Tại huyện Củ Chi, TP.HCM gần 2 năm nay có một lớp học đặc biệt dành cho trẻ là nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật.
Đến với lớp học miễn phí này, các em không chỉ được tiếp cận mặt chữ, con số, học cách giao tiếp, ứng xử mà còn được tham gia vật lý trị liệu để khỏe mạnh, cứng cáp hơn.
Không như lớp học bình thường khác, mỗi buổi học tại đây, các em đều có cha mẹ, ông bà đồng hành. Nhờ sự thương yêu, chăm sóc ấy, những đứa trẻ "khờ khạo", sợ hãi nhiều thứ nay đã biết đọc, biết viết, biết tạo bầu không khí vui tươi.
Những phép cộng trừ chỉ xoay quanh mấy đầu ngón tay, những nét chữ còn nguệch ngoạc trên chiếc bảng con, những câu chào hỏi thiếu đầu, thiếu cuối… Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ tạo nên nụ cười trên gương mặt các học trò trong lớp học đặc biệt này.
18 tuổi, nhỏ thó, đen đúa, chân teo, não bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, cuộc sống của Nguyễn Hồ Anh Thư trước đây chỉ quẩn quanh trong căn nhà trống trải.
Gần 2 năm nay, đều đặn vào mỗi cuối tuần, Thư được mẹ đưa đến lớp học xóa mù chữ của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Củ Chi để tập vật lý trị liệu và học chữ với các cô.
Từ một cô bé nhút nhát, hay cáu gắt, nay Thư đã vui vẻ, hòa nhập với mọi người. Không những vậy, Thư còn là một trong số những học trò tiếp thu nhanh của lớp.
Mới ngày nào còn xa lạ với con chữ, phép toán mà giờ em đã biết ghép vần, tính nhẩm và đặc biệt là vẽ rất đẹp.
Bữa nào mẹ bận việc, chở đi học trễ, Thư giận không nói chuyện cả buổi trời. Cũng như các bạn nhỏ kém may mắn đang theo học tại đây, ước mơ lớn nhất của Thư chỉ đơn giản là biết đọc, biết viết.
Nguyễn Hồ Anh Thư nói: “Học ở đây con thấy rất vui vì có nhiều bạn. Con muốn được đi học hàng ngày để cho mau biết chữ. Ước mơ của con là học giỏi.”.
Đồng cảm với những thiệt thòi mà học trò đang gánh chịu, hai cô giáo trẻ của lớp đang ngày ngày nỗ lực vun vén cho ước mơ của các em thành hiện thực.
Lớp ngót nghét 30 trò, nhỏ nhất thì chưa tới 4 tuổi nhưng lớn nhất đã ngoài 30. Hai cô giáo chỉ 26 tuổi nên với trò này xưng cô, trò kia xưng bạn, gọi anh là chuyện bình thường.
Tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng lại chọn công việc của một nhân viên văn phòng, vậy mà không hiểu sao chỉ một lần theo mẹ đến thăm các bạn nơi đây, cô Trang Thị Hồng Vân quyết định gắn bó với lớp học này.
“Khi nhận lời dạy ở lớp học này mình suy nghĩ rất nhiều tại vì cả tuần đi dạy trên thành phố ngày nghỉ về đây đi dạy rất mệt. Nhưng ngay ngày đầu tiên đến gặp các em, tự dưng bản thân thấy cần cố gắng và nỗ lực hơn. Mình đi lại dễ, mấy em đi lại khó khăn vậy mà còn đến lớp, điều đó khiến mình cảm thấy có động lực tiếp tục công việc này”, cô giáo Vân tâm sự.
Còn cô Lê Thị Nguyệt là giáo viên đang công tác tại Trường Nuôi dạy Trẻ em Khuyết tật huyện Củ Chi nên đến với lớp học cô càng hiểu hơn sự vất vả, cố gắng của các bạn nhỏ.
Không chỉ dành trọn thời gian nghỉ ngơi cuối tuần cho học trò, cô còn đi nhiều nơi tìm kiếm các nguồn hỗ trợ với mong muốn có thể duy trì và mở rộng lớp học ý nghĩa này.
Theo nữ giáo viên trẻ, chỉ cần được cộng đồng quan tâm, giúp sức nhiều hơn, chắc chắn sức khỏe và trí tuệ của các bạn nhỏ không may mắn này sẽ ngày càng tiến triển.
Cô giáo Lê Thị Nguyệt chia sẻ: “Tôi luôn kể về các em để mọi người nghe và thấu hiểu, từ đó sẽ thương và quan tâm đến các em nhiều hơn. Theo tôi, những quan tâm của gia đình dành cho các em là chưa đủ. Do đó tôi muốn giới thiệu lớp học này đến nhiều người trong xã hội”.
Không chỉ đa dạng độ tuổi mà loại hình và mức độ khuyết tật của các học sinh tham gia lớp học này cũng khác nhau. Có bạn bị câm điếc bẩm sinh, bạn bị down, thiểu năng trí tuệ, bạn bị tâm thần, bạn bị bại não, teo cơ…
Khó khăn lớn nhất vẫn là lớp quá thiếu thốn dụng cụ hỗ trợ dạy học. Cô hay trò thì cũng chỉ có một cái bảng và vài viên phấn để cùng nhau học toán, học chữ. Giờ giải lao, mỗi bạn nhỏ được phát cái bánh mì ngọt, phần quà của một phụ huynh xin được từ mạnh thường quân. Chỉ vậy thôi mà cô trò hăng say lắm, có hôm học đến quá trưa.
Đặt tại Trung tâm Y tế xã Tân Thạnh Tây, lớp học xóa mù chữ của Hội Nạn nhân Chất độc da cam huyện Củ Chi hoạt động dựa trên nguồn kinh phí vận động từ các tổ chức xã hội nên có rất nhiều khó khăn.
Bà Phạm Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam huyện Củ Chi cho biết: “Hội chúng tôi quyết tâm sẽ thực hiện đến cùng lớp học này nhằm giúp cho các em phát triển trí não, biết ngôn ngữ, cách tiếp xúc. Thứ Bảy, Chủ Nhật nào chúng tôi cũng ráng sắp xếp đến với các em, những đứa trẻ không may mắn.”.
Đồng hành cùng những học trò da cam trên con đường nuôi dưỡng ước mơ, biết là sẽ chật vật, khó khăn và nhiều khi mỏi mệt nhưng những giáo viên ở lớp học này vẫn quyết tâm đi đoạn đường dài vì hơn ai hết, các cô biết, mỗi đứa trẻ nơi đây cần lắm sự sẻ chia./.
Theo VOV