Dự kiến bậc THPT chỉ còn lại 2 năm, THCS kéo dài đến lớp 10
Đây là một trong hai phương án được đưa ra tại dự thảo Tờ trình về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ngày 20/8 đã diễn ra phiên họp thứ 2 năm 2014 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Trong phiên họp này, có 5 nội dung được đưa ra thảo luận là: Hệ thống giáo dục quốc dân những nội dung cần hoàn thiện; đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông; Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015; Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học; Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Với dự thảo Tờ trình Về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đưa ra tại phiên họp, có một số nội dung đổi mới chưa thấy trong các thông tin được công bố trước đây.
Cụ thể, trong phần nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo đưa ra vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông, với 2 phương án có những ưu điểm và hạn chế riêng.
Phương án 1: Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm học giáo dục tiểu học và 5 năm học giáo dục trung học cơ sở), giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) được thực hiện trong 2 năm học.
Dự kiến bậc THPT chỉ còn lại 2 năm, THCS kéo dài đến lớp 10
Ưu điểm: So với phương án 9 năm học, thời gian thực hiện giáo dục cơ bản thêm 1 năm nên có điều kiện tốt hơn trong việc trang bị kiến thức phổ thông nền tảng; Độ tuổi 16 phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong phân luồng sau giáo dục cơ bản; Giáo dục trung học phổ thông trong 2 năm học so với 3 năm học sẽ thuận tiện định hướng nghề nghiệp hơn, đáp ứng được nhu cầu tăng thêm số phòng học/ lớp để phục vụ dạy học tự chọn; Giáo dục trung học cơ sở trong 5 năm học (thêm 1 năm học) sẽ tận dụng cơ sở vật chất đồng thời tăng thêm số lớp, số giáo viên của nhà trường, thuận tiện sinh hoạt chuyên môn; Thực trạng giáo dục phổ thông hiện hành cho phép thực hiện.
Hạn chế: Nếu thực hiện theo phương án này đòi hỏi phải điều chỉnh quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 (về thời gian của mỗi cấp học giáo dục phổ thông) và phải cơ cấu lại các yếu tố trong hệ thống giáo dục hiện hành.
Phương án 2: Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm học (5 năm học giáo dục tiểu học và 4 năm học giáo dục trung học cơ sở), giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) được thực hiện trong 3 năm học.
Ưu điểm của phương án này là đảm bảo quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 và đảm bảo sự ổn định của hệ thống giáo dục hiện hành.
Hạn chế của phương án này là thời lượng 9 năm học dành cho trang bị kiến thức phổ thông nền tảng, đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp ở trung học cơ sở còn ít so với yêu cầu mới; Giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm học ở trung học phổ thông là nhiều.
Đáng chú ý, trong dự thảo mới nhất của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (tháng 8/2014), tại phụ lục Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phần Kế hoạch giáo dục được xây dựng theo phương án 1 - giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học.
Về biên soạn SGK mới, theo dự thảo Tờ trình Về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…, trên cơ sở một chương trình thống nhất, khuyến khích có nhiều SGK theo hướng xã hội hoá.
Dự thảo đưa ra 2 phương án triển khai:
Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.
VNN, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/193467/du-kien-thcs-keo-dai-het-lop-10.html