Các trường đại học ở Hà Nội luôn thu hút rất nhiều thí sinh mỗi năm. Tuy nhiên, các chuyên gia dự kiến điểm chuẩn của các trường đại học lớn ở khu vực này vẫn tương đương mọi năm.
> Tuyển sinh ĐH 2019: Chỉ tiêu ngành sư phạm tăng, điểm sàn không hạ
> ĐH Bách khoa Hà Nội có gần 33.000 thí sinh đăng ký xét tuyển
Đại học ở Hà Nội thu hút rất nhiều thí sinh dự thi mỗi năm.
Tỷ lệ “chọi” ngành y đa khoa 1/40, Bách Khoa 1/5
Theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay trường nhận được số TS đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển vào trường lớn chưa từng có kể từ khi Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi “2 trong 1” đến nay: gần 33.000 TS (năm ngoái là hơn 24.000). Trong khi đó theo Bộ GD-ĐT, năm nay cả nước có 653.278 TS đăng ký xét tuyển ĐH. Như vậy, khoảng 5% trong tổng số TS đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay đã đăng ký xét tuyển ít nhất 1 NV vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. So với lượng chỉ tiêu 6.680 ở tất cả các ngành/nhóm ngành của trường, năm nay trường này có tỷ lệ “chọi” tương đương 1/5.
Theo PGS Trần Văn Tớp, dữ liệu mà trường nhận được từ Bộ GD-ĐT cho thấy TS chủ yếu đăng ký vào trường ở các NV từ 1 đến 5. Riêng NV1 và NV2 chiếm khoảng một nửa tổng số NV. Xét theo từng tổ hợp thì A00 vẫn thu hút nhiều NV nhất: 45.069 NV. Tổ hợp A01 có 12.979 NV; D01: 4589; B00 có 2.868 NV; D07 có 1.055 NV. Số còn lại là NV theo các tổ hợp A02 (toán, lý, sinh), D29 (toán, lý, tiếng Pháp). Cũng qua con số thống kê mà trường đã phân tích, hầu hết TS đăng ký NV vào trường tập trung từ Hà Tĩnh trở ra, chiếm 93,4% tổng số TS đăng ký xét tuyển vào trường. Hà Nội dẫn đầu với 8.329 TS (25,42%). Số TS từ Quảng Bình trở vào chỉ chiếm 6,6%.
Theo bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, số TS đăng ký xét tuyển vào trường vẫn giữ ổn định như năm ngoái, nghĩa là tỷ lệ “chọi” vẫn ở mức cao là 1/8. “Tổng số NV của trường rất nhiều, nhưng trường chỉ thống kê số NV1 - tương ứng với số TS đăng ký xét tuyển vào trường. Theo đó, có khoảng hơn 30.000 TS ở cả 2 cơ sở Hà Nội và TP.HCM”, bà Hương cho biết.
PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho biết số TS đăng ký NV1 vào trường năm nay khoảng 21.000, tăng 20% so với năm ngoái (khoảng 17.000 TS). Tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 5.650. “Số TS đăng ký NV1 và NV2 chiếm khoảng hơn 50% tổng số NV đăng ký vào trường”, PGS Triệu nói.
Trường ĐH Y Hà Nội có tỷ lệ chọi không vượt trội, nhưng riêng ngành y khoa thì đạt mức chọi kỷ lục: 40/1.
Tỷ lệ “chọi” cao chưa chắc điểm chuẩn cao
Tuy nhiên, theo cán bộ phụ trách tuyển sinh của các trường ĐH tốp trên, tỷ lệ “chọi” cao không nhất thiết hứa hẹn điểm chuẩn cao, vì điểm chuẩn còn phụ thuộc vào chất lượng của nguồn TS có NV vào từng ngành, hoặc từng trường.
Bà Phạm Thu Hương nói: “Ngoại thương không phải là nơi có tỷ lệ “chọi” cao nhất. Khi chưa có kinh nghiệm, chúng tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng về sau thì thấy điểm chuẩn của trường mình vẫn ở mức cao hơn hẳn so với những trường có tỷ lệ “chọi” rất cao khác”.
Còn PGS Bùi Đức Triệu chia sẻ, năm ngoái sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, số NV1 vào Trường Kinh tế quốc dân giảm gần 30%, nhưng điểm chuẩn vẫn đúng như dự đoán trước đó vì những TS dịch chuyển NV chủ yếu do kết quả thi không cao. Nhưng không chỉ riêng Trường Kinh tế quốc dân mới gặp hiện tượng này mà đó gần như là một quy luật với các trường điểm chuẩn ở mức cao. Nhưng PGS Triệu vẫn đưa ra khuyến cáo: “Dù NV1 vào trường năm nay tăng nhưng lại vẫn chỉ tập trung ở những ngành quen thuộc, trong khi năm nay trường có mở thêm một số mã ngành mới mà những mã ngành này hiện nay số TS đăng ký vào là khá thấp. Do vậy những TS đăng ký vào các ngành này có cơ hội đỗ cao hơn, còn một số ngành khác có thể điểm chuẩn tăng đột biến”.
PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Khảo thí (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), so sánh: ngành công nghệ thông tin của trường năm nay có tỷ lệ “chọi” (tính NV1/ chỉ tiêu) là 10,76/1, trong khi một ngành khác trong khối ngành kinh tế của trường là 12/1, nếu xét về mức “chọi” của 2 ngành là tương đương năm ngoái (ngành khối kinh tế có nhỉnh hơn một chút). Nhưng năm ngoái, điểm chuẩn của ngành công nghệ thông tin là 25, còn điểm chuẩn của ngành trong khối kinh tế chỉ mức 21 - 22. Năm nay, dự báo thứ hạng điểm chuẩn cũng tương tự.
Xem thêm thông tin tuyển sinh 2019 TẠI ĐÂY.
Theo Thanh niên