TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC
Học Văn là học làm người, người giỏi năng khiếu nghệ thuật mà không có văn, viết một câu hoàn chỉnh không xong thì gọi là tài năng, là nghệ sỹ thế nào đây?!
Thông tin thi tuyển sinh đại học 2013 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố có một vài điểm mới so với năm trước, theo đó thí sinh thi khối nghệ thuật (H, N, S) vào các trường cao đẳng, đại học khối văn hóa nghệ thuật hệ chính quy được miễn thi môn ngữ văn, chỉ thi môn năng khiếu. Môn ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.
Gần một năm trước, tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, các hiệu trưởng than phiền rằng, do đặc thù các ngành nghệ thuật là khác, có em thi vào trường điểm văn khá nhưng không múa hát được. Có em chỉ được 1,5 điểm văn nhưng điểm năng khiếu cao. Và nếu dựa vào môn văn thì sẽ… bỏ sót những tài năng đó! Có ông còn cho rằng, môn văn chỉ là môn điều kiện, không quan trọng, có thi cũng được, bỏ cũng không sao và điểm thi chỉ mang tính chất tham khảo.
Và kỳ tuyển sinh năm nay, các hiệu trưởng ấy đã toại nguyện. Chỉ xét tuyển mà miễn thi văn thì đó là miễn thi chứ không thể nói khác được. Và với cách này, thật khó để các em có tài năng nghệ thuật nhưng lại kém môn văn sẽ có thêm động lực để học văn, nếu không nói là sẽ giúp các em thêm lý do để triệt tiêu gần như hoàn toàn môn học này trong lớp phổ thông. Hoặc có chăng là chỉ học đối phó, thậm chí tìm đủ mọi phương cách để cố thi, kiểm tra cho qua!
“Người đẹp đồ lót” Ngọc Trinh nhiều lần gây ồn ào dư luận vì những phát ngôn sốc
Sự thật này đã tồn tại, ngay cả khoảng 10 năm trước, khi tôi còn ngồi trên ghế phổ thông, cách này đã được không ít các bạn có định hướng thi vào khối A, B áp dụng! Chưa kể thầy, cô trong lúc dạy cũng châm chước khi kiểm tra, cho điểm với những bạn này! Đó cũng là tâm lý rất dễ hiểu của các em học sinh phổ thông, không thi thì không học!
Tuy nhiên, đừng quá trọng năng khiếu mà miễn thi môn văn trong thi tuyển đầu vào đối với các ngành văn hóa nghệ thuật là điều rất cần bàn. Bởi văn học là cái gốc của mọi loại hình văn hóa nghệ thuật… Văn học từ xưa đã là nhân học. Hơn hết, là nghệ sĩ thì không chỉ biết mà phải là người giỏi văn. Bởi các ca khúc cũng được tạo nên từ ca từ, có giỏi văn mới đọc, hiểu và cảm nhận một kịch bản, một vai diễn... Người có năng khiếu nghệ thuật mà không có văn, viết một câu còn không xong thì chúng ta gọi là tài năng, là người nghệ sĩ thế nào được?! Điều này cũng giống như cô ca sĩ có năng khiếu mù nhạc, thất học vậy.
Học văn là học làm người, ông bà ta đã dạy như thế. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng dạy con ông rằng, học mới có thể trở thành nhà văn, nếu không thể trở thành nhà văn thì cũng thành nhà văn hóa! Người nghệ sĩ mà không học văn, hay nói cách khác là không có nhận thức văn hóa tốt thì rất dễ nổi loạn. Suốt mấy năm gần đây, năm nào cũng xuất hiện những scandal chấn động trong giới showbiz liên quan đến sự lũng đoạn văn hóa của người biểu diễn.
Hoa hậu gian dối, người mẫu thì cởi đồ khoe thân hay có những phát ngôn lố bịch, gây sốc để thu hút sự chú ý, ca sĩ thì hát nhép, hay tìm kiếm sự nổi tiếng bằng những cảnh phòng the, bằng chuyện giới tính… nếu có văn hóa thì các ca sĩ người mẫu xứ ta đã không có những phát ngôn và hành động như thế, không khiến nhà quản lý phải đau đầu để định lượng sự mạnh nhẹ của bàn tay pháp lý; bởi có văn hóa thì bản thân họ đã tự biết xấu hổ rồi!
