Tin liên quan

>> Gian nan thi vào lớp 1

>> Nguyên nhân trẻ học thêm ở lớp 1 vì sách tiếng việt

>> Thi thạc sĩ dễ hơn vào lớp 1

 

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điều lệ trường học đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra một số quy định mới, trong đó độ tuổi trẻ vào lớp 1 có thêm những quy định theo hướng mở rộng, thay vì trẻ vào lớp 1 theo đúng "khung" 6 tuổi như quy định hiện nay. Quy định này ngay lập tức nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều người dân…

Chị Đỗ Thị Hồng (Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân):

Quy định mang tín hiệu tích cực

Dự thảo quy định tuổi của học sinh tiểu học từ 6 đến 14 tuổi; học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học… Theo tôi, đây là sự đổi mới với tư duy, cách nhìn mới. Đặt trong mối tương quan với các nước xung quanh, đây là sự thay đổi tích cực, đáng ghi nhận. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho những trẻ có khả năng vượt trội về mọi mặt được phát triển đúng khả năng, giúp trẻ khỏi nhàm chán với chương trình học quá nhẹ so với lực của mình. Quy định cũng mang đến nhiều lợi thế cho học sinh, song đòi hỏi sự đánh giá của Hội đồng khảo sát phải công tâm, khoa học, không theo cảm tính và người quyết định là hiệu trưởng nhà trường cũng phải có trách nhiệm cao. Việc cho phép học vượt lớp sẽ theo trẻ suốt quãng thời gian học phổ thông, do vậy khi quyết định phải dựa trên những tiêu chí cụ thể, mang tính khoa học. Do vậy, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần nghiên cứu kỹ các điều kiện kèm theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Huyền (giáo viên hưu trí phường Quang Trung, quận Hà Đông):

Các điều kiện cần chặt chẽ

Khung tuổi của học sinh tiểu học từ 6 đến 14 và với những nhóm trẻ ở những điều kiện nhất định có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi đã mang đến nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn cho trẻ, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được phát triển phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình. Quy định này đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường. Song, việc đi học muộn hơn so với lứa tuổi bình thường (6 tuổi) có thể sẽ gây những thiệt thòi nhất định trong suốt quá trình ngồi học ở cấp phổ thông, vì tâm sinh lý sẽ có những chênh lệch đáng kể so với các bạn đồng lứa. Do đó, các điều kiện để trẻ học muộn hơn 6 tuổi cần phải tính toán chặt chẽ.

Bà Nguyễn Thị Huyền (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa):

Nên thực hiện sớm

Tôi từng có cháu dù mới bước vào học lớp 1, nhưng đã đọc thông, viết thạo, phát triển rất sớm cả về thể lực lẫn trí tuệ. Chính vì vậy, khi học lớp 1, ngồi trong lớp cháu không chịu nghe giảng, học bài, vì những cái đó cháu đều biết hết rồi, dần dần trở thành thói quen, từ đó học lực bị giảm sút nghiêm trọng khi lên lớp cao hơn và phải mất rất nhiều thời gian mới khắc phục được. Chính vì vậy, tôi thấy dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điều lệ trường học có bỏ quy định 6 tuổi vào lớp 1 là rất hợp lý và nên thực hiện càng sớm càng tốt. Theo tôi, đối với những cháu có thể lực tốt, phát triển trí tuệ sớm, thì nên cho cháu học trước tuổi, tránh hậu quả có thể xảy ra về sau và ngược lại, các cháu chậm phát triển có thể lùi thời gian học lại một chút.

Ông Nguyễn Thanh Hà (Trường Trung cấp Kỹ thuật Phòng không - Không quân):

Có những vấn đề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Quy định trong dự thảo của thông tư tôi cho là có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là việc trẻ lang thang, cơ nhỡ có điều kiện chuyển sang học lớp chính quy sẽ được hiệu trưởng trường tiểu học khảo sát trình độ để xếp lớp cho phù hợp. Điều này cho thấy đây là sự toàn diện hơn trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục cũng như một định hướng cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, để điều này thực hiện được trên thực tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần quy định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, đơn vị liên quan, nhất là vai trò của các ban, ngành, đoàn thể của các địa phương trong việc phát hiện, tìm trẻ cơ nhỡ, lang thang để đưa trẻ đến lớp học. Để tăng tính hiệu quả của quy định, Bộ cũng cần gắn việc làm này với công tác thi đua, khen thưởng… có như vậy điều đó mới được thực hiện sát sao hơn…

Điểm tin trước đó về dự thảo này

Trẻ vào lớp 1 được học sớm hoặc muộn hơn so với tuổi. Đây là điểm mới Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung điều lệ trường học.


Cụ thể, tuổi của học sinh tiểu học từ 6 đến 14 tuổi (tính theo năm). Tuổi vào học lớp 1 là 6 tuổi; trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi.

Theo dự thảo Bộ đưa ra, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục thực hiện xem xét đối với từng trường hợp cụ thể như sau: Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường; Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: các đại diện của Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, Tổng phụ trách Đội; Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng tư vấn, Hiệu trưởng xem xét quyết định.

Học sinh trong độ tuổi tiểu học ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.

Dự thảo bổ sung quy định mới về chuyển trường đối với học sinh tiểu học. Theo đó, học sinh trong độ tuổi tiểu học có nhu cầu học chuyển trường và được trường tiểu học nơi tiếp nhận đồng ý sẽ được chuyển trường. Hồ sơ gồm: Đơn xin học chuyển trường của cha mẹ hoặc người đỡ đầu; Học bạ; Bản sao giấy khai sinh; Bảng kết quả học tập (đối với trường hợp học chuyển trường trong năm học).

Đồng thời, học sinh trong độ tuổi tiểu học có nhu cầu chuyển trường, được chuyển đến trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ngoài nơi cư trú nếu được trường đồng ý tiếp nhận...

Bộ GD-ĐT cho biết sau khi xin đóng góp ý kiến về dự thảo theo đúng quy định sẽ ban hành chính thức và được thực hiện ngay trong năm 2012.

Những tin tức đang được quan tâm:


Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi


Kênh Tuyển Sinh ( Hanoimoi - Vietnamnet)