kết quả thi ở những cụm thi khác nhau, với mức độ coi thi, chấm thi chặt lỏng khác nhau để xét tuyển vào các trường ĐH sẽ không được công bằng. Điều này chúng ta nhìn thấy rõ.

Bởi ở những cụm coi thi, chấm thi “lỏng tay” điểm của  thí sinh sẽ cao hơn ở những cụm “chặt tay”. Nhưng lại cùng dùng điểm đó để xét tuyển vào các trường ĐH là không công bằng với chính các thí sinh. Do đó, đây là điều mà một kỳ thi THPT quốc gia chung không thể khắc phục được. Nhưng điều này không đáng lo bằng dự kiến thay đổi nội dung thi trong năm tới.

Đó là có đề thi tổng hợp và  thi bằng trắc nghiệm khách quan. Với tôi, điều đáng ngại nhất không phải là giao cho ai tổ chức thi. Vì nếu có khó khăn thì là khó khăn của người lớn, của các sở GD&ĐT hoặc các trường ĐH. Hơn nữa, từ trước tới nay họ vẫn đứng ra tổ chức thi nên không có gì lo lắng.  Nhưng lo nhất là những thay đổi ảnh hưởng tới thí sinh.

Bây giờ Bộ mới công bố phương án thi, liệu thí sinh có kịp trở tay trong vòng một năm? Thực ra từ nay đến lúc thi chỉ còn 9 tháng. Trong khi đó, nhiều thí sinh đã định hướng từ lớp 10. Vậy có kịp không?  Có thể Bộ sẽ phải  công bố đề thi mẫu để thí sinh luyện tập. Nhưng theo tôi, 9 tháng là quá ngắn để các em  làm quen.

Tôi nghĩ, quyết định này hơi vội, ảnh hưởng đến thí sinh. Hơn nữa, thi trắc nghiệm khách quan có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm. Nó không phải là phương pháp tốt để đánh giá năng lực tư duy và khả năng diễn đạt của học sinh. Nhất là môn Toán. Vì vậy, người ta thường thi trắc nghiệm khách quan có tích hợp với thi tự luận.

Học sinh sẽ hoang mang

Ông có nói, Bộ mỗi năm lại quyết một phương án mới, vậy theo ông, nó sẽ tác động với thí sinh, dư luận xã hội như thế nào?

Như tôi đã nói, việc đổi mới nếu mỗi năm quyết một lần, nhất là liên quan đến nội dung thì thí sinh  không kịp chuẩn bị. Còn các trường cũng không kịp hướng dẫn ôn tập cho học sinh.  Do đó, phải tính toán để có lộ trình. Có thể 3 năm sau mới thi theo kiểu này vì lúc đó học sinh vào lớp 10 sẽ có thời gian chuẩn bị.

Bộ có lý giải việc có bài thi tổng hợp là để tránh học sinh học lệch, học tủ, ông nghĩ sao?

Nếu bây giờ Bộ ra đề thi tổng hợp sẽ ảnh hưởng đến học sinh. Vì từ lớp 10, các em đã định hướng thi khối ngành nào, và có những môn học nào. Giờ thêm một số môn không nằm trong kế hoạch ôn tập nên các em không những không ôn kịp mà  thậm chí các em sẽ hoang mang vì chỉ còn 9 tháng nữa thôi.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ nên làm đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) trước rồi mới tiến tới đổi mới thi cử. Cách làm hiện nay của Bộ là đang ngược, ông nghĩ sao?

Chúng ta phải đổi mới song song. Không thể đợi 12 năm đổi mới xong CT-SGK mới đổi mới thi cử. Tuy nhiên, đổi mới thi cử vẫn phải dựa vào CT-SGK hiện hành và định hướng của CT-SGK mới.

Tuyển sinh ĐH 2017, Bộ cũng đưa ra nhiều phương án để lựa chọn. Nhưng xem ra, các phương án bộ đưa ra thì hợp lý nhất là các trường lấy kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng một phần mềm chung. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Các trường của VN hiện nay phần lớn vẫn chưa sẵn sàng tự chủ tuyển sinh. Nhưng chúng ta đang thực hiện đổi mới, giao quyền tự chủ cho các trường, nên các trường phải làm việc này.

Đối với các trường, muốn giảm thí sinh ảo, tuyển đúng ý của mình thì phải tự chủ. Còn các trường chưa sẵn sàng thì vẫn còn một năm để chuẩn bị. Các trường phải vào cuộc. Các trường không thể dồn việc mãi cho Bộ GD&ĐT cũng như Bộ  không thể ôm mãi việc của các trường. Điều này khác với thí sinh. Chúng ta phải cho các em vài năm để định hướng chứ không phải chỉ 9 tháng. Do đó, Bộ cũng phải kiên quyết giao quyền tự chủ cho các trường.

Xin cảm ơn ông!

 


Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/gsnguyen-minh-thuyet-len-tieng-ve-phuong-an-thi-thpt-1047113.tpo