GS Nguyễn Minh Thuyết: 'Bộ Giáo dục sản xuất sách giáo khoa là vô lý'
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc chính của Bộ GD&ĐT là xây dựng chiến lược phát triển, soạn các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo... chứ không phải trực tiếp sản xuất sách giáo khoa.
- Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT được dư luận rất quan tâm, nhất là vấn đề đa dạng hóa sách giáo khoa sau năm 2015. Một số người đồng tình, nhưng cũng không ít người phản đối vì cho rằng, nhiều sách giáo khoa sẽ gây rối loạn cho học sinh. GS có ý kiến gì về vấn đề này?- Ở miền Bắc trước cải cách giáo dục năm 1956 và ở miền Nam trước năm 1975, lúc nào cũng có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) phổ thông song song tồn tại. Thậm chí, ở miền Bắc đến tận năm 1957 vẫn có bộ Ngữ pháp Việt Nam các lớp 5, 6, 7 do nhà giáo Nguyễn Lân biên soạn và tự xuất bản. Trong cải cách giáo dục năm 1979, cả nước cũng sử dụng 2 bộ SGK. Chỉ từ năm 2000, theo quyết định của Quốc hội khóa 10, các bộ SGK này mới được hợp nhất thành một.
Ở hầu hết các nước, người ta áp dụng nguyên tắc "một chương trình, nhiều bộ SGK". Tôi thấy ở Anh, giáo viên không dạy hẳn theo một bộ SGK nào mà căn cứ vào tình hình thực tế của lớp, họ chọn bài phù hợp nhất trong những cuốn SGK đã có để dạy. Bài thì chọn ở sách này, bài chọn ở sách khác, thậm chí có khi họ photo một trang sách nào đó đem dạy cho học sinh. Dĩ nhiên, muốn làm được như vậy phải có chương trình chi tiết, giáo viên có quyền tự quyết cao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đồng thời nhà trường phải có tiền mua sách để trong thư viện hoặc trong lớp cho học sinh sử dụng.
Việc có nhiều tổ chức, cá nhân soạn sách giáo khoa sẽ huy động được nguồn trí tuệ và tài chính của xã hội, đồng thời tạo ra một cuộc thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng SGK. Như vậy là có lợi cho người học, người dạy, đồng thời cũng san sẻ gánh nặng cho Nhà nước nếu như Nhà nước tiếp tục đầu tư ngân sách tổ chức biên soạn, xuất bản một bộ SGK "quốc doanh".
Tuy nhiên, việc làm sách giáo khoa mới, theo tôi cần có lộ trình, cái gì chưa hợp thì thay thế, cái nào còn sử dụng được thì để dùng và thay dần dần. Hiện nay, Bộ GD&ĐT dự kiến làm sách theo kiểu chơi cờ, cứ mỗi lần đổi mới là xóa cả ván cờ để chơi lại từ đầu. Như thế, vừa tốn kém vừa quá gấp về tiến độ, khó đảm bảo chất lượng. Bộ GD&ĐT dự kiến cùng lúc viết sách cho 3 cấp học, mỗi cấp 2 lớp. Như vậy không khác gì xây 6 tầng nhà cùng một lúc, tôi không biết sẽ xây thế nào.
- Trong hai phương án, một là Bộ GD&ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Hai là các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định, cho phép sử dụng. Theo giáo sư nên chọn phương án nào?
- Tôi thấy chỉ Việt Nam và vài nước như Việt Nam mới có chuyện Bộ GD&ĐT trực tiếp đứng ra biên soạn SGK. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, công việc chính là xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, soạn các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chứ không làm thay các nhà chuyên môn, nhà xuất bản và các trường. Hiện nay Bộ GD&ĐT còn phải đứng ra tổ chức thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ, rồi làm các dự án.
Cơ quan chuyên môn của Bộ đã lao vào tổ chức thi cử, làm dự án, nay kiêm cả việc biên soạn SGK nữa thì còn thời giờ đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước? Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công Thương đứng ra sản xuất đinh ốc, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh, sẽ thấy phương án Bộ GD&ĐT trực tiếp sản xuất SGK vô lý như thế nào.
Bộ GD&ĐT có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị thuộc quyền quản lý của mình, tốt nhất là giao việc biên soạn, xuất bản SGK cho đơn vị đó. Như vậy vừa phù hợp với chức năng, vừa tạo điều kiện để họ thực hiện công việc này bình đẳng với các tổ chức, cá nhân, các nhà xuất bản khác.
Nếu Bộ GD&ĐT làm sách thì theo lẽ thường "cấp dưới sợ cấp trên", chắc chắn các Sở sẽ "chấm" bộ SGK đó. Sở đã có ý "chấm" thì chẳng Phòng giáo dục hay trường nào dám đi ngược lại. Như vậy, cạnh tranh sẽ không công bằng.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nên để tổ chuyên môn của từng trường bàn bạc, quyết định chọn bộ SGK phù hợp với học sinh trường mình. Ảnh: Giang Huy. |
- Làm một bộ SGK rất tốn kém, Nhà nước có nên hỗ trợ các tổ chức, cá nhân làm SGK?
- Theo tôi, ta không nên quay lại cơ chế bao cấp nữa. Nhà nước chỉ nên cho vay, các tổ chức, cá nhân làm SGK sẽ lấy tiền bán sách hoàn trả lại khoản vay này trong thời hạn nhất định. Giả sử Bộ GD&ĐT vẫn trực tiếp biên soạn một bộ SGK thì cũng nên áp dụng cơ chế này.
(Tin tức mới: Khoá học Digital Marketing , khoá học Facebook Marketing )
Ta cũng phải hình dung trước là có những trường hợp sách được Bộ duyệt cho sử dụng nhưng không có trường nào hoặc có rất ít trường sử dụng thì người làm sách vẫn lỗ. Chính vì vậy, các nhà xuất bản phải cân nhắc thật kỹ, xem mình có đủ đội ngũ chuyên gia, biên tập viên để sản xuất những cuốn sách thật tốt, được người dùng sách hưởng ứng không.
- Vậy theo GS nên để ai là người lựa chọn bộ SGK giảng dạy cho học sinh?
- Thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK" là để huy động trí tuệ của xã hội, phát huy dân chủ trong giáo dục. Do đó, để chọn bộ SGK tốt thì không nên tập trung quyền lựa chọn vào 1-2 người. Kinh nghiệm cho thấy việc tập trung quyền lực vào một vài cá nhân rất dễ bị lạm dụng, không phục vụ mục đích chung. Theo tôi, nên để tổ chuyên môn của từng trường bàn bạc, quyết định chọn bộ SGK phù hợp với học sinh trường mình.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Hai phương án được đưa ra: Một là Bộ GD&ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Hai là các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định, cho phép sử dụng. |
Theo tác giả Quỳnh Trang, http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-bo-giao-duc-san-xuat-sach-giao-khoa-la-vo-ly-3083932.html