Rất khó khăn trong việc quản lý do nhiều nơi còn đội lốt các trung tâm kỹ năng để nhận nuôi giữ trẻ. Số lượng nhóm trẻ và lớp mầm non độc lập ở TP.HCM chiếm từ 50 - 80% cơ sở giáo dục mầm non.
Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phát triển rất mạnh ở TP.HCM giúp giảm áp lực cho các trường công lập nhưng gặp khó khăn trong quản lý
Gian nan quản lý nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập
Tại buổi tọa đàm về việc quản lý nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 22.1, nói về việc quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập, bà Trương Hồng Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cho biết cả quận chỉ có 60 trường mầm non, trong đó có 15 trường công lập, 45 trường ngoài công lập và có tới 103 nhóm, lớp độc lập. Ngoài ra còn có 10 trung tâm giáo dục kỹ năng sống được Sở GD-ĐT cấp phép.
Do vướng một số quy định, việc mở trường mầm non và các nhóm trẻ gặp khó khăn nên nhiều năm nay các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống được thành lập hàng loạt với cơ sở vật chất rất đẹp, khang trang, quảng cáo hấp dẫn như: “không nơi đâu có được”, dạy trẻ kỹ năng bày tỏ cảm xúc, tự bảo vệ bản thân, phát triển ngôn ngữ, tổ chức dã ngoại…
Những quảng cáo này khiến phụ huynh nhầm tưởng trẻ vừa được học theo chương trình chuẩn của bậc mầm non vừa được dạy thêm các kỹ năng, ngoại ngữ có người nước ngoài dạy nên không ngần ngại gửi con vào dù mức học phí rất cao mà không hề biết rằng đây không phải là cơ sở giáo dục mầm non.
1.374 trường mầm non, 1.739 nhóm trẻ độc lập Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, những năm gần đây nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phát triển rất nhanh về số lượng, giảm áp lực cho trường công lập, tạo môi trường cho trẻ học tập cũng như cơ hội việc làm cho người lao động. Hiện TP.HCM có 1.374 trường mầm non, trong đó trường công lập là 472, dân lập tư thục là 902 trường. Còn nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là 1.739 cơ sở. Dù gặp áp lực rất lớn trong việc quản lý nhưng theo bà Điệp các quận, huyện cần phải kiên trì bền bỉ cũng như tạo điều kiện để cho nhóm lớp này phát triển và nâng cao chất lượng. |
Thực tế, khi được cấp phép, các trung tâm này chỉ được nhận trẻ từ 3 - 11 tuổi, nhưng nhiều trung tâm thậm chí nhận trẻ từ 2 tuổi, thiết kế chương trình học như chương trình giáo dục chăm sóc của bậc mầm non.
Chia sẻ về khó khăn trong quản lý, bà Phượng cho biết UBND các phường là đơn vị quản lý trực tiếp, nhưng có thể nhân sự phường sẽ thay đổi thường xuyên, nhiều cán bộ cũng không nắm hết được các hoạt động của những trung tâm này là có đúng quy định hay không. Trong khi đó, các phòng giáo dục cũng không có bộ phận chuyên phụ trách các trường ngoài công lập. Các trung tâm này lại do Sở GD-ĐT cấp phép, Phòng không được tự động vào kiểm tra nên rất khó khăn trong việc giám sát.
Xem thêm: Con sắp học mầm non: Cha mẹ nên chuẩn bi những gì?
Nguồn: Báo Thanh niên