Đông đảo thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi ngày đầu tiên tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. - Ảnh: KIM LIÊN
Theo thông báo của hầu hết các trường ĐH, thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia trong thời gian từ ngày 15 đến 19-8, nếu nộp trễ qui định xem như thí sinh không có nguyện vọng theo học tại trường và nhà trường sẽ xóa tên trong danh sách trúng tuyển.
Mỗi thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2016, do vậy mỗi thí sinh chỉ nộp giấy chứng nhận kết quả thi chính thức vào duy nhất một trường.
Trường hợp thí sinh nộp hai trường do sử dụng một bản sao không hợp lệ thì vi phạm qui định của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển của cả hai trường đã nộp.
Trường hợp thí sinh làm mất giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh phải liên hệ với hội đồng thi để xin cấp lại. Nếu thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 đúng thời hạn qui định, nhà trường sẽ không giải quyết .
Hớn hở đến trường xác nhận nhập học
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sáng nay tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhiều thí sinh, phụ huynh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi. Tại trường cũng bố trí các bàn tư vấn cho thí sinh và phụ huynh.
“Do em đã xác định chắc chắn học trường này, nên nay em đến sớm nộp giấy chứng nhận kết quả cho trường luôn. Vừa rồi biết điểm mình đủ đậu ngành kế toán của trường em rất mừng, em rất háo hức được học tại trường”, thí sinh Lê Ánh Nguyệt trường THPT Xuân Lộc (Đồng Nai) vui vẻ nói.
Cùng tâm trạng như Nguyệt, thí sinh Dương Khánh Vy học sinh trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) cho biết em thi được 22,38 điểm và đăng kí vào ngành Kế toán-kiểm toán của trường. Lúc biết kết quả mình đậu em rất vui.
Bà Võ Thị Hồng Điền - mẹ Vy, hào hứng chia sẻ: “Biết nó đậu cả nhà vui lắm, nên cho nó đi nộp ngày đầu luôn. Sợ đi xe đò kẹt xe rồi đi hai ba chuyến, tôi thuê luôn xe 4 chỗ để hai mẹ con đi cho thuận tiện".
Đưa cháu đi nộp giấy chứng nhận, ông Nguyễn Ngọc Á (Vũng Tàu) cho biết: “Tôi định để cháu đi nộp một mình, nhưng nghĩ đi nghĩ lại đưa cháu đi cho chắc chắn. Sợ cháu đi lại đường thành phố chưa quen rồi bị lạc".
“Nộp sớm cho yên tâm”
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đã có rất đông thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 và nhận giấy báo nhập học. Thí sinh Trần Thị Hoài Dương, tỉnh Quảng Trị cho biết ngay sau khi biết điểm chuẩn đại học 2016 vào trường, Dương đã tức tốc vào TP.HCM để nộp giấy chứng nhận kết quả thi.
Dương đạt 30,5 điểm tổ hợp môn Văn, Sử, Địa và đăng ký vào ngành sư phạm Địa. "Em rất vui vì đậu vào học ngành mình thích. Em và mẹ lo vào sớm để nộp giấy vì sợ mấy ngày sau sẽ đông, làm sớm cho yên tâm", Dương chia sẻ.
Trương Thị Yến Nhi, tỉnh Bến Tre cũng tranh thủ lên nộp sớm và tìm chỗ ở cùng với bạn mình. "Chắc em đi đăng ký chỗ ở ký túc xá cho tiện vì mới lên TP.HCM nên cũng không biết thuê phòng ở đâu", Nhi nói.
Các thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi trực tiếp sẽ được nhận giấy báo nhập học. Hồ sơ nhập học cũng được bán tại trường để thí sinh và phụ huynh mua. Thời gian nhập học từ ngày 23 đến ngày 25-8. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi bằng cách chuyển phát nhanh (hạn chót là 17g ngày 19-8), trường sẽ gửi giấy báo nhập học bằng bưu điện.
Vẫn còn phân vân…
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cũng có khá đông thí sinh và phụ huynh đi nộp bản gốc bảng điểm thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học. Tới khoảng 10g sáng, các thí sinh vẫn còn xếp thành hàng dài trước phòng đào tạo đợi tới lượt nộp hồ sơ.
Bên cạnh niềm vui trúng tuyển ĐH, một số thí sinh cũng gặp trường hợp khiến bản thân lúng túng, chưa biết lựa chọn thế nào. Đó là trường hợp của thí sinh Lã Thị Kim Ngân, ở Bến Cát, Bình Dương. Ngân cùng mẹ đến trường từ rất sớm nhưng vẫn đắn đo chưa nộp bảng điểm gốc.
Ngân cho biết: “Em trúng tuyển vào ngành báo chí và ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đồng thời trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh bên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Bản thân em thích học ngành ngôn ngữ Anh hơn nhưng khi viết hồ sơ đăng kí dự thi, em lại để nó ở nguyện vọng hai, nguyện vọng một là báo chí. Lúc đó vì chưa nắm kỹ thông tin nên em cứ nghĩ hai nguyện vọng ngang nhau, giờ đi xác nhận nhập học em mới biết”.
“Em vào hỏi thì được thầy tư vấn là nếu muốn học ngành ngôn ngữ Anh ở trường thì cứ nhập học bình thường, sau đó có thể xin chuyển ngành sau, nhưng em lo nhập học xong thì các ngành đã đủ chỉ tiêu mất rồi. Em đang băn khoăn không biết nên nộp vào trường nào vì em thích học ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn hơn”, Ngân cho biết thêm.
Thí sinh Nguyễn Đỗ Đăng Khoa, ở Bình Phước cũng cùng cha tới trường xác nhận nhập học từ sớm nhưng không được nhận hồ sơ vì muốn nhập học hai trường cùng lúc. Khoa cho biết: “Em trúng tuyển vào ngành kinh tế đối ngoại của Trường ĐH Ngoại thương và ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Em thích cả hai ngành nên muốn học cả hai. Sáng em đã nộp bảng điểm gốc bên trường ĐH Ngoại thương để xác nhận nhập học rồi, qua đây nộp thì không được nữa”.
Khoa chia sẻ thêm trong tâm trạng tiếc nuối: “Em vào nộp hồ sơ thì thầy nói nếu em muốn học báo chí nữa thì năm sau thi lại và phải được hiệu trưởng của trường em đang theo học đồng ý”.
Hầu hết các phụ huynh, thí sinh khi được hỏi sau khi xác nhận nhập học đều lo lắng, hỏi về chỗ ở trọ, kí túc xá như thế nào. Đặc biệt là những phụ huynh, thí sinh ở xa như Tiền Giang, Bạc Liêu, Bình Phước…
Tuyen sinh 2016
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160815/dong-dao-thi-sinh-xac-nhan-nhap-hoc-ngay-dau-tien/1155211.html