>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Không cần trải qua 4 năm đèn sách vẫn có tấm bằng đại học để xin việc. Nhiều “cò” khẳng định làm cả bằng giả bằng phôi thật của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cung cấp để không bị phát hiện. Nếu người mua có nhu cầu, các đối tượng này cũng đủ khả năng cung cấp trọn bộ gồm cả bằng đại học, cao học, chứng chỉ Anh văn, tin học… chỉ trong 2 ngày.
Phù phép chứng chỉ ngoại ngữ
Những năm gần đây, các trường đại học, đặc biệt là trường thuộc khối Đại học Quốc gia TPHCM đã có quy định, sinh viên muốn xét tốt nghiệp bắt buộc phải có chứng chỉ B ngoại ngữ và chứng chỉ A tin học. Điều này đã khiến cho không ít sinh viên phải chạy ngược chạy xuôi, “lo” cho được cái bằng. Gặp D. (một “cò” về chứng chỉ) cho biết: “Có khả năng móc nối trực tiếp với giáo viên coi thi, chấm thi để làm bằng của một số trường như Đại học KHXH-NV, Đại học Khoa học tự nhiên hay Viện Đào tạo ngôn ngữ Đại học quốc gia (IEI)”.
Theo D., có hai cách thi lấy bằng cho khách hàng lựa chọn. Một là D. sẽ tổ chức cho người đi thi hộ. Sau khi lấy được bằng, hình của người đi thi sẽ được bóc ra, thay vào hình của người mua và đóng lại dấu giáp lai như cũ. Với cách này, khách cần phải trả 5 triệu đồng/chứng chỉ. Cách nữa là trực tiếp đi thi, nhưng D. bao luôn giáo viên chấm thi, đảm bảo kết quả đậu cho dù thí sinh chẳng phải làm gì, chỉ việc ký tên cho đúng số lượng.
Mức giá của cách này khá “chua”, lên tới 10 triệu đồng/chứng chỉ. Thấy chúng tôi phản ứng vì mức giá quá cao, D. lại ngọt nhạt cho biết: “Tiền không phải bọn em lấy hết, mà phải chi cho người này người kia mới mong móc được cái bằng ra cho anh. Bằng ở đây là bằng thật, anh mang lên trường nộp cũng yên tâm. Nếu anh không tin, có thể lên tận địa điểm thi để nhờ phía trung tâm kiểm tra lại, đúng thì mới giao tiền”. Sau một hồi đắn đo, chúng tôi quyết định làm bằng theo cách thứ nhất.
Đến hẹn, chúng tôi được D. đưa cho một tấm bằng với bìa màu xanh, bên ngoài đề “Chứng chỉ ngoại ngữ” có logo của Đại học Quốc gia TPHCM. Khi thấy chúng tôi nghi ngờ về mức độ thật giả của bằng, D. không ngần ngại bấm số điện thoại gọi thẳng lên trung tâm, xác minh lại tên tuổi, ngày tháng năm sinh của người mua bằng. Không chỉ thế, để chúng tôi yên tâm hơn, D. còn dẫn chúng tôi xuống UBND phường để công chứng chiếc bằng vừa mới lấy.
Bằng đại học: cần là có
Nếu như thông tin mua bán chứng chỉ khá xôm tụ trên mạng, thì ngược lại, mua bán bằng đại học không dễ để liên hệ. Sau khi liên lạc và chờ 3 ngày, chúng tôi mới nhận được phản hồi từ một đối tượng bán bằng. Hai bên thống nhất hẹn gặp tại một quán cà phê “cóc” trên đường Vĩnh Viễn (quận 10 – TPHCM) để tiện trao đổi. Tại đây, một người đàn ông chừng 40 tuổi, nước da ngăm đen bước vào tự xưng là Hào. Qua vài câu dò la, Hào cho biết chỉ mới tham gia mua bán bằng cấp chừng 1 năm nay. Hào không trực tiếp làm bằng giả mà chỉ tìm mối cho một đối tượng khác tại quận Bình Thạnh.
