Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh
Đề nghị giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cùng nhiều lãnh đạo trường ngoài công lập cho rằng, luật giáo dục đại học mới cần trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường, không nửa vời bằng cách phân quyền cho cấp thấp hơn.
Đa số đại biểu cho rằng dự thảo chưa thể hiện rõ tư tưởng chủ đạo, có kết cấu vụn vặt và được soạn thảo theo kiểu lắp ghép cơ học một số điều khoản, điều lệ, quyết định... Mặt khác, một số vấn đề rất cơ bản của luật giáo dục như quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, sở hữu nhà trường, chương trình khung... lại không được nhắc đến hoặc nói đến rất mờ nhạt.
Nên phân quyền cho cấp thấp hơn
Là người nhiều lần góp ý cho luật giáo dục hiện hành, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, khi luật mới ra đời, thi 3 chung cũng hoàn thành sứ mệnh. Việc giao quyền tự chủ cho các trường cần được làm triệt để, tránh tình trạng chỉ giao quyền trên danh nghĩa bằng cách phân quyền cho cấp thấp hơn (như Sở giáo dục).
Đồng tình với ý kiến trên, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Lê Khắc Đoá chia sẻ, việc giao quyền tự chủ không nên giao cho một người, tránh thế độc quyền mà nên giao cho ban lãnh đạo các trường cùng quyết định.
Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng cho rằng, soạn luật giáo dục rất khó vì kiến trúc, nền tảng và hệ thống từ lúc đầu đã không vững. Vấn đề ông quan tâm là lợi nhuận và phi lợi nhuận thì dự thảo luật đề cập rất mờ nhạt. "Chúng ta không thể quy tất cả trường tư là làm vì lợi nhuận hết. Ngược lại xã hội hóa cũng không thể bắt họ hoạt động theo quy chế phi lợi nhuận. Thế nên tốt nhất cần thể chế hóa vấn đề này theo những quy định chặt chẽ", Hiệu trưởng Tùng nói.
Duy trì 3 loại hình trường ĐH
Ông phân tích, thực tế đã có loại hình trường dân lập từ năm 2005, theo dự thảo luật mới thì có đại học tư thục và các đại học công. Vậy thì có thể duy trì cả ba loại hình đại học này. Dân lập tạm gọi là các trường hoạt động ngoài công lập, trường tư hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận và trường công hoạt động theo cơ chế tổ chức sự nghiệp có thu. Sự rõ ràng giữa các loại trường sẽ tạo điều kiện cho các nhà hảo tâm tài trợ.
Một vấn đề mà Hiệu trưởng ĐH FPT quan tâm là đào tạo nghề. Theo ông, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp đều là đào tạo sau phổ thông, và đào tạo nhân lực để phát triển kinh tế xã hội. Ông gợi ý, nhân cơ hội thay đổi luật giáo dục đại học lần này, cần tái cơ cấu hệ thống giáo dục giống nước ngoài với hệ 10 năm và 10+2 (2 năm dự bị đại học). Khi đấy, sau 10 năm học phổ thông, học sinh có thể học lên cao đẳng luôn, ai muốn học đại học thì cần thêm 2 năm học dự bị. Ông chia sẻ nên bỏ hệ trung cấp, những thí sinh học xong cao đẳng nếu muốn có thể học lên đại học.
"Hiện nay chúng ta đang loạn các bậc học như trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, đại học, do vậy khi sửa đổi rất khó, nên chăng cũng dịp này tái tổ chức lại và phân luồng hệ thống phổ thông luôn", Hiệu trưởng Tùng kiến nghị.
Bà Trần Thị Thu Hà, Hiệu phó ĐH Hòa Bình góp ý, luật giáo dục cần quy định duy trì một hệ thống giáo dục là đại học thay vì cả học viện như hiện nay. Việc phân biệt ba loại trường là công, tư, có vốn đầu tư nước ngoài nhưng mô hình quản lý tài chính chỉ có một là bất hợp lý. "Đã chia ra ba loại trường thì cần ba mô hình quản lý tài chính", bà nói.
Kênh Tuyển Sinh (VNE)