GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GDĐT: Mang đến nhiều sự lựa chọn cho học sinh

Dự thảo tuyển sinh 2017: Bỏ điểm sàn đại học, chuyên gia giáo dục nói gì?

Dự trên những bài học kinh nghiệm về tuyển sinh những năm trước đây, năm nay Bộ yêu cầu điều kiện cần chung nhất là tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ để các em có thể nộp hồ sơ vào các trường là do các trường quy định. Vì các ngành nghề hiện nay rất đa dạng, chúng ta không thể quy định 1 ngưỡng chung cho tất cả các ngành được, ví dụ ngành cơ khí, ngành điện, ngành luật, ngành ngân hàng,… mỗi ngành lại có những yêu cầu riêng. Như mùa tuyển sinh năm 2016 khi còn quy định điểm sàn nhưng có hơn 100.000 thí sinh có điểm trên ngưỡng đó nhưng không lựa chọn xét tuyển vào ĐH còn chỉ tiêu. Như vậy trên thực tế, thí sinh có những sự lựa chọn nhất định chứ không phải các em sẵn sàng theo học bất cứ trường ĐH nào đó.

Việc quy định điểm chuẩn đầu vào bây giờ do các trường tự chủ, do vậy các trường phải chịu trách nhiệm với quyết định tuyển sinh của mình. Nếu trường quy định quá thấp, xã hội lên tiếng hỏi trường phải có trách nhiệm giải trình. Như vậy trách nhiệm của trường rất lớn trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào cho phù hợp.

GS Trần Phương - Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Phải kiểm soát chặt chẽ đầu ra

Dự thảo tuyển sinh 2017: Bỏ điểm sàn đại học, chuyên gia giáo dục nói gì?

GS Trần Phương

Đây là một trong những bước tiến của ngành giáo dục. Việc bỏ điểm sàn này sẽ tạo điều kiện hơn cho các trường “top” dưới và các trường ngoài công lập có điều kiện để tuyển sinh 2017 thuận lợi hơn.

Tuyển sinh ở ta cũng nên áp dụng như tất cả các nước. Học sinh có bằng THPT thì có quyền đăng ký học Đại học. Bỏ “điểm sàn” vì điểm sàn bất lợi cho thanh niên các dân tộc thiểu số và thanh niên các vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long, học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, bỏ điểm sàn chính là trao quyền tự chủ hơn cho các trường. Do vậy các trường phải thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo của mình và mức học phí thỏa đáng. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào quá trình đào tạo và phải kiểm soát chặt “đầu ra” để đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng. Mặt khác, liên Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và các ngành cần nâng cao vai trò của mình trong việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học.

GS.TSKH Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Điều kiện để phân luồng nghề nghiệp

Dự thảo tuyển sinh 2017: Bỏ điểm sàn đại học, chuyên gia giáo dục nói gì?

GS.TSKH Phạm Minh Hạc

Ở các nước có nền giáo dục phát triển như Anh không có điểm sàn, không công bố điểm xét tuyển ĐH, CĐ trên giấy tờ nhưng học sinh thi theo hình thức thi chung. Còn ở Mỹ, căn cứ vào điểm thi THPT, các trường ĐH, CĐ có thể sắp xếp việc học tập theo ngành nghề cho học sinh tùy theo số điểm thi và năng lực của các em. Nước này đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT. Như vậy, có thể thấy, những nước tiên tiến trên không có điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ nhưng họ đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh theo năng lực, sở thích của các em ngay từ khi học trung học.

Ngành giáo dục đang hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn sẽ giúp các trường dễ dàng trong tuyển sinh và tăng tính tự chủ hơn nhưng có thể dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhiều sinh viên nhưng chưa chắc đã có được đội ngũ tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao tăng dẫn đến hệ lụy của vấn đề này là tình trạng sinh viên thất nghiệp không xin được việc làm gia tăng. Bỏ điểm sàn nhưng phải tính đến việc định hướng nghề nghiệp và đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường phải chịu trách nhiệm với sinh viên của mình.

GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): Bỏ điểm sàn nhưng phải chặn tuyển sinh vét

Dự thảo tuyển sinh 2017: Bỏ điểm sàn đại học, chuyên gia giáo dục nói gì?Dự thảo tuyển sinh 2017: Bỏ điểm sàn đại học, chuyên gia giáo dục nói gì?

GS Lâm Quang Thiệp

Các trường ĐH tuyển sinh như thế nào, đào tạo ra sao để đảm bảo chất lượng sinh viên là trách nhiệm của họ. Tuy vậy, khi các trường ĐH công bố “điểm sàn” của riêng mình thì cần phải minh bạch các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện học tập, tỉ lệ có việc làm cho sinh viên sau khi ra trường cho phụ huynh và học sinh biết.

Thực ra nếu mà cần quy định điểm sàn, thì nên quy định điểm sàn cho các trường đại học ở tầng trên, bởi vì các trường đó là các trường đại học trọng điểm, nhà nước quy định phải là các trường đào tạo chất lượng cao. Do đó để vào học các trường đó cần một ngưỡng nào đó thì nên quy định điểm sàn. Các trường tầng trên đã được đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà lấn sân các trường bên dưới, như trước kia có trường tuyển sinh vét đến tận điểm sàn là không đúng.

Bên cạnh đó hệ thống kiểm định chất lượng các trường đại học phải triển khai thực sự có hiệu quả để học sinh biết lựa chọn ngành nghề học và các nhà tuyển dụng tìm tới địa chỉ nào tin cậy để lựa chọn lao động làm việc. Mặt khác, việc dự báo thị trường lao động, thông tin về các ngành nghề, xu hướng việc làm cũng cần được các cơ quan hữu quan thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi đến học sinh để các em có thể nắm bắt và lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp.

Theo Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/bo-diem-san-dai-hoc-chuyen-gia-giao-duc-noi-gi-623388.bld