Giải pháp nào cho tuyển sinh Đại học?

Phương án thi mới khiến các trường Đại học, Cao đẳng khó phân loại thí sinh

Năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương chính thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh Đại học với phương thức 3 chung.

Cụ thể, hầu hết tất cả các trường Đại học trong cả nước sẽ thi tuyển sinh trên cơ sở chung một đề thi, chung một đợt thi và thí sinh sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển vào Đại học.

Cho tới năm 2015, phương thức 3 chung vẫn được áp dụng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thêm chủ trương thi theo cách thức 2 trong 1. Theo đó, hai kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học được nhập chung làm một.

Với phương thức và cách thức này được xem là khá tích cực trong việc giảm áp lực thi cử, đơn giản và đỡ tốn kém cho xã hội.

Theo phương thức và cách thức đó, đề thi phải có tính phân hóa và phân loại thí sinh theo hai yêu cầu, đó là vừa kiểm tra kiến thức của thí sinh thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và vừa để đánh giá được khả năng của những thí sinh thi vào Đại học.

Việc tổ chức chung một kỳ thi tuyển sinh cho các trường Đại học nhằm giảm áp lực đối với thí sinh nhưng đặt ra vấn đề chuyên môn chất lượng đầu vào cho các trường Đại học; bởi lẽ, yêu cầu tuyển sinh đối với từng khối thi, ngành học và trường thi là khác nhau.

Theo phương án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mùa thi năm 2017 có cách thức thi tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

Với chủ trương này được xem là khá tích cực trong việc bảo đảm kiến thức toàn diện đối với thí sinh, tuy nhiên, với cách thức này đặt ra yêu cầu về tuyển sinh đối với các trường Đại học.

Trên thực tế, việc thi tổ hợp các môn học với 20 câu hỏi cho mỗi môn trong một đề thi gồm khoảng 60 câu sẽ khó đánh giá được năng lực của thí sinh cho việc xét tuyển Đại học, bởi mỗi một khối thi và trường thi có sự đòi hỏi khác nhau.

Trước đây theo truyền thống, các trường Đại học tuyển sinh theo các khối thi có sự phân chia các môn thi tương đối rõ ràng, cụ thể có bốn khối thi cơ bản phổ biến là A, B, C, và D.

Nay thi theo hình thức tổ hợp, yêu cầu về tính chuyên sâu đối với từng môn đã giảm bớt, như thế sẽ ảnh hưởng tới chuyên môn và chất lượng đầu vào của các trường Đại học.

Điều đó có nghĩa là đặt ra vấn đề các trường Đại học phải có phương án riêng cho mình, nếu như thế thì thực chất chúng ta sẽ quay về lối cũ là các trường tự tổ chức tuyển sinh cho trường mình như những năm trước đây.

Vậy giải pháp nào là hợp lý nhất cho các trường trong khâu tuyển sinh Đại học?

Trên thực tế các trường Đại học vẫn còn đang lúng túng và hoang mang trong khâu tuyển chọn.

Vì thế, bài viết này xin được đóng góp một số ý kiến để các trường tham khảo khi xây dựng phương án tuyển sinh cho trường mình.

Góp ý xây dựng phương án tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng

Theo phương án  xét tuyển, thi và tuyển sinh năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, việc tổ chức tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy gồm 4 phương thức tuyển sinh:

1) Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

2) Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.

3) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông.

4) Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.

Với bốn phương án này thì cũng có nghĩa là các trường Đại học và Cao đẳng phải chủ động nhiều trong khâu tuyển sinh của trường mình.

Khi đó, phương án tuyển sinh riêng đối với các trường Đại học phải đảm bảo được hai yêu cầu:

Một là, không tốn kém cho xã hội và đánh giá đúng năng lực của thí sinh theo yêu cầu của từng trường và từng ngành.

Hai là, phương án tuyển sinh phải gắn với thực tế không làm phát sinh tình trạng luyện thi tràn lan.

Với những yêu cầu này thì theo tôi, cách thức thi như của Đại học Quốc gia Hà Nội là phù hợp hơn cả.

Theo đó, thí sinh phải làm bài thi đánh giá tổng hợp năng lực trên cơ sở các câu hỏi trắc nghiệm khách quan và làm bài trên máy tính. Tuy nhiên, nếu các trường thực hiện theo phương án này thì phải có sự chuẩn bị thật tốt về ngân hàng câu hỏi cũng như trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Trên thực tế sẽ có ít trường có đủ điều kiện và khả năng để thực hiện điều này.

Khi các trường chưa đủ điều kiện để tổ chức thi như Đại học Quốc gia Hà Nội thì trong bốn phương án nói trên, phương án 2 là hay hơn cả.

Theo đó, các trường Đại học xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông của thí sinh kết hợp với bài thi đánh giá năng lực và sự hiểu biết về ngành nghề mà thí sinh lựa chọn.

Theo truyền thống của nhiều năm tuyển sinh trước đây, đa phần các trường đều tổ chức thi các môn khoa học cơ bản, trừ một số trường về năng khiếu; vì thế, các trường nên đánh giá lại chất lượng của sinh viên đầu vào để từ đó có phương án thích hợp.

Ở đây cần xét đến hai tiêu chí:

Một là năng lực của thí sinh xét trên kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông và kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hai là năng lực chuyên biệt của thí sinh dựa trên sự hiểu biết về ngành nghề đã chọn.

Khi đó, việc xét tuyển sẽ dựa trên ba tiêu chí:

Một là kết quả thi của kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Hai là kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông.

Ba là một bài thi riêng đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.

Đối với kết quả thi của kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia được xét trên cơ sở điểm trung bình cộng của các môn thi để đánh giá kiến thức và năng lực toàn diện của thí sinh.

Đối với kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông cũng được tính trung bình cộng ở các môn học theo từng khối thi truyền thống.

Đối với bài thi riêng đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh được thi theo hình thức trắc nghiệm và tính điểm riêng.

Khi đó, điểm xét tuyển sẽ dựa trên tổng điểm của ba kết quả đó, được xét theo mô hình hình nón từ cao xuống thấp, theo chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường.

Để thuận tiện cho thí sinh và các trường trong khâu xét tuyển, kết quả học tập của thí sinh ở bậc Trung học Phổ thông sẽ được ghi trong bảng tổng kết các năm học của thí sinh trên cơ sở của học bạ có chữ ký xác nhận của giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông.

Với phương án đó các trường Đại học sẽ vất vả hơn trong khâu tuyển chọn nhưng đảm bảo được yêu cầu về chất lượng đầu vào.

Trên cơ sở phân tích trên, chúng tôi hy vọng rằng các trường sẽ có phương án thích hợp cho trường mình.

 

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giai-phap-nao-cho-tuyen-sinh-Dai-hoc-post171704.gd