14 năm dạy học, 6 lần trượt công chức
Chị Dương Thị Chi, 14 năm làm giáo viên hợp đồng trường tiểu học Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) đã 6 lần đi thi tuyển công chức một cách "công khai, minh bạch" nhưng đều… trượt!
Là giáo viên tiểu học nhưng chị Chi tiếp tôi bằng bộ quần áo công nhân, chân đi dép tổ ong, đầu chít khăn vuông. Trên chán chị vẫn còn lấm tấm những giọt mồ hồi của một buổi sáng làm việc vất vả.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Xuân Mai năm 1998, chị về dạy hợp đồng tại trường Tiểu học Trường Yên với hy vọng sau này sẽ tìm cho mình chỗ làm ổn định. Những mãi cũng chỉ ở dạng giáo viên hợp đồng lương “ba cọc ba đồng” mà lại không được hưởng chế độ ưu đãi gì của Nhà nước.
14 năm đi dạy, chị đã có tổng cộng 6 lần thi công chức (2 lần nộp hồ sơ xét duyệt, 4 lần thi) tại Hà Tây (cũ) nhưng…trượt cả sáu!
Đôi mắt chị Dương Thị Chi ngấn lệ khi kể về những lần đi thi tuyển công chức giáo viên của mình.
“Mỗi lần chị đều cố gắng làm bài hết sức. Phần thi thực hành đứng trên bục giảng, bên dưới thay các em học sinh như mọi ngày bằng các thầy giám thị. Chị giảng cũng chẳng đến nỗi nào nhưng trượt vẫn hoàn trượt em ạ”, chị Chi chua chát nói.
Chị bảo, chị cũng từng tự tin lắm. Kinh nghiệm 14 năm đứng lớp những kiến thức của bậc Tiểu học khiến chị chỉ nhắm mắt cũng hình dung ra bài giảng. Đứng lớp đã lâu, khả năng sư phạm chắc không đến nỗi kém, vậy mà thi lần nào chị cũng trượt.
Chị nhớ lần đầu tiên mình thi công chức vào năm 1999, chị thi công chức tại Hà Đông. Có tất cả hơn 4000 thí sinh dự thi mà chỉ tiêu lấy có 72, chị không được. Lần gần đây nhất chị thi là vào năm 2007 tại Chương Mỹ, có 28 suất mà có tới gần 500 bộ hồ sơ nộp vào.
Có lần chị mang hồ sơ thi tuyển công chức đến nộp, người thu còn khuyên chị: “Mang về đi, có nhiều hồ sơ thế này làm sao mà xét duyệt hết được”.
Mấy năm đầu ra trường, thấy mình mãi vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng, chị cũng lo lắm, nhưng rồi thấy nhiều người cũng như mình, thấy việc thi công chức khó khăn quá chị cũng đành tặc lưỡi “Chậc kệ! Cứ bám trụ đến đâu thì đến”.
Nhiều người cũng hỏi chị, sao không “chạy” để được vào biên chế? Rồi họ mách giá, năm 2000 là 40 triệu, năm 2004 là 60 triệu và đến năm ngoái thì đã tới tận 120 triệu.
Chị bảo, không biết thực hư sao, mà đằng nào nhà chị cũng chẳng có tiền mà "chạy". Hai vợ chồng chị ngoài nuôi 2 đứa con nhỏ còn phải chăm thêm bố mẹ già năm nay đã ngoài 80 tuổi. Hàng ngày, ngoài những buổi lên lớp chị còn phải xin đi làm công nhân cho một nhà máy gang thép gần nhà để kiếm thêm thu nhập.
Về nhà lại chăn nuôi thêm con lợn, con gà, chồng từng luống rau để tiết kiệm chi tiêu. Thế mà hàng tháng tổng thu nhập của chị cũng chỉ vỏn vẹn gần 2 triệu đồng.
"Thi công chức khó hơn... lên trời"
Chị Chi bảo, phận giáo viên hợp đồng trước đây chỉ được ký vài tháng một lần, mấy năm gần đây ký hợp đồng 1 năm/ lần. Lương chỉ được hơn 1 triệu/ tháng nhưng khối lượng công việc cũng “ngang ngửa” với giáo viên đã được biên chế.
Ban ngày chị đi làm ở công ty gang thép, chiều đi dạy, tối về chăm sóc đàn lợn đàn gà. Sau đó, chị lại phải ngồi soạn giáo án, nghĩ ra nhiều phương pháp giảng hay để học sinh dễ hiểu bài nhất.
Chị Chi bảo: “Cũng muốn được vào biên chế cho ổn định, được hưởng đầy đủ quyền lợi nhưng thi công chức giáo viên khó hơn…lên trời! Phận giáo viên hợp đồng ngám ngẩm lắm. Bỏ thì thương vương thì tội, đã mất công ăn học mà mình không làm đúng nghề thì phí lắm. Mà bám trụ theo nó thì chẳng biết bao giờ mới được vào biên chế…”.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2013. Theo đó, Thành phố giao Sở Nội vụ xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố” trong quý II-2013.
Liên quan nội dung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố cũng chỉ đạo Sở Nội vụ thực hiện hàng loạt đề án như “Thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh” áp dụng thống nhất từ năm 2013 trở đi; “Nghiên cứu xây dựng một số khung năng lực đối với chức danh lãnh đạo, quản lý (từ cấp phòng trở xuống) tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kênh Tuyển Sinh
Theo: Báo Phụ Nữ