Hơn 7.5 triệu người lao động mù chữ
Số liệu đưa ra từ kết quả của Đại học Hamburg đã gây ngạc nhiên và báo động thực trạng mù chữ ở một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu: 7,5 triệu người trong độ tuổi lao động 18 - 64 (chiếm 14% dân số) tại Đức là không biết đọc; và mỗi năm có khoảng 60.000 trẻ em bỏ học trước khi kết thúc chương trình học phổ thông.
Vấn đề này khiến các nhà quản lý và hoạch định chính sách, nhất là ngành giáo dục của Đức phải đặt ra câu hỏi: Tại sao có tới 7,5 triệu người đã từng trải qua các cấp học kéo dài ít nhất 9 năm mà cuối cùng lại không thể đọc - viết? Bà Anke Grotlüschen - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, có khoảng 300 nghìn người (từ 18 - 64 tuổi) đã không đọc - viết được lấy một vài chữ thông dụng; 2 triệu người đọc - viết được sơ sài từng chữ; và 5,2 triệu người chỉ đủ khả năng đánh vần từng câu chữ mà không hiểu hết một đoạn văn ngắn. Trong một nghiên cứu khác của bà Anke Grotluschen cho thấy, trong 8.000 người được thử nghiệm thì có gần 60% là người nam bị nạn mù chữ đông hơn phái nữ.
Peter Hubertus thuộc Hiệp hội Giáo dục và Đào tạo cơ bản Đức nói: “Gần 10% số người trẻ tuổi không thể thu nhận được thông tin từ các đoạn văn đơn giản là vấn đề đáng báo động”. Theo quan điểm của các nhà quản lý, nếu một học sinh đã kết thúc chương trình tiểu học mà không thể đọc viết thì đó là một nền giáo dục thất bại.
Vấn đề đã đáng báo động đến mức các chính trị gia Đức cũng đã phải đồng ý chi 35 triệu Euro cho chương trình xóa mù chữ cho người trưởng thành theo đề án “Chiến lược quốc gia về xóa mù chữ và đào tạo cơ bản”. Hồi năm 2011, Đức đã cho thành lập Bộ về các chương trình nghiên cứu điều kiện làm việc. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, có tới 57% số người bị coi là mù chữ ở Đức vẫn có việc làm nên sáng kiến xóa mù cấp tốc ngay tại nơi làm việc đã được đặt ra. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 200.000 trong tổng số 7,5 triệu người mù chữ của Đức tiếp cận được với chương trình này.
Bộ trưởng Giáo dục Đức, bà Annette Schavan cho hay, Đức sẽ thực thi các chính sách khẩn cấp. Bộ Giáo dục Đức dự kiến sẽ chi khoảng 20 triệu Euro tài trợ cho tới năm 2014 để xúc tiến ngay kế hoạch ngắn hạn này.
Phát ngôn chính sách giáo dục Đảng SPD đối lập, ông Swen Schulz đánh giá vấn đề là cú sốc (“Alpha-Schock”), không thể giải quyết cho 7,5 triệu nạn nhân với phương tiện hạn hẹp như vậy. Ông chờ đợi mỗi năm tăng cường thêm mức tài trợ lên 10 triệu Euro từ tài khoá liên bang, tổ chức xoá mù chữ cho 30.000 người tham dự các khoá học mỗi năm.
Ở các quốc gia láng giềng Đức, tình trạng mù chữ của những người trong độ tuổi lao động cũng là vấn đề gây đau đầu cho các nhà quản lý quốc gia. Tại Anh, tỷ lệ này là 16% còn tại Pháp là 9% (tương đương mức khoảng 2,5 triệu người). Đáng lo hơn cả là những người bị xác định là mù chữ này đều đã tốt nghiệp trình độ học phổ thông tối thiểu bắt buộc.
Thông tin cần biết:
Sự phân cực trong hệ thống giáo dục đại học tại Đài Loan
Vinshool: Thương hiệu giáo dục của Vingroup chính thức ra mắt
Tin bài gốc: ANTĐ
Kenhtuyensinh
Theo: ANTĐ