>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Đổi mới thực chất thì nên quyết tâm làm: Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đã ủng hộ phương án điều chỉnh thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT.

Dư luận đang lo ngại Bộ GD&ĐT có thể nóng vội khi dự kiến áp dụng đổi mới thi tốt nghiệp THPT ngay trong năm 2014?

Ông Đào Trọng Thi: Tôi cho là không có gì nóng vội. Năm nay Bộ dự định đổi mới cả thi đại học cao đẳng và thi tốt nghiệp THPT. Đổi mới thi tốt nghiệp THPT thì Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của T.Ư Đảng đã có, Bộ GD&ĐT cũng đã chuẩn bị từ trước để triển khai chứ không phải sau khi có Nghị quyết Bộ mới chuẩn bị.

Bản chất của việc đổi mới các môn thi tốt nghiệp THPT

Vì thế, tôi hiểu Bộ GD&ĐT xác định đổi mới thi tốt nghiệp THPT là việc có thể làm ngay trong năm 2014 này, vì việc đổi mới này không cần đầu tư tài chính. Chúng ta cần biết, đổi mới nào cũng phải có sự bắt đầu, nên nếu có thể bắt đầu ngay từ năm nay thì càng tốt cho học sinh. Tôi đánh giá Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết đổi mới giáo dục. Vấn đề đặt ra bây giờ là mọi việc còn ở phía trước nên ngành Giáo dục phải có sự chuẩn bị từ đầu, bước đi phải có lộ trình phù hợp.

Như Bộ GD&ĐT công bố thì sau khi lấy ý kiến về các phương án đổi mới, tháng 3 bộ sẽ chốt nội dung đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Như thế là cũng không đến nỗi gấp gáp. Vì mọi năm, cũng mãi đến tháng 3 Bộ mới công bố môn thi tốt nghiệp. Nên nếu như năm 2014 này Bộ áp dụng việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT thì tôi còn cho là có lợi hơn cho học sinh, vì mọi thông tin đã được công bố ngay từ đầu năm, kể cả việc bộ quyết định chọn phương án thi 4 môn hay 5 môn.

Ông đánh giá thế nào về phương án đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT, nên thi 4 môn hay 5 môn?

Về bản chất, đổi mới thi tốt nghiệp lần này mới chỉ dừng ở việc giảm môn thi, thay đổi môn thi, vì thế sẽ không có sự xáo trộn gì đối với học sinh. Thay vì Bộ lựa chọn môn thi tốt nghiệp thì Bộ trao quyền lựa chọn môn thi cho các em. Như vậy là học sinh có lợi hơn vì được thi ít môn, được chọn môn mình thích, việc thi cử vì thế sẽ giảm áp lực hơn. Thông tin cũng được công bố sớm hơn mấy tháng. Còn đề thi tôi nghĩ là chưa có gì thay đổi vì chúng ta chưa thực hiện đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông. Với 2 phương án mà Bộ đưa ra, một là bắt buộc thi môn Toán, Văn và 2 môn tự chọn; hai là thi bắt buộc thi môn Toán, Văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn thì tôi lựa chọn phương án 1. Đây là cũng ưu tiên của Bộ GD&ĐT. Chúng ta chỉ nên thi 4 môn thôi, 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn và môn ngoại ngữ không nên là môn thi bắt buộc. Đọc thêm:   Vì sao bộ Giáo dục và Đào tạo chọn 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp

Thưa ông, nhiều ý kiến lại cho rằng, nếu không bắt buộc thi môn ngoại ngữ thì sẽ khiến học sinh lơ là môn này, trong khi đó ngoại ngữ là môn rất yếu của học sinh Việt Nam hiện nay?

Tôi ủng hộ việc không coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, chỉ nên là môn thi để cộng điểm cho các em. Vì hiện nay điều kiện học ngoại ngữ ở các vùng miền là rất khác biệt, nếu bắt buộc thi môn này sẽ thiệt thòi cho những em ở vùng khó khăn trong dạy và học môn này.

Sở dĩ chúng ta bắt buộc thi các môn Toán và Văn không phải vì kiến thức của nó quan trọng hơn các môn khác mà đó là 2 môn học có vai trò cao hơn trong việc hình thành năng lực tư duy của học sinh, khác với các môn khác là những môn học công cụ. Nếu lập luận ngoại ngữ quan trọng nên phải bắt buộc thi thì tôi cho rằng tin học cũng quan trọng không kém trong điều kiện hội nhập hiện nay. Nhưng vì cả 2 môn công cụ này đều đang có điều kiện dạy và học rất khác nhau ở các vùng miền nên tôi ủng hộ chưa nên bắt buộc thi, để bảo đảm công bằng cho học sinh.

Tuy vậy, trong tương lai khi chúng ta cải thiện điều kiện dạy và học môn này thì tôi đồng ý phải coi đó là môn thi bắt buộc để đánh giá năng lực học sinh. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải cải thiện việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường, để nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học cho học sinh. Học và thi ngoại ngữ như hiện nay không thể hiện được điều đó. Chúng ta không nên quá lo lắng việc bỏ thi ngoại ngữ thì khiến học sinh lơ là môn này. Chúng ta khuyến khích học sinh tự chọn thi môn này để được cộng điểm, vì thế em nào đã thích học thì sẽ vẫn học vẫn thi, còn với những em chưa có điều kiện học thì như hiện nay, dù bắt buộc thi ngoại ngữ thì các em có thể chọn môn thi thay thế.

Bộ GD&ĐT dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Có người đồng tình, có người không, ông nghĩ sao?

Nên miễn chứ, 20% là còn ít, theo tôi có thể miễn tới 50%. Hiện nay, hàng năm thi tốt nghiệp đều đỗ gần 100% nên nhiều người thậm chí còn kêu gọi bỏ kỳ thi này. Miễn thi 20% cho những học sinh khá giỏi theo tôi là còn ít. Miễn thi là để thể hiện việc tôn trọng kết quả học tập của học sinh, không có gì rủi ro cả, vì chắc chắn tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn 20%. Về lâu dài, tôi ủng hộ kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nên là kỳ kiểm tra kết quả học tập của học sinh một cách nhẹ nhàng.

Vậy theo ông, hoàn toàn có thể áp dụng việc đổi mới thi tốt nghiệp trong kỳ tuyển sinh 2014 này?

Tôi cho là Bộ GD&ĐT đang làm rất tích cực, đúng hướng tinh thần của Nghị quyết đổi mới giáo dục. Nếu thay đổi của Bộ khiến học sinh khó khăn hơn, áp lực thì chúng tôi phải ngăn. Nhưng với thay đổi này, học sinh học tập thoải mái hơn, đỡ áp lực hơn, vì vậy tôi ủng hộ. Bởi với cách làm này, học sinh thi ít môn hơn, được lựa chọn môn thi mình thích, các em lại được biết thông tin sớm hơn.

Theo tôi, học sinh, phụ huynh và xã hội nên thúc giục Bộ đổi mới nhanh hơn thay vì lo ngại, băn khoăn. Còn việc đổi mới này, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị nhiều đề thi hơn cho tất cả các môn mà học sinh được tự chọn, thay vì chỉ 6 đề thi cho 6 môn như các năm. Đổi mới nào cũng có sự bắt đầu và có sức ép từ dư luận nhưng cũng không nên vì sức ép mà do dự nếu sự đổi mới đã mang tính thực chất.

Theo tác giả Phan Thảo, báo SGGP