Mấy năm gần đây, năm nào sau mùa tuyển sinh, các nhà giáo dục cũng thốt lên rằng, điểm thi môn văn thấp thê thảm! Hay trước đó thì than rằng, hồ sơ nộp dự thi vào khối C giảm nghiêm trọng so với năm trước… kết cục bi thảm cho khối C đã được nhiều người báo trước. Tôi nhớ trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, một đại biểu Quốc hội nói rằng: “Sẽ có lúc phải giải tán khối C vì không còn người theo học!”. Miễn thi môn văn cả trong việc thi tuyển vào các ngành văn hóa nghệ thuật đang là biểu hiện tệ nhất của kết cục ấy!
Người mẫu Hồng Quế thường gây sốc với trang phục “thoáng mát” hết cỡ
Văn học là gốc
Văn học là nhân học, không có văn con người khó hoàn thiện nhân cách được! Và hệ lụy của nó là thực trạng bạo lực học đường với những biến tướng dấy lên như một hồi chuông báo động. Quá nhiều vụ án man rợ xuất hiện trên báo chí gần đây mà thủ phạm là những học sinh, sinh viên. Vừa qua, trong gần một tháng đã xảy ra liên tiếp 3 vụ án mạng do sinh viên các trường cao đẳng, đại học gây ra chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt. Vì sao các cô cậu được gọi là tri thức trẻ lại dễ dàng hành xử theo kiểu lưu manh, vô đạo như thế? Câu trả lời chắc chắn không nằm ngoài sự tha hóa đạo đức, văn hóa sống.
Các nhà văn hóa, giáo dục hết ta thán rằng, đạo đức xã hội xuống cấp rồi lại đổ thừa rằng, con người ngày càng trở nên vô cảm. Không vô cảm sao được khi mà cái nôi nuôi dưỡng mỹ cảm của con người, những cảm xúc đến từ các tác phẩm văn học đang ngày càng bị tiêu diệt không thương tiếc. Mới đây thôi, chuyện một cô nữ sinh có khuôn mặt khả ái hân hoan khoe bức ảnh ngồi trên bia mộ liệt sĩ trên trang cá nhân, một hình ảnh rất phản cảm. Một biểu hiện của sự bất ổn trong cảm xúc!
Văn học còn giúp con người biết rung động trước những điều đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, biết thiết tha trước những điều tốt đẹp và cả bức xúc với những điều xấu xa. Tâm hồn và cảm xúc đó là thứ tạo nên sự khác biệt giữa con người với những con rôbốt! Vậy nên, nếu không có những mỹ cảm tốt đẹp, thì những em sinh viên ngành văn hóa nghệ thuật không thể trở thành một nghệ sĩ thực thụ được.
Trở lại chuyện miễn thi môn văn đầu vào của khối văn hóa nghệ thuật, nếu cách này có thể giúp cho một số em có năng khiếu nghệ thuật nhưng dốt văn thi đậu thì đó cũng không phải là một điều đáng vui mừng gì. Các hiệu trưởng chắc chắn sẽ nghĩ lại, nếu như một ngày nào đó, sinh viên mình có những phát ngôn hay hành xử lố bịch trước công chúng như các cô ca sĩ, người mẫu tai tiếng gần đây. Nơi đào tạo nghệ thuật bài bản chính quy trong môi trường cao đẳng, đại học nghệ thuật phải là nơi sinh ra những nghệ sĩ thực thụ.
Giới nghệ thuật biểu diễn hiện nay đang có vô số những bạn trẻ tài năng nhưng thiếu và yếu về đạo đức, nhân cách. Đối với những gương mặt này thì môi trường nghệ thuật và cả những ràng buộc pháp lý sẽ điều chỉnh họ theo khuôn khổ văn hóa cho phép, nếu không, sớm muộn họ sẽ tự đào thải mình với những tai tiếng.
Vì thế, đáng lý ra các hiệu trưởng không nên quá lo lắng, băn khoăn! Song chuyện không thể tuyển đủ chỉ tiêu, loại những thí sinh có năng khiếu là chuyện khiến các hiệu trưởng không khỏi đau đầu, sốt ruột. Nhưng thay vì đổ tội cho môn văn thì các ông nên nghĩ cách vẫn cho thí sinh thi văn nhưng vẫn đảm bảo để các em có thực lực đỗ đạt; ví dụ như có thể tự chủ trong việc ra đề thi văn dễ hơn so với đề khối C chẳng hạn.
Nghệ sĩ mà không có văn thì nghệ sĩ kiểu gì đây!?
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Petro Times
tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, ti le choi, tỉ lệ chọi 2013, tư vấn tuyển sinh, tư vấn chọn trường,tuyển sinh khối a1, diem thi, diem thi dai hoc, diem chuan, diem chuan dai hoc, diem thi tot nghiep, dap an de thi tot nghiep, dap an de thi dai hoc