So sánh phổ điểm theo khối thi ĐH 3 năm 2020, 2021, 2022 cho thấy nhiều khả năng điểm chuẩn khối B và khối C có sự biến động mạnh nhưng ngược chiều nhau, các khối còn lại điểm chuẩn sẽ giảm nhẹ so với năm 2021.

Dự đoán điểm chuẩn của khối ngành kinh tế, sức khỏe và sư phạm

Dự đoán điểm chuẩn của khối ngành kinh tế, sức khỏe và sư phạm

Sau kì thi tốt nghiệp THPT 2022 thì có những biến động nào sẽ xảy ra về điểm chuẩn của khối ngành kinh tế, sức khỏe và sư phạm? Hãy cùng Kênh tuyển sinh lắng...

Tiến sĩ Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải, đã so sánh dữ liệu điểm thi 3 năm (2020, 2021, 2022), từ đó đưa ra một số nhận xét sơ bộ, đồng thời dự đoán khả năng tăng, giảm điểm chuẩn của từng khối ngành.

1. Khối C: Càng lên mốc điểm cao, cạnh tranh càng dữ dội

Theo tiến sĩ Hà, với khối C (tổ hợp văn, sử, địa), từ khoảng điểm 15 - 30 năm nay có 586.432 lượt thí sinh (TS), tăng khá nhiều so với các năm 2021 (522.318 lượt TS) và năm 2020 (479.892 lượt). So sánh sơ đồ phổ điểm 3 năm cho thấy, đường đồ thị tổ hợp C00 năm 2022 nằm phía trên rất xa so với năm 2021 và 2020, vì thế điểm chuẩn khối C có thể tăng mạnh so với năm 2021.

Cũng từ dữ liệu so sánh 3 năm do tiến sĩ Hà cung cấp cho thấy, càng lên cao, khoảng cách số lượng TS của năm nay so với năm ngoái càng cách biệt. Từ mốc 17,25 điểm trở lên mốc 20 điểm (mỗi mốc cách nhau 0,25 điểm), ở mỗi mốc điểm của năm nay đều có lượt TS lớn hơn cùng mốc điểm năm ngoái là cả trăm ngàn TS. Với các mốc điểm cao hơn, do số TS đạt được từng mốc điểm cả 2 năm ít đi, số lượng cách biệt giữa 2 năm không lớn, nhưng tỷ lệ cách biệt lại tăng. Ví dụ, nếu như ở mốc điểm 20, năm nay có 310.501 TS, năm ngoái có 213.528, hơn nhau gần 97.000, tăng khoảng 45%.

Dự báo điểm chuẩn qua phổ điểm 3 năm theo khối thi đại học - Ảnh 1

Dự báo điểm chuẩn qua phổ điểm 3 năm theo khối thi đại học

Trong khi đó, ở mốc điểm 24, năm nay (68.999) chỉ hơn năm ngoái (40.227) 28.772 TS, nhưng tỷ lệ tăng là 72%. Cũng từ mốc điểm 24 trở lên, ở mốc điểm nào số lượng TS đạt được năm nay cũng đều tăng hơn 70 - 80% so với năm ngoái. TS đạt từ 27 điểm trở lên nhiều gấp đôi năm ngoái, gần gấp 3 năm kia. Càng lên cao, cuộc cạnh tranh của những TS khối C năm nay càng khốc liệt: mốc 28 điểm, năm nay có 1.156 TS, năm ngoái là 476, năm kia chỉ 332; mốc 29 điểm, năm nay có 54 TS, năm ngoái 12, năm kia 9. Đây là một dấu hiệu cho thấy với những thí sinh 28 - 29 điểm khối C mà không có bất kỳ điểm ưu tiên nào thì việc trượt nguyện vọng 1 các ngành hot (với lượng chỉ tiêu rất ít ỏi) gần như là hiển nhiên.

Ngoài ra, năm nay có xu hướng các trường ĐH mở rộng chỉ tiêu xét tuyển học bạ, thu hẹp chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả THPT. Phổ điểm được phân tích như ở trên hứa hẹn một nguy cơ có sự nhảy vọt về điểm chuẩn các ngành tốp giữa xét tuyển theo tổ hợp C00.

2. Khối B: Số thí sinh đạt tổng điểm 27 chỉ bằng 1/3 năm 2020

Với phổ điểm tổ hợp B00 (khối B) năm nay, ông Hà nhận xét: “Phổ điểm nằm phía dưới khá xa so với năm 2020, 2021. Số lượng TS đạt điểm từ 27 trở lên chỉ khoảng 2/5 so với năm 2021 và 1/3 so với năm 2020. Vì thế, nhiều khả năng điểm chuẩn tổ hợp B00 có thể giảm khá mạnh so với năm 2021”.

Dữ liệu mà tiến sĩ Hà tổng hợp cho thấy, với tổ hợp B00, năm nay có 226.759 lượt TS đạt được từ khoảng điểm 15 - 22, tương đương năm 2021 (230.467), và tăng khá nhiều so với năm 2020 (185.866). Vì thế, với các ngành xét tổ hợp khối B tốp dưới và cuối tốp giữa thì dự báo điểm chuẩn không khác mấy so với 2 năm trước.

