Nhận định của giáo viên về đề thi tốt nghiệp Hóa học năm 2015

Xem đáp án đề thi tốt nghiệp môn Hóa 2015

  • Thầy Nguyễn Thành Sơn - Tổ trưởng tổ Hóa Trường THPT Anhxtanh Hà Nội: Điểm 10 sẽ khó khăn

Đề thi có 60% câu hỏi lý thuyết 40% bài tập tính toán. Phần Hóa đại cương - vô cơ lớp 10 có 5 câu, phần hữu cơ lớp 11 có 10 câu, phần Hóa vô cơ lớp 12 có 20 câu phần hữu cơ lớp 12 có 15 câu. Như vậy, 30% các câu hỏi thuộc chương trình lớp 10, 11 và 65% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12.

30 câu đầu (chiếm 60%) rất dễ, chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, nhìn qua có thể  làm được ngay nên học sinh trung bình dễ dàng đạt 5 - 6 điểm.

Các câu hỏi còn lại có mức độ khó tăng dần đáp ứng được yêu cầu phân hóa cho mục đích tuyển sinh đại học, trong đó có 5 câu (chiếm 10%) câu hỏi thực sự khó khiến học sinh mất nhiều thời gian để tìm được hướng giải. Với đề thi này, học sinh khá có thể được 8, 9 điểm. Điểm 10 sẽ khó khăn.

Đề thi có 1 câu hỏi yêu cầu kiến thức về thực hành và đây là nội dung cần thiết với môn khoa học thực nghiệm như Hóa học.

So với đề minh họa thì các câu cơ bản dễ hơn. Phần bài tập có độ khó tương đương. Đề thi đáp ứng được hai yêu cầu tốt nghiệp và xét tuyển đại học. (Hiếu Nguyễn ghi)

Giáo viên nói gì về đề thi tốt nghiệp Hóa học 2015

  • Cô Vũ Thị Cẩm Len – Giáo viên trường THPT Bắc Kiến Xương (huyện Kiến Xương – tỉnh Thái Bình): Đề thi chính thức "dễ thở" hơn đề thi minh họa

Đánh giá đầu tiên khi tiếp cận đề thi là cấu trúc đề hợp lý giữa phần câu hỏi lý thuyết và thực hành.  Đề thi có tính phân hóa rất tốt, giúp các trường đại học, cao đẳng yên tâm khi chọn thí sinh.

Đề thi có 27 câu hỏi giúp thí sinh dễ kiếm điểm. Những thí sinh xét tốt nghiệp có thể dễ dàng đạt 5 – 6 điểm.

13 câu tiếp theo với độ khó cao hơn, học sinh khá sẽ đủ khả năng hoàn thành và có thể đạt đến điểm 7 - 8.

Tuy nhiên, trong đề cũng có 10 câu hỏi tương đối khó, trong đó có 5 câu có thể đánh giá là rất khó đối với học sinh.

Đề thi năm nay cũng quan tâm nhiều hơn đến dạng bài tập thực hành, nếu có phần liên hệ, ứng dụng thực tế - mảng khá quan trọng đối với môn Hóa học - thì sẽ thú vị hơn.

Bên cạnh phần câu hỏi để học sinh có thể đủ điều kiện tốt nghiệp, những câu hỏi phân hóa – câu hỏi khó, tôi đánh giá là khó hơn đề thi đại học năm 2014. Tuy nhiên, đề thi chính thức “dễ thở” hơn đề minh họa của Bộ GD&ĐT công bố trước đó.

Với đề thi năm nay, tôi dự đoán sẽ không nhiều thí sinh có thể đạt điểm 9. (Kim Thoa ghi)

  • Thạc sỹ Trần Mạnh Cường – Giáo viên Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội): Đề Hóa hay, hài hòa về kiến thức

Đề thi môn Hóa được ra rất cơ bản, không đánh đố học sinh. Đề không nằm ngoài kiến thức sách khoa và được phổ rộng kiến thức ở cả ba khối lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu.

Đề được ra theo cấu trúc từ dễ đến khó. Chẳng hạn như ở mã đề 748, khoảng 30 câu đầu, học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản là có thể làm được trọn vẹn. Những câu còn lại thì học sinh phải có học lực khá, giỏi mới có thể làm tốt được.

Với đề thi năm nay, tôi nghĩ điểm số sẽ được dao động từ 6 đến 7 là chủ yếu. Để đạt được 9 hoặc 10 điểm thì phải là những em có học lực giỏi và học sinh trường chuyên.

