Bộ Giáo dục giải đáp thêm về đổi mới thi

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án một kỳ thi chung thực hiện từ năm 2015, nhiều vấn đề vẫn được tiếp tục mổ xẻ. Để người dân hiểu rõ hơn về kỳ thi, lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng tiếp tục giải đáp các thắc mắc.

Bộ đã chốt phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia chung với nhiều điểm mới trong khi chương trình giáo dục phổ thông vẫn như cũ. Điều này gây khó khăn gì cho thí sinh?

Những năm qua, việc đổi mới thi cử đã bắt đầu có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học dù chương trình giáo dục vẫn là chương trình hiện hành. Nhưng tác dụng đó vẫn còn hạn chế bởi các điều kiện dạy học chưa được cải thiện, đổi mới quản lý mới chỉ là bước đầu.Ở kỳ thi nào, đề thi cũng phải dựa trên khảo sát kết quả học tập của đại trà học sinh để đảm bảo yêu cầu phân hoá, đảm bảo học sinh nào giỏi thì làm bài tốt hơn, học yếu sẽ làm bài kém hơn. Vì vậy, học sinh nên tập trung nỗ lực học tốt, không quá lo lắng về chuyện thi cử thế nào.

Giải đáp những thắc mắc về kỳ thi chung quốc gia năm 2015

Giải đáp những thắc mắc về kỳ thi chung quốc gia năm 2015

Mặt khác, bằng việc đổi mới thi, kiểm tra để đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Tuy nội dung chương trình, sách giáo khoa chưa thay đổi nhưng vẫn có tác dụng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học để góp phần đạt mục tiêu nói trên.

Khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ được thực hiện như thế nào?

Các trường ĐH, CĐ có quyền tự chủ trong tuyển sinh. Khi tổ chức một kỳ thi quốc gia chung, các trường có thể lựa chọn: Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập tại THPT của thí sinh hoặc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng (không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia); kết hợp thi tuyển và xét tuyển (ví dụ các ngành năng khiếu).

Khi sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường tùy đặc thù của ngành đào tạo, có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực như sơ tuyển, kiểm tra năng khiếu, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ và các hình thức phù hợp khác. Để thực hiện các phương thức tuyển sinh trên, các trường cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các quy định tại quy chế tuyển sinh (công bố trước 1/1 hàng năm).

Như vậy, việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia vào tuyển sinh không làm mất đi quyền tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh sẽ tạo thuận lợi, giảm áp lực, khó khăn cho các nhà trường. Với việc tổ chức tốt kỳ thi, các trường ĐH, CĐ có thể tuyển được những thí sinh phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của trường mà không phải tốn kém, vất vả thêm.

Tại sao kết quả thi ở cụm địa phương không được xét tuyển vào đại học?

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi, bố trí coi thi, chấm thi theo các cụm thi tập trung do trường đại học có uy tín được Bộ Giáo dục giao nhiệm vụ chủ trì (tương tự như các cụm thi đại học năm 2014 nhưng tăng thêm số lượng các cụm thi để tạo thuận lợi cho thí sinh) với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.

Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, Bộ Giáo dục sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở Giáo dục chủ trì.

Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện đủ để được tuyển vào học được qui định tại Đề án tuyển sinh riêng của từng trường.

Hiện nay, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (nhất là kỳ thi năm 2014) nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn chưa thực sự tin cậy vào kết quả thi. Những thí sinh thi tại cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT. Cơ hội cho các em vào ĐH, CĐ rất hạn chế vì lúc này sẽ phụ thuộc vào đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ có chấp nhận xét tuyển hay không. Do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký. Những thí sinh thi ở cụm địa phương cũng còn 1 cơ hội dự thi vào những trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mà tổ chức tuyển sinh theo Đề án riêng của trường.

Để tổ chức một kỳ thi thực sự nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, Bộ đã có những phương án như thế nào trong các khâu ra đề, coi thi, chấm thi?