Tuy vậy, Hào cam đoan: “Anh đã làm hàng trăm mối rồi. Bên anh đảm bảo làm giống trên 98%. Trọn bộ gồm 1 bằng đại học, một bảng điểm, 5 bản công chứng có giá 5,5 triệu đồng. Người mua chỉ cần để lại tên, quê quán, năm sinh, tên trường, tên ngành…, 1 ngày sau có thể giao bằng. Nếu đồng ý lấy mới nhận tiền. Nếu sai sẽ nhận sửa chữa miễn phí”. Thấy chúng tôi chưa tin, Hào tiếp tục quảng cáo: “Bằng bên anh có tem 7 màu 6 cánh như bằng thật. Nếu lấy bằng Đại học Quốc gia sẽ có giá đắt hơn 2 triệu. Tuy nhiên, nên lấy bằng đại học các trường nhỏ bởi ít người để ý đến, khả năng bị phát hiện bằng giả tại nơi xin việc cũng thấp hơn”.
Lấy lý do để suy nghĩ thêm, chúng tôi rời quán và tiếp tục hẹn gặp một đối tượng khác tại quán cà phê trên đường Nguyễn Tri Phương. Lần này, đối tượng bán bằng tự xưng tên Long, quê Quảng Ngãi, hiện đang là trùm làm bằng giả tại Sài Gòn. Long đi thẳng vào vấn đề: “Em làm bằng phôi thật của Bộ GD-ĐT. 8 triệu đồng một bộ, đảm bảo giống 100%”. Nghe chúng tôi thắc mắc về một số chỗ giá rẻ, Long không ngần ngại bóc mẽ: “Mấy thằng làm bằng đều là do em dìu dắt lên cả. Nhưng tụi nó ham tiền nên làm chất lượng kém. Mà làm bằng giá rẻ quá dễ. Lấy hai tờ giấy bìa cát tông, có phết keo ở giữa, đặt vào máy nén để nén lại thành 1 tờ. Tiếp đó kéo lụa bóng cho lên màu đỏ hoặc xanh. Tiếp đó là scan logo trường, quốc huy… rồi in một bên tiếng Việt, bên tiếng Anh (không cần dán hình). Với loại này, 2 tiếng tụi em làm xong và giao cho anh. Nhưng không đảm bảo giống hoàn toàn so với bằng thật đâu”.
Khi bằng cấp là “giấy thông hành”
Gần đây, không ít vụ mua bán, sử dụng bằng giả ngay trong trường học liên tục bị phát hiện. Mới đây nhất, Trường Đại học Luật TPHCM phát hiện 3 sinh viên sử dụng bằng TOEIC giả (gian lận về điểm số) để qua mặt nhà trường lấy bằng tốt nghiệp. Hay vụ việc ông Hồ Quang Hải sử dụng bằng cấp giả làm giảng viên tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, sau đó tổ chức bán bằng giả cho các sinh viên…
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, cho biết, vài năm nay nhà trường siết chặt khâu xét chứng chỉ Anh văn đối với sinh viên cuối khóa. Trong đó, kể cả việc gửi giấy về trung tâm, nơi sinh viên thi lấy chứng chỉ Anh văn để xin xác nhận. Tuy nhiên, trong các lần xét tốt nghiệp, nhà trường đều phát hiện một vài trường hợp sinh viên nộp bằng giả.
Rõ ràng, nạn mua bán, sử dụng bằng giả không phải mới xảy ra, nhưng không dễ dẹp bỏ. Một trong những lý do để bằng giả tồn tại chính là việc tuyển dụng lao động theo bằng cấp, xem bằng cấp như “giấy thông hành” để có việc làm.
Để hạn chế nạn sử dụng bằng giả, một số đơn vị tuyển dụng cho rằng, khi tiếp nhận hồ sơ, đơn vị tuyển dụng nên thực hiện tra cứu số văn bằng chứng chỉ trên phần mềm chuyên dụng của Bộ GD-ĐT để biết có hay không sự tồn tại của bằng cấp chứng chỉ đang có trong hồ sơ. Sau khi tuyển dụng, đơn vị tuyển dụng lập báo cáo lao động gửi về Phòng LĐTB-XH quận, huyện để đơn vị này kiểm tra thêm một lần nữa. Như vậy, bằng giả sẽ dễ dàng bị phát hiện.
Theo tác giả Tường Hân, SGGP