Nếu xét mốc 22 điểm (mức điểm năm ngoái Bộ GD-ĐT quy định là điểm sàn cho ngành y khoa và răng hàm mặt), năm nay có 67.295 lượt TS đạt được, trong khi năm ngoái là 90.766, năm kia là 90.125. Vì thế, tiêu chí là nguồn tuyển tương đương (quy mô toàn quốc) là trên 90.000 lượt TS thì điểm sàn năm nay phải ở khoảng 21,25. Nếu lấy mốc 26 điểm (là điểm chuẩn ở mức thấp với các ngành y khoa, răng hàm mặt trường công lập), nguồn tuyển năm nay sẽ có 4.352 TS, chỉ bằng 61% năm ngoái (7.125). Với mốc 27 điểm, nguồn tuyển năm nay sẽ chỉ còn 1.181 TS, trong khi năm ngoái là 2.833, năm kia là 3.119.

Với mốc điểm 28, một mốc điểm có thể đỗ ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y dược TP.HCM với điều kiện được cộng kha khá điểm ưu tiên, nguồn tuyển khối B cả nước là 192 TS. Trong khi năm ngoái có 757 TS đạt từ 28 điểm trở lên, năm kia là 899. Nếu lấy số lượt TS đạt từ mốc điểm nào đó trở lên làm chuẩn thì 27,25 điểm năm nay sẽ tương đương với mức trên dưới 28 điểm của năm ngoái và năm kia.

3. Điểm chuẩn các khối A, A01, D01 giảm nhẹ

Với phổ điểm các tổ hợp khác, ông Hà cho rằng phổ điểm tổ hợp A00 năm 2022 gần như nằm giữa năm 2020 và 2021, vì thế điểm chuẩn tổ hợp A00 có thể giảm nhẹ so với năm 2021 và cao hơn một chút so với năm 2020, đặc biệt với các trường tốp dưới và cuối tốp giữa. Nhưng từ mốc 21,75 điểm trở đi, số lượt TS đạt được của cả 3 năm gần như nhau: 150.928 (năm nay), 159.475 (2021), 151.744 (2020). Sự tương đồng giữa phổ điểm 3 năm kéo dài cho đến mốc 24,3 điểm thì bắt đầu có độ chênh giữa năm nay với năm ngoái. Càng lên mốc điểm phía trên, lượng TS đạt được càng nhiều hơn so với năm ngoái. Đến mức 27 điểm thì số TS đạt được mốc này trở lên năm nay (3.887) cao gần gấp đôi so với năm ngoái (2.040).

Phổ điểm tổ hợp A01 năm 2022 cũng gần như nằm giữa năm 2020 và 2021, nhưng nhích hơn một chút gần về phía năm 2020, do đó điểm chuẩn tổ hợp A01 có thể giảm kha khá so với năm 2021. Nhưng từ mốc 27 điểm trở lên, phổ điểm A01 cũng giống như phổ điểm A00, số TS đạt điểm cao năm nay gần gấp đôi năm ngoái.

Trong khi đó, số chỉ tiêu khối A, A01 của các ngành/trường tốp trên dành cho phương án xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT giảm đáng kể, vì có các phương thức xét tuyển tài năng, xét tuyển kết hợp, xét tuyển dựa vào đánh giá tư duy, đánh giá năng lực…

4. Tổ hợp có môn Lịch sử thì điểm chuẩn tăng, có môn tiếng Anh điểm chuẩn sẽ giảm

Còn theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, qua phân tích phổ điểm, ông đánh giá kết quả kỳ thi năm nay không có sự thay đổi lớn so với năm 2021, giữ ở mức ổn định. Môn Lịch sử và môn Tiếng Anh đã có sự điều chỉnh tốt hơn.

"Tôi đánh giá với phổ điểm và kết quả năm nay thì kỳ thi đạt mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Có thể thấy được qua phổ điểm này chúng ta có thể đánh giá được mức độ, kết quả học tập của học sinh trên toàn quốc.

Những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định hầu hết tất cả các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Những vùng như Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn"- GS Nguyễn Đình Đức nhận định.

Ông cũng cho rằng, về cơ bản tất cả các môn, phổ điểm đều giữ ổn định, tỉ lệ điểm 8 vẫn như năm trước. Phổ điểm các khối thi vẫn từ 21-26 nên điểm thi của các khối tuyển sinh, không có quá nhiều biến động so với năm ngoái. Tuy nhiên, tổ hợp nào có môn Lịch sử thì điểm chuẩn sẽ nhỉnh lên một chút. Tổ hợp nào có môn Tiếng Anh thì điểm chuẩn sẽ giảm đi. 

"Với phổ điểm thi năm nay sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm trước vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối" - GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT – cũng cho rằng, với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các trường đại học hoàn toàn có thể tin tưởng lấy kết quả này làm căn cứ để xét tuyển. 

> Hai trường Công an Nhân dân công bố kết quả thi đánh giá năng lực 2022

> Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học phía nam theo điểm thi tốt nghiệp 2022

Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp