GS Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên phải) và GS Robert Zimmer (giữa) -
hiệu trưởng ĐH Chicago, Mỹ trong buổi giao lưu với học sinh, sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM.
hiệu trưởng ĐH Chicago, Mỹ trong buổi giao lưu với học sinh, sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM.
Trước sự nồng nhiệt của các bạn trẻ, GS Châu cho biết rất bất ngờ và xúc động trước tình cảm đó. Và chính từ những câu chuyện của mình trong buổi giao lưu, giáo sư Châu đã “tiếp lửa” cho các bạn trẻ về kinh nghiệm, sự động viên và hướng xác định rõ con đường và mục tiêu phấn đấu.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với các bạn rằng nếu không có ước mơ thì không bao giờ đạt được điều gì cả. “Khi tôi bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình thì ước mơ đầu tiên của tôi là giải được Bổ đề cơ bản Langlands. Đấy là vấn đề rất khó và có thể không thực hiện được nhưng nếu không ước mơ thì không bao giờ đạt được điều gì”, GS Châu cho biết.
Tuy nhiên, GS cũng bộc bạch ước mơ đơn giản của mình hiện tại là vẫn tiếp tục làm toán như một nhà toán học bình thường và có thể dạy toán cho nhiều người. Còn riêng trong cuộc sống thì làm sao đào tạo cho bản thân mình là một con người tử tế.
Hội trường tổ chức buổi giao lưu đông nghịt sinh viên
và các bạn xếp hàng thay phiên nhau đặt câu hỏi cho vị giáo sư trẻ nổi tiếng.
và các bạn xếp hàng thay phiên nhau đặt câu hỏi cho vị giáo sư trẻ nổi tiếng.
Tiếp đó, GS cũng chia sẻ với bạn Hồ Quang Minh Phúc (sinh viên khoa Y) và các bạn trẻ rằng trong sự nghiệp và cuộc sống có nhiều khó khăn khác nhau và quan trọng cố gắng đương đầu với nó. Ông kể rằng đã từng gặp khó khăn khi tưởng chừng không vượt qua được khi làm luận án tiến sĩ ở Pháp.
GS Châu thổ lộ: “Thường thì người ta làm từ 3-4 năm là hoàn thành nhưng tôi làm đến năm thứ 3 rồi mà vẫn chưa có một kết quả nào cả và nhiều khả năng không hoàn thành được luận án tiến sĩ. Nhưng sau một thời gian dài cố gắng thì ý tưởng đến và chỉ mất vài ngày là ý tưởng được giải quyết. Hơn thế nữa đó còn là khởi đầu cho công trình giải quyết Bổ đề cơ bản sau này”.
Trước thực trạng ít học sinh chuyên toán tiếp tục theo nghiên cứu khoa học, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: đó không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà ở Pháp, Đức, Mỹ… cũng có những chuyện như thế. Việc hầu hết bạn trẻ hiện giờ quan tâm đến những ngành về công nghệ và kinh tế nhiều hơn khoa học cơ bản là một thực tế. Nhưng ông tin vẫn còn những bạn quan tâm và đam mê với các ngành khoa học cơ bản. GS cũng cho rằng đừng ép các bạn trẻ theo khoa học cơ bản vì như thế chưa hẳn là thành công.
Còn trước câu hỏi của học sinh Nguyễn Mai Ngọc (trường Phổ thông năng khiếu) về phong cách học toán nào tốt nhất cho học sinh phổ thông. GS Châu cho rằng đó là vấn đề về lâu dài của những người làm giáo dục tính toán phải suy nghĩ. Bên cạnh đào tạo hướng dẫn học sinh có những kỹ năng làm bài tập nhanh, giải được những bài toán hóc búa nhưng cũng giúp các em hiểu rộng hơn về toán học hiện đại và dần dần cảm nhận được cái đẹp của nó.
Tuy vậy, ông cũng nhìn nhận rằng rất khó để chia sẻ với công chúng thấy được vẻ đẹp của toán học. Đó chính là điều mà ông và các nhà toán học vẫn đang băn khoăn.
GS Ngô Bảo Châu cho biết gia đình là chỗ dựa tốt để ông nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh những câu hỏi liên quan đến ngành toán và kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, GS Ngô Bảo Châu cũng thẳng thắng chia sẻ những vấn đề của gia đình. Ông cho rằng việc mình lập gia đình sớm không cản trở mà còn là chỗ dựa tốt để ông nghiên cứu khoa học.
Trước câu hỏi "Làm thế nào để vẫn cân bằng được việc chăm sóc gia đình và nghiên cứu?", GS Châu cũng thừa nhận mỗi người không phải lúc nào cũng làm tốt mọi việc cả. Với vai trò người bố, GS vẫn dành thời gian chơi, đọc sách, ở bên cạnh nói chuyện với các con… Ông cho biết chỉ bắt đầu làm toán khi mà các con đã đi ngủ. “Tuy nhiên nhiều khi đang chơi với con nhưng trong đầu vẫn tính toán”, GS Châu thừa nhận.
Hàng chục câu hỏi được đặt ra nhưng dường như vẫn chưa thỏa được sự quan tâm của các bạn sinh viên. Thời gian có hạn, nên nhiều bạn tiếc nối chưa kịp đặt câu hỏi và thay vào đó các bạn đều hi vọng rằng “GS Châu sẽ về giảng dạy cho sinh viên Việt Nam”.
ĐH Quốc gia TPHCM trao tặng bức tranh lưu niệm cho GS Ngô Bảo Châu.
Đặc biệt, góp mặt trong buổi giao lưu với GS Ngô Bảo Châu còn có sự hiện diện của GS Robert Zimmer, hiệu trưởng Trường ĐH Chicago, Mỹ. Ông Robert Zimmer cũng đã chia sẻ với các sinh viên Việt Nam về cơ hội học tập ở trường mình. Cũng trong chiều qua, ĐH Chicago đã ký hợp tác với ĐH Quốc gia TPHCM nhiều nội dung về nghiên cứu khoa học.
kenhtuyensinh (nguồn dantri)