Đặc biệt, tôi rất thích đề thi năm đó là: Đề thi có 2 câu tích hợp kiến thức giữa 3 khối học. Điều này đòi hỏi các em phải hiểu rất sâu bài học và có kỹ năng tổng hợp, kỹ năng vận dụng kiến thức.

Ngoài ra, nét mới của đề thi năm nay đó là có những câu hỏi liên quan đến kiến thức thực tế và thực nghiệm, như ở câu 30 (mã đề 748) đòi hỏi thí sinh cần có một chút kiến thức thực tế thì sẽ đạt được số điểm tối đa. Cũng ở mã đề này, ở câu 34 đòi hỏi thí sinh cần có thêm kiến thức về thực nghiệm.

Nhìn một cách tổng quan, đề thi Hóa học năm nay khá hay, hài hòa về kiến thức và có sự phân hóa cao.

* Học sinh nhận xét đề thi tốt nghiệp môn Hóa năm 2015

* Kết thúc ngày thi thứ ba của kỳ thi THPT quốc gia với môn hóa, nhiều thí sinh nhận xét đề hóa năm nay vừa sức.

Thí sinh Lê Khải (học sinh Trường THPT Phước Long, quận 9, TP.HCM) cho biết: Đề thi năm nay vừa sức với em, có nhiều câu dễ lấy điểm để đủ điểm tốt nghiệp.
Thí sinh Ngô Tấn Tuyển (thi tại điểm thi Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ: Với đề hóa này 6 điểm em có thể đạt được. Chỉ có những câu phân loại thí sinh vào cao đẳng, đại học thì khó hơn. Em tự tin bài mình làm được 70%.
Thí sinh Huỳnh Ngọc Bảo nhận định: Trong khoảng 20 câu nâng cao, em chỉ tự tin 30-40% số câu trả lời. Nhưng em tự tin mình làm được 6-7 điểm, vì những câu đầu khá dễ. (Phan Giang - Hoài Nhơn, ghi)
Nhiều học sinh tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng đề hóa phù hợp với sức học của các em với khoảng 60% câu dễ và 40% câu khó.
Thí sinh Nguyễn Hoàng Duy (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho biết: “Em thấy có khoảng 30 câu dễ. Đề tập trung kiến thức lớp 12, em đoán mình được hơn 7 điểm”.
Thí sinh Nguyễn Thảo Vân Anh (học sinh Trường THPT Hùng Vương, Long An) nhận định: “Có hơn một nửa số câu dễ, em nghĩ học sinh trung bình cũng lấy được điểm 5. Môn hóa em chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp, em tin là mình đạt được khoảng 5, 6 điểm”. (Mỹ Quyên, ghi)
Bước ra từ hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thí sinh Phú Cường (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết đề hóa khá dễ đặc biệt là 30 câu đầu, chỉ cần nhìn vào có thể làm được. Thí sinh này cho biết có thể đạt được khoảng 5-6 điểm.
Thí sinh Thái Huỳnh Kim Bảo (học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) cũng khẳng định có thể đạt được 6-7 điểm bài thi môn hóa. (Hà Ánh, ghi)
Tại cụm thi số 26 do ĐH Huế chủ trì, nhiều thí sinh nhận xét đề thi môn hóa năm nay không khó để đạt điểm trung bình.
Thí sinh Nguyễn Thành Hưng (Thừa Thiên-Huế) thi tại hội đồng thi Trường THPT Hai Bà Trưng (TP.Huế) cho biết: “Trong 50 câu thì có khoảng 30 câu dễ, 10 câu khó và 10 câu rất khó. Với học sinh trung bình, em nghĩ đạt 5-6 điểm không khó”.
Tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm Huế (TP.Huế), thí sinh Trần Thị Kim Oanh (Quảng Trị) nhận xét: “Đề hóa có sự phân hóa mức độ khó, dễ rõ ràng. Những câu đầu rất dễ, học sinh trung bình có thể làm được và không khó để đạt 5 điểm. Mức độ khó tăng dần. Khoảng 10 câu cuối rất khó, đặc biệt là những câu về hữu cơ và vô cơ”. (Tuyết Khoa, ghi)

Theo

  • Giáo dục thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-vien-khen-de-thi-hoa-hoc-co-tinh-phan-loai-rat-cao-1083664-v.html
  • Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/nhan-xet-de-thi-mon-hoa-581124.html