Đừng quá coi trọng vị trí môn học mà phải xem cần dạy cái gì, dạy như thế nào?TS Nguyễn Kim Dung

Theo TS Nguyễn Kim Dung, Lịch sử cũng giống như những môn học khác, đều có vai trò quan trọng như nhau, tuy nhiên cần phải đặt nó trong mục tiêu của chương trình giáo dục.

Hiện nay, Lịch sử vẫn đang là một môn độc lập nhưng học sinh có yêu thích không, có hiểu về lịch sử dân tộc không? Vấn đề ở đây không phải là môn học đó độc lập hay không mà là cách truyền tải, dạy môn học đó như thế nào để học sinh thấy thích thú, thấy có ích. “Dạy lịch sử mà chỉ ngồi trong lớp nói thì làm sao các em cảm nhận được, sao không đưa các em đến vùng đất đó để các em trải nghiệm? Sao không dạy lịch sử cho các em giống như phim, các em giờ đang nhớ phim nhiều hơn là nhớ sử vì nó hấp dẫn hơn dù nó hư cấu. Cái đó chúng ta làm được nhưng sao không thực hiện? Sở dĩ chúng ta thất bại là vì chúng ta không đưa được kiến thức đó vào thực tế cuộc sống. Thi cử và điểm số chỉ là một lý do nhưng không phải là lý do chính đáng, chúng ta có xây dựng được chương trình tốt hay không, giáo viên có truyền tải chương trình đó hiệu quả hay không mới là vấn đề”.

TS Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh: “Chúng ta đang hô hào giảm tải, dạy những gì thiết thực, đào tạo người học thành những người tự chủ, độc lập, có khả năng giải quyết vấn đề, có những kỹ năng cần thiết để phục vụ cuộc sống, từ đó cần thiết kế lại chương trình đào tạo theo đúng mục tiêu đã đề ra nhằm giúp cho học sinh học tốt, giúp giáo viên truyền tải tốt kiến thức”.

TS Nguyễn Kim Dung cho biết, đối với học sinh tiểu học hiện nay, Lịch sử đang được dạy ghép thành môn Khoa học xã hội. Ở cấp học này, kiến thức nền tảng là cần thiết nhưng quan trọng hơn cả là dạy nhân cách cho trẻ, dạy cho trẻ học cách làm người. Lên đến bậc THCS, Lịch sử là một môn học độc lập. Ở cấp học này, bên cạnh học nhân cách, các em cần được cung cấp kiến thức nền tảng vững chắc của các môn khoa học, cả xã hội và tự nhiên. Tuy nhiên, từ lớp 10 trở lên nên để các em xác định được thế mạnh của mình và đi theo hướng lựa chọn: Tiếp tục học lên cao hơn theo những môn mình yêu thích hoặc chọn nghề. Như vậy, các môn học cần tích hợp lại để các em có quyền lựa chọn những gì thiên về thế mạnh của mình. Như vậy sẽ có những ngành học mà Lịch sử là môn chính và có những ngành học Lịch sử chỉ là môn bổ trợ.

Trên thế giới hiện nay, để tìm ra một môn học thật sự độc lập, không liên quan đến các môn học khác là rất khó, bởi mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những con người biết giải quyết vấn đề. Việt Nam hiện đang kêu gọi, khuyến khích học sinh học theo phương pháp mới, sáng tạo, tích cực, mà để thực hiện được điều này thì cần phải thực hiện dạy học theo dự án hoặc dạy dựa vào vấn đề.

Trước đây, giáo dục của Việt Nam đi theo hướng đơn ngành theo mô hình của Liên Xô cũ, mỗi trường ĐH, mỗi môn học là một lĩnh vực đơn ngành và ngành nào cũng cố gắng đề cao tầm quan trọng của mình. Nhưng quan điểm giáo dục bây giờ đã khác, để giải quyết được một vấn đề, bạn cần sử dụng kiến thức của nhiều ngành khác nhau. Khi nói đến tích hợp không có nghĩa là xóa sổ hay xem thường vị trí của môn học đó mà chỉ nhằm giúp cho học sinh khi đối mặt với những vấn đề của cuộc sống biết sử dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên… để giải quyết một vấn đề có thật.

TS Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh, Lịch sử không bao giờ bị xã hội coi nhẹ, nhất là trong điều kiện hiện nay, có rất nhiều công cụ hiện đại để trợ giúp cho việc ghi chép, lưu giữ lại lịch sử. Cho dù xã hội có phát triển đến đâu, kinh tế có tăng trưởng thế nào thì con người vẫn cần những kiến thức xã hội để sống.

Theo Infonet, nguồn: http://infonet.vn/dung-qua-coi-trong-vi-tri-mon-hoc-ma-phai-xem-can-day-cai-gi-day-nhu-the-nao-post182165.info