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Để đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy của kết quả thi sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường đại học chủ trì. Với các cụm thi tại địa phương, cùng với tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời phát huy vai trò giám sát của xã hội. Thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở Giáo dục như trước đây, sẽ tăng cường cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.

Bên cạnh đó, đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Hiện nay Bộ đã bước đầu xây dựng được ngân hàng đề thi, trong những năm tới ngân hàng đề sẽ được phát triển, hoàn thiện nhờ áp dụng các giải pháp hiện đại của khoa học đánh giá chất lượng giáo dục.

Bộ cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, xử lý kết quả thi và quản trị cơ sở dữ liệu của kỳ thi một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và an toàn. Phần mềm máy tính sẽ hỗ trợ công tác truy vấn kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp và nhất là hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Đặc biệt, Bộ sẽ cương quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi đối với cán bộ, giáo viên và thí sinh.

Việc tổ chức kỳ thi quốc gia có phát sinh tốn kém so với các kỳ thi hiện nay?

Trong kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả thi với 2 mục đích phải di chuyển đến các cụm thi như tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Tuy nhiên, so với chi phí cần cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ trước đây cùng với chi phí cho hàng triệu lượt dịch chuyển của thí sinh và người nhà mỗi mùa thi, thì tổng chi phí của kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm đi rất nhiều.

Đối với hầu hết thí sinh, từ năm 2014 trở về trước phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau, đặc biệt kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì các thí sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh, thành phố để dự thi. Năm nay, với việc chỉ tham dự 1 kỳ thi được tổ chức thành nhiều cụm thi sẽ giảm bớt nhiều chi phí cho thí sinh dự thi.

Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kỳ thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi TN THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ).

Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi.

Với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ chỉ phải xây dựng một bộ đề thi chứ không phải xây dựng nhiều bộ đề thi như trước đây (ít nhất là 4 bộ đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp và 3 đợt thi ĐH, CĐ) nên cũng sẽ giảm rất nhiều chi phí cho công tác này.

Tuy nhiên, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ có một số khó khăn. Thứ nhất, các trường ĐH, các sở Giáo dục chủ trì tổ chức cụm thi trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày đối với từng đợt thi từ năm 2014 trở về trước, nhưng xét về tổng thể so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc 3 đợt thi trước đây thì tổng thời gian tổ chức thi được rút ngắn.

Những cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước, nhưng cán bộ, giáo viên, giảng viên và các nhà trường sẽ nỗ lực cố gắng khắc phục những khó khăn này để dành phần thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình các em.

9 điểm mới trong kỳ thi quốc gia 2015:

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết điểm khác biệt của kỳ thi quốc gia năm 2015 là dữ liệu điểm thi sẽ công bố công khai trên mạng để thí sinh tra cứu, căn cứ vào kết quả thi sử dụng cho việc lựa chọn đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ. Đây cũng là cách để xã hội cùng tham gia giám sát, phát hiện những bất thường nếu có trong kết quả thi. Kỳ thi diễn ra vào ngày 9, 10, 11 và 12-6-2015

1. Từ năm 2015, tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

2. Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12-6.

3. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi bốn môn (gọi là bốn môn thi tối thiểu) gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Ngoài bốn môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD-ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.

4. Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý: thi tự luận, thời gian thi 180 phút; các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ: thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. Đề thi đánh giá thí sinh ở bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.

5. Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực.

6. Các sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả bốn môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

7. Trước ngày 1-1 hằng năm, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế.

8. Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.

9. Các sở GD-ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3, nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi và chuyển dữ liệu về Bộ GD-ĐT vào giữa tháng 4 hằng năm.

Tổng hợp từ Vnexpress, afamily, link bài gốc:

http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/bo-giao-duc-giai-dap-them-ve-doi-moi-thi-3080509.html

http://afamily.vn/doi-song/9-diem-moi-cua-ky-thi-quoc-gia-20140909032810230.chn