TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - THÔNG TIN TUYỂN SINH - BÁO GIÁO DỤC

Con đường để giáo dục ĐH hội nhập quốc tế

Tăng cường quyền tự chủ của các trường ĐH công lập, xác định lại mô hình ĐH lợi nhuận và phi lợi nhuận là những yêu cầu để giáo dục ĐH hội nhập tốt hơn.

Sáng 9-11, ĐHQG TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập quốc tế”. Các chuyên giáo dục đầu ngành của ĐH Việt Nam và quốc tế đã chỉ ra những điểm yếu, những chỗ chưa rõ ràng trong quản lý và vai trò điều hành của Nhà nước để giáo dục ĐH Việt Nam phát triển và hội nhập đúng xu thế.

“Lợi nhuận”-“phi lợi nhuận” chưa minh bạch

GS-TS Martin Hayden (ĐH Southen Cross, Úc) nhìn nhận: Các trường đại học tư ở Việt Nam thực chất là sản phẩm của các tổ chức kinh doanh được quản trị bằng một tổ chức do các cổ đông bầu ra và có thể bổ nhiệm hiệu trưởng. Họ chủ yếu hoạt động vì lợi nhuận, mặc dù theo định hướng của Nhà nước là không vì lợi nhuận. Những văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề này không rõ ràng. Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ định nghĩa các cơ sở giáo dục ĐH phi lợi nhuận là những trường mà “lợi nhuận được sử dụng hầu hết cho đầu tư phát triển” nhưng lại không nêu cơ sở rõ ràng để phân biệt các trường “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”.

TS Hồ Vũ Khuê Ngọc (Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế học ĐH Đà Nẵng) nói: “Ở Việt Nam, khái niệm và thực tế “thương mại hóa giáo dục ĐH” là không phù hợp với nhau. Luật Giáo dục khẳng định “không cho phép bất kỳ hình thức thương mại hóa giáo dục nào”. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cho phép lập trường đại học tư, những trung tâm giáo dục mà sự quan tâm về chất lượng giáo dục hầu như rất mờ nhạt.

Theo TS Khuê Ngọc, ở các nước Nhật, Singapore, Malaysia, Thái Lan… sự ra đời của các trường ĐH tư nhằm làm giảm bớt sự áp đặt của Nhà nước lên hệ thống giáo dục ĐH. Mục tiêu của ĐH tư rất đa dạng bao gồm việc cung cấp những khóa học có chi phí cao, chất lượng tốt cho tầng lớp các gia đình có thu nhập cao. Một mặt, nhà trường tổ chức tuyển sinh các khóa đào tạo có chi phí vừa phải cho những học sinh không trúng tuyển vào các trường ĐH công lập.


Đã có một thời gian, nhiều tổ chức giáo dục tư nhân ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập tăng nhanh về số lượng của công chúng. Và hệ thống giáo dục Việt Nam mong đợi sự ra đời của các trường ĐH tư thục để lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, nhiều trường ĐH tư bị xã hội quay lưng. Nguyên nhân là người dân có thành kiến và thực tế phổ biến là trường tư có chất lượng đào tạo thấp và học phí cao.

Vì vậy, theo các đại biểu, tăng cường hơn nữa vai trò tự chủ của các trường ĐH công lập, xác định lại mô hình ĐH lợi nhuận và phi lợi nhuận là một trong những yêu cầu để giáo dục ĐH hội nhập tốt hơn.

Tiếng Anh, rào cản lớn

PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, Trưởng đại diện Trường CĐ Anh ngữ, Quản trị công nghệ (UPC Sydney, Úc) tại Việt Nam, đánh giá: Có lẽ phần lớn lãnh đạo các trường ĐH không giao tiếp được bằng tiếng Anh mà thông qua người phiên dịch nhưng chưa chắc người phiên dịch là cầu nối tốt giữa lãnh đạo trường và đối tác. Việt Nam đã hội nhập về mặt kinh tế hơn 20 năm, nghĩa là một thế hệ. Nhưng một thế hệ lãnh đạo nhà trường thông thạo tiếng Anh vẫn chưa được hình thành.

TS Hồ Bá Thâm (Trưởng ban Triết học và Khoa học chính trị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng sự yếu kém về khả năng tiếng Anh của sinh viên trong trường ĐH hiện nay là một rào cản lớn trong xu hướng hội nhập quốc tế. Các trường từng bước thực hiện giảng dạy bằng tiếng Anh ở một số môn học. Đó là con đường hội nhập thuận lợi nhất, không những cho lực lượng lao động chất lượng cao mà nhất là nhà khoa học, trí thức, chuyên gia cho tương lai.

Singapore đổi mới giáo dục ĐH như thế nào?

Singapore xác định đổi mới giáo dục ĐH là tất yếu, là nhu cầu tự thân để phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những giải pháp khuyến khích đổi mới chính là Nhà nước phải luôn đặt hàng đối với các trường ĐH những yêu cầu mới về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và các dịch vụ xã hội theo nguyên tắc: Nếu trường đổi mới được, Nhà nước sẽ trả chi phí đủ cho các trường thực hiện, thông qua những chương trình, dự án đầu tư cho những công trình, đề tài, nghiên cứu mới.

Các nhà quản lý giáo dục ĐH Singapore cho rằng phải chọn từng thời điểm để đổi mới, để đột phá, để đổi mới từ đầu đến đũa. Từ điểm đột phá trở thành ngọn đuốc lan tỏa tới cả hệ thống. Khi đầu tư cho đổi mới giáo dục ĐH đòi hỏi chống tư tưởng bình quân. Đó là lựa chọn cực kỳ khắc nghiệt đối với người lãnh đạo. Khi đầu tư hàng trăm triệu USD cho một trường nào đó, đòi hỏi người quản lý phải có bản lĩnh ghê gớm để ra quyết định, đương đầu với sự phản đối. Chính phủ Singapore đã tập trung đầu tư, nâng từng trường ĐH lên đạt chuẩn quốc tế với mục tiêu đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển từng giai đoạn của đất nước.

PGS-TS PHẠM LAN HƯƠNG, giảng viên bộ môn Giáo dục so sánh ĐH KHXH&NV TP.HCM

Những tin tức được quan tâm nhiều nhất:

Du học anh, Du học Mỹ, tuyển sinh, tuyển sinh 2013, trường quốc tế, cao đẳng quốc tế, điểm thi đại học 2013, diem thi dai hoc, tieng anh, học tiếng anh

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Phapluattp)