Có những ngành luật nào hiện nay

Cơ hội việc làm ngành luật thương mại và luật quốc tế khác nhau như thế nào? (Trần Thị Thu Trang, THPT Sông Ray, Đồng Nai)?


- Th.S Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Hiện tại Đại học Luật TP.HCM đang đào tạo 3 ngành: Luật, Quản trị - Luật và Quản trị kinh doanh. Trong đó, ngành Luật được xác định là chủ đạo của trường, và từ năm 2012 nhà trường không còn phân chuyên ngành Thương mại hay Quốc tế như trước mà chỉ phân khoa để quản lý sinh viên (khoa Luật Thương mại, khoa Luật Quốc tế…).

Do đó, sinh viên ngành Luật khi tốt nghiệp ra trường đều được cấp bằng Cử nhân Luật (dù học khoa Luật Thương mại, Quốc tế hay Hình sự) và cơ hội việc làm như nhau. Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng nhân sự, có thể đơn vị tuyển dụng có yêu cầu hay ưu tiên sinh viên tốt nghiệp khoa này hay khoa khác tùy vào vị trí, yêu cầu mang tính chủ quan của nhà tuyển dụng nhưng điểm chung đều là tuyển những người có bằng cử nhân Luật.

Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Luật hiện tại rất lớn. Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có thể công tác tại các cơ quan như: Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; Hội đồng nhân dân, UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp; Công an, Thanh tra, Thi hành án; Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục Thuế, Hải quan, bộ phận pháp chế hoặc nhân sự trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước; làm luật sư tư vấn cho các công ty Luật, Văn phòng luật sư; hoặc làm công tác nghiên cứu trong các Viện Nghiên cứu về Nhà nước và pháp luật, Viện Kinh tế...

 

>> Điểm chuẩn Đại học Luật Tp.HCM

 

Hiện nay ngành Luật nào có nhu cầu việc làm nhiều nhất? Chỉ tiêu và điểm chuẩn ngành này các năm trước có cao không? (HS Bình Thuận).

- Th.S Lê Văn Hiển: Kể từ kỳ thi tuyển sinh năm 2012, nhà trường không còn phân chuyên ngành mà chỉ tuyển sinh theo ngành và khối thi.

Về nhu cầu việc làm, do không phân theo chuyên ngành trong quá trình tuyển sinh và đào tạo nên khi khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhà trường chỉ khảo sát tổng quan về nhu cầu của nhà tuyển dụng, về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ngành Luật, chứ không khảo sát về nhu cầu tuyển dụng riêng cho từng chuyên ngành (Thương mại, Dân sự, Quốc tế, Hành chính, Hình sự). Do vậy, sinh viên ngành Luật khi tốt nghiệp ra trường được cấp bằng Cử nhân Luật và hoàn toàn có cơ hội việc làm như nhau ở các lĩnh vực cũng như các vị trí tuyển dụng.

Về chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Luật học năm 2012 (để tham khảo) là 1.300 sinh viên. Điểm chuẩn trúng tuyển theo nguyện vọng 1 của ngành Luật năm 2012 là: Khối A và A1: 17,5 điểm, Khối D1 và D3: 18,0 điểm, Khối C: 19,0 điểm; Riêng lĩnh vực chuyên sâu Luật Thương mại có mức điểm chuẩn là: Khối A1: 19,0 điểm, Khối A: 19,5 điểm, Khối D1 và D3: 20,5 điểm, Khối C: 21,0 điểm.

 

Giải đáp thắc cho thí sinh chọn học Ngành luật - Luât kinh tế

Minh họa: Giải đáp thắc cho thí sinh chọn học Ngành luật - Luât kinh tế

 

Điều kiện và chỉ tiêu vào Đại học Luật là gì? (Đặng Thị Thảo, Xuân Lộc, Đồng Nai).



- Th.S Lê Văn Hiển: Do câu hỏi của em chưa được rõ ý (vào Đại học Luật mà không nói học ngành gì hay chỉ tiêu là chỉ tiêu của ngành nào), nên chúng tôi chỉ có thể trả lời trong phạm vi điều kiện và chỉ tiêu vào học tại Trường Đại học Luật TP.HCM.

Về điều kiện để được vào học tại Trường Đại học Luật TP.HCM, em phải trúng tuyển hoặc được xét tuyển, ưu tiên xét tuyển theo quy định. Cụ thể, phải đáp ứng điều kiện về đối tượng dự thi hoặc đối tượng được xét tuyển, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Nếu em tham dự kỳ thi tuyển sinh phải đáp ứng được điều kiện về điểm chuẩn trúng tuyển của ngành dự thi, còn nếu là đối tượng được xét tuyển (thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết của Chính phủ) hoặc ưu tiên xét tuyển (đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) thì phải đáp ứng đủ điều kiện theo hướng dẫn về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển vào đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 của Trường Đại học Luật TP.HCM: dự kiến 1.500 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Luật: 1.300 chỉ tiêu, ngành Quản trị - Luật: 100 chỉ tiêu và ngành Quản trị kinh doanh: 100 chỉ tiêu.

Thắc mắc về ngành luật Kinh tế

 

Cho em hỏi học ngành Luật Kinh tế ở ĐH Mở Hà Nội thi sau này sẽ như thế nào? Việc làm ra sao? ([email protected])

Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, ngoài việc trở thành luật sư (kinh tế, dân sự, tranh tụng trách nhiệm đối với sản phẩm…), những công việc tương đồng cũng có thể thích hợp với bạn như: Làm chủ doanh nghiệp; kinh doanh chứng khoán; cố vấn tài chính; thẩm định giá; giám đốc quản trị rủi ro; bảo hiểm; ngân hàng…

Theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nội dụng trọng yếu của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020: "Từ nay đến năm 2015, phát triển số lượng khoảng 12.000 luật sư, mỗi năm được từ 800 đến 1.000 luật sư, trong đó tại mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn phát triển được từ 2 đến 3 luật sư”.

Chiến lược đề ra mục tiêu là đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng từ 18.000 - 20.000 luật sư, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500 đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có từ 30-50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.

Như vậy, cơ hội việc làm của ngành Luật trong tương lai rất cao. Chúc bạn thành công.

Kenhtuyensinh

Theo: ban tư vần tuyển sinh