Với chương trình của FPT, các nghiên cứu sinh sẽ đi "làm tiến sĩ" chứ không phải "học tiến sĩ". Họ vẫn nhận một khoản lương ở mức 15 triệu đồng mỗi tháng cho năm đầu và có thể được nâng lên ở hai năm tiếp theo cùng nhiều quyền lợi khác như tài trợ kinh phí đi báo cáo tại các hội nghị chuyên ngành quốc tế có uy tín; cung cấp các trang thiết bị công nghệ tiên tiến cần thiết cho nghiên cứu…. Tuy nhiên, toàn bộ thời gian của họ là tập trung giải những bài toán khó, thách thức so với những việc làm việc sơ bản.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ thuộc Tập đoàn FPT, có những chia sẻ hữu ích về công nghệ 4.0 và chương trình đào tạo học bổng tiến sĩ của tập đoàn.
- Theo khảo sát của VINASA, có 35,2% tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, còn FPT thế nào thưa ông?
- FPT bắt đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khá sớm. Cách đây 2-3 năm, chúng tôi đã nói nhiều về chủ đề này và có sự đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu phát triển. Cụ thể, chúng tôi đang tập trung nhiều nhất về IoT và AI với mong muốn huy động các lợi thế về toán học, nguồn nhân lực từ các viện nghiên cứu ở Việt Nam để tạo thế cạnh tranh.
Chúng tôi cũng đã xây dựng chuyên gia thông qua hệ thống đào tạo nội bộ, chứng chỉ, khuyến khích các cá nhân theo đuổi sự nghiệp theo xu hướng mới. FPT cũng có những nền tảng về AI, đồng thời hình thành hệ sinh thái giữa các doanh nghiệp, trung tâm phát triển, cơ sở nghiên cứu, trường học… bởi chúng tôi hiểu rằng không ai có thể "chơi" một mình.
Tập đoàn đã bước đầu có những đối tác cũng như khách hàng sử dụng công nghệ của mình một cách chuyên sâu, như tự động hoá trung tâm call center hay cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng tự động. Các đơn vị của FPT như FPT Telecom, FPT Software hay FPT Retail đang ứng dụng nội bộ trí tuệ nhân tạo vào quá trình kinh doanh.
- Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để không bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
- Chắc chắn, chúng ta phải tiên phong ứng dụng và làm chủ nó trước khi rơi vào thế bị động. Chẳng hạn, trong ngành sản xuất, cùng một công nghệ tự động hoá, ta phải tìm ra được lợi thế, thêm được giá trị gì khi sản xuất ở Việt Nam so với ở nước khác. Như vậy, những người đứng đầu phải có tầm nhìn trong khi doanh nghiệp và người dân cũng cần nhận thức được sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất bởi chính con người sẽ tạo ra các hệ thống AI, IoT, big data. Do đó, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nghiên cứu phát triển. Giáo dục chia thành nhiều loại khác nhau như giáo dục kiến thức cơ bản, đào tạo ngành nghề, sáng tạo… Việt Nam nên có những sân chơi để các nhà nghiên cứu không bị bó buộc trong mớ lý thuyết mà phải ứng dụng lý thuyết vào thực tế.
- Vậy nhà trường cần liên kết với doanh nghiệp ra sao để giải quyết vấn đề về nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao?
- Thực ra, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã ứng dụng các chuẩn quốc tế trong đào tạo, giảng dạy nên cũng không thể nói là quá thiếu thực tiễn. Vấn đề ở đây là khi chúng ta đào tạo nâng cao, như đào tạo tiến sĩ, thì ở Việt Nam hầu như không có kiểu làm tiến sĩ toàn thời gian, nên không đủ sâu.
Thứ hai, các nghiên cứu sinh chủ yếu giải quyết bài toán liên quan đến ngành toán tin, mang nặng lý thuyết mà chưa ứng dụng nhiều vào thực tế. Thay vào đó, khi thực hiện chương trình tiến sĩ, từng giai đoạn một, kết quả nghiên cứu nên phản ánh và được đưa vào cuộc sống để trực tiếp giải quyết các vấn đề doanh nghiệp đang nhức nhối, người dân đang có nhu cầu. Để đạt điều này, nhà trường và doanh nghiệp phải hợp tác về các mảng đào tạo cao học và nghiên cứu sinh chất lượng cao với kiến thức và kỹ năng phù hợp; hợp tác nghiên cứu, triển khai công nghệ mới để chuẩn bị cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài đào tạo nâng cao, các trường cũng cần liên kết với doanh nghiệp CNTT, hỗ trợ sinh viên tiếp xúc công nghệ mới, tiên tiến, gặp gỡ những người làm nghiên cứu trong ngành công nghiệp cũng như đem ý tưởng sản phẩm tới doanh nghiệp. Bản thân các sinh viên cũng rất nhanh nhạy. Phần lớn sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao hiện nay đều có sự tham gia của các bạn trẻ. Tuy nhiên khi ra trường, kiến thức của sinh viên vẫn còn cơ bản và cần đào tạo nâng cao để kiến thức chuyên sâu hơn.
- Ông có chia sẻ gì về việc FPT đầu tư cho học bổng tiến sĩ?
- Đúng vậy, FPT đang có chương trình trao tặng ít nhất hai suất học bổng tiến sĩ toàn phần trị giá 700 triệu đồng mỗi suất dành cho nghiên cứu sinh thực hiện hai trong ba đề tài thuộc lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo. Cụ thể là các đề tài Nghiên cứu biểu diễn ngữ nghĩa trừu tượng cho xây dựng ngân hàng ngữ nghĩa tiếng Việt, Quản lý hội thoại theo định hướng tác vụ trong Tác tử hội thoại thông minh, Biểu diễn dữ liệu đa phương tiện.
Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn xây dựng một nền tảng công nghệ vững chắc, trước tiên để phục vụ cho việc phát triển của FPT, đồng thời tận dụng nguồn lực, trí tuệ của các trường đại học, các viện nghiên cứu.
- Tại sao FPT lại chọn ba đề tài về trí tuệ nhân tạo?
- Hiện tại, hạt nhân của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là trí tuệ nhân tạo và FPT mong muốn làm chủ, đi đầu nên cần có những đầu tư mạnh mẽ để các nghiên cứu của mình có thể tiến xa hơn nữa trong tương lai chứ không chỉ ứng dụng để giải những bài toán hiện tại. Chúng ta cần đầu tư vào tương lai để giải những bài toán tương lai. Ba đề tài này thể hiện rõ mối quan tâm của FPT trong tương lai về định hướng công nghệ.
Đây là những đề tài này mới, tiên tiến, được đánh giá là khó nhưng không phải quá khó, một phần vì các giáo viên hướng dẫn đều là những người có uy tín, dẫn đầu tại các viện, các trường trong cả nước. Chúng tôi cũng đang làm việc để hợp tác với các trường quốc tế để giáo sư quốc tế cũng sẽ đồng hướng dẫn cho nghiên cứu sinh. Kết quả của các bạn sẽ được đem đi so tài với những nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới.
- Các kế hoạch liên kết, hợp tác khác của FPT với các trường đại học thời gian tới là gì?
- Hiện còn sớm để nói chi tiết nhưng chúng tôi đã có những kế hoạch liên kết với các trường đại học cả ở Việt Nam và nước ngoài.
Theo Thế Đan, vnexpress.net