>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Ngày 22-7, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) Trường ĐH Luật TP HCM Trần Hoàng Hải đã ký văn bản gửi các thành viên HĐTS của trường, trưởng các đơn vị có liên quan trong trường và các cơ quan thông tấn báo chí về việc quyết định không tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực vào ngày 5-8 như đề án tuyển sinh riêng mà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông qua ngày 20-4.

Thiếu căn cứ

Trong Đề án tự chủ phương án tuyển sinh trình Bộ GD-ĐT xem xét thông qua ngày 20-4, Trường ĐH Luật TP HCM đưa ra phương thức tuyển sinh: Kết hợp giữa xét tuyển sơ bộ và kiểm tra năng lực của thí sinh (TS).Trong đó, kết quả kiểm tra khả năng của TS về các lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp và tư duy logic chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển vào trường.

Dừng đề án tuyển sinh riêng: Có đúng luật?

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” vào Trường ĐH Luật TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Trường xây dựng phương thức tuyển sinh theo quy trình gồm 2 bước. Bước 1 là xét tuyển điểm trung bình chung của tổ hợp 3 môn thuộc các khối thi truyền thống (gồm học bạ và điểm trong kỳ thi THPT quốc gia theo cụm do các trường ĐH chủ trì). Theo đó, chỉ những TS đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ ở bước 1 mới được tiếp tục tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực ở bước 2 là kiểm tra đánh giá năng lực dự kiến tổ chức vào ngày 5-8.

Theo văn bản mà chủ tịch HĐTS của trường vừa công bố, để thực hiện phương thức tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt thì thời hạn để TS hoàn tất việc đăng ký xét tuyển sơ bộ online hoặc nộp phiếu trực tiếp cho trường là ngày 20-7 và thời hạn cuối cùng để TS cung cấp điểm thi THPT quốc gia cho trường muộn nhất là 17 giờ ngày 22-7.

“Sáng 22-7, HĐTS nhà trường đã nhóm họp và nhận định: Nếu nhà trường vẫn tiếp tục duy trì phương án tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực thì thời gian thực hiện không thể muộn hơn ngày 5-8. Do vậy, việc chốt danh sách TS đăng ký tham dự kỳ kiểm tra này cũng không thể muộn hơn ngày 22-7. Tuy nhiên, căn cứ thực tiễn thì 22-7 là ngày TS mới chính thức tiếp cận được kết quả do Bộ GD-ĐT cung cấp (từ lúc 14 giờ 30 phút). Do vậy, TS không có đủ thời gian để hoàn thành các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của nhà trường đúng hạn” - văn bản nêu rõ.

Theo một số chuyên gia, căn cứ mà Trường ĐH Luật TP HCM nêu ra là không đủ cơ sở để dẫn đến việc dừng thực hiện đề án tuyển sinh riêng đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Nếu trường lấy lý do ngày 22-7, TS mới chính thức tiếp cận được kết quả thi và điều này ảnh hưởng đến thời gian xét tuyển của trường thì có thể lùi thời hạn chốt danh sách xét tuyển sau vài ngày so với dự kiến và dời kỳ thi kiểm tra năng lực vào ngày khác thay vì 5-8 như dự kiến.

“Trường cũng không đủ cơ sở để nói rằng “TS không có đủ thời gian để hoàn thành các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của nhà trường đúng hạn” vì TS đã đăng ký kỳ thi chắc chắn chuẩn bị tinh thần và thủ tục thông qua đợt sơ tuyển trước đó của trường nên nếu lùi vài ngày sẽ không ảnh hưởng gì tới việc hoàn thành thủ tục” - một chuyên gia nói.

Các chuyên gia cho rằng có thể trong thực tế triển khai, trường đã không chuẩn bị đủ các điều kiện cho kỳ thi nên giờ chót buộc phải “buông tay” và đẩy lý do cho việc Bộ GD-ĐT công bố điểm trễ.

Không đủ thẩm quyền

Trong Đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Luật TP TP HCM quy định nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch HĐTS là phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, phương thức xét tuyển sơ bộ theo đề án tuyển sinh riêng của trường; quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ các mặt công tác liên quan đến tuyển sinh; báo cáo kịp thời với Bộ GD-ĐT về công tác tuyển sinh của trường…

Trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, Bộ GD-ĐT quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐTS là phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện quy chế tuyển sinh, quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ các mặt công tác liên quan đến tuyển sinh, báo cáo kịp thời với bộ và cơ quan quản lý trực tiếp về công tác tuyển sinh của trường, triển khai công tác tuyển sinh… Bên cạnh đó, đối với việc tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với kết quả xét tuyển, đối với môn năng khiếu và các môn thi đặc thù khác thực hiện theo quy định tại quy chế tuyển sinh đã được hội đồng khoa học và đào tạo của trường thông qua, được hiệu trưởng ký, báo cáo Bộ GD-ĐT.

Như vậy, trong nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch HĐTS không có điều nào cho phép thay đổi, điều chỉnh, dừng đề án tuyển sinh riêng đã phê duyệt. Do vậy, việc chủ tịch HĐTS của Trường ĐH Luật TP HCM ký văn bản thông báo dừng kỳ kiểm tra năng lực là chưa đúng thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 23-7, một lãnh đạo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay chưa nhận được văn bản xin điều chỉnh Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Luật
TP HCM. Theo vị này, khi đề án tuyển sinh đã được duyệt thì muốn điều chỉnh, trường phải xin phép và phải được bộ đồng ý. “Về nguyên tắc, nếu trường có văn bản xin phép điều chỉnh, chúng tôi sẽ đồng ý nếu thấy hợp lý” - vị này nói.

Thí sinh chịu thiệt

Không ít TS đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Luật TP HCM đã chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi kiểm tra năng lực vào ĐH này từ khi trường công bố đề án. Ngày 15-5, Trường ĐH Luật TP HCM công bố 60 câu hỏi minh họa cho phần kiểm tra năng lực trên trang web của trường và TS đã vào làm thử nhiều lần. Nhiều TS cũng đã thực hiện các bước sơ tuyển và đóng lệ phí theo yêu cầu tuyển sinh của trường. Đến giờ chót, trường hủy kỳ thi làm cho công sức chuẩn bị tiêu tan, ảnh hưởng đến tâm lý của TS.

Theo Người lao động, tin gốc: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dung-de-an-tuyen-sinh-rieng-co-dung-luat-20150723214249821.htm