Bộ GD&ĐT cần cầu thị, lắng nghe ý kiến chuyên gia khi tổ chức thi trắc nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
GS Viện sĩ Đào Trọng Thi hiến kế về đề toán trắc nghiệm
GS. VS Đào Trọng Thi cho biết:
Chúng ta đang nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT, kể cả là tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), về cơ bản vẫn là đề thi kiểm tra năng lực cơ bản mang tính chất toàn diện của học sinh.
Về việc nói thi trắc nghiệm môn Toán có tính phân loại không cao, tôi cho rằng bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm môn Toán đơn giản có thể nhẩm tính và trả lời nhanh, người ta còn thiết kế những câu hỏi trắc nghiệm dưới dạng bài Toán nhỏ với độ phức tạp và độ khó cao hơn, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực thực sự mới xác định được đáp án.
Chúng ta đang làm theo lộ trình đổi mới, mỗi năm điều chỉnh một chút để tránh “sốc” cho dư luận, nếu năm nay không làm thì công việc sẽ dồn lại cho những năm tiếp theo và ảnh hưởng đến cả lộ trình đổi mới.
Hiện có rất nhiều tranh luận về các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Theo dự thảo phương án thi Bộ chính thức công bố, tuyển sinh năm 2017 các bài thi về các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mới chỉ là tổ hợp các câu hỏi về kiến thức của từng môn học riêng rẽ. Bởi vậy, hoàn toàn nằm trong phạm vi kiến thức của chương trình đang giảng dạy tại nhà trường.“Bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia và người dân, cân nhắc chọn lọc những nội dung điều chỉnh thực sự cần thiết và thiết thực, chuẩn bị kỹ khâu đề thi, nhất là đối với các bài thi tổng hợp và trắc nghiệm môn toán Bộ cần cân nhắc xác định độ khó phù hợp của các câu hỏi với năng lực thực tế của đông đảo học sinh vẫn còn đang học theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành theo lối truyền thụ kiến thức của từng môn học riêng biệt”.
GS.VS Đào Trọng Thi
Việc thiết kế các bài thi tổ hợp các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là một điều chỉnh hợp lý nhằm khắc phục tình trạng học lệch, đồng thời là bước chuẩn bị hình thành các môn học tích hợp về các lĩnh vực này trong tương lai gần.
Đối với bài thi tổ hợp, ngoài điểm chung của cả bài thi còn có điểm riêng của từng môn học. Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng các điểm riêng môn học đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn học theo nhu cầu.
Tuy nhiên, về bài thi tổ hợp có một vấn đề thực sự cần quan tâm xử lý. Đó gọi là một bài thi nhưng thực chất là 3 bài thi nhỏ về các môn học riêng rẽ. Vậy với số câu hỏi và thời lượng thi chỉ bằng 1/3 bài thi thông thường thì các bài thi nhỏ có đủ khả năng đánh giá và phân loại năng lực học sinh về môn học tương ứng hay không?
Những đổi mới vừa qua của Bộ GD&ĐT gặp phản ứng của dư luận vì diễn ra trong thời gian ngắn, thưa ông?
Theo tôi, đổi mới khác với cải cách, đó là một quá trình thường xuyên. Bởi vậy, việc đổi mới, điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm là cần thiết. Vấn đề là việc đổi mới điều chỉnh cần phải bám sát định hướng đổi mới, nhắm đến mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh. Thứ hai, phải có lộ trình hợp lý, đảm bảo tính khả thi và bền vững, tránh gây sốc cho học sinh và xã hội. Thứ ba, phải mang lại hiệu quả thiết thực, giảm tải, giảm áp lực và tốn kém cho học sinh và xã hội, kết quả thi khách quan làm căn cứ tin cậy để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/gs-vien-si-dao-trong-thi-hien-ke-ve-de-toan-trac-nghiem-1055215